Ám ảnh đại dịch lây lan, Trung Quốc ra lệnh đóng cửa thành phố Vũ Hán
Số người chết vì virus lạ tăng vọt lên 17 người, Trung Quốc quyết định mạnh tay bằng việc tạm dừng tất cả các hoạt động giao thông công cộng ở Vũ Hán dù Tết Nguyên đán đã bắt đầu.
- 23-01-202017 người chết do virus corona, ông Trump tự tin Mỹ có cách ngăn chặn
- 22-01-2020Ký ức kinh hoàng ập về, người TQ sợ hãi tột độ: 440 ca nhiễm virus cúm Vũ Hán, kinh tế dính đòn
- 22-01-2020Mỹ xác nhận ca nhiễm virus lạ đầu tiên
- 22-01-2020Dịch viêm phổi do virus corona: Mỹ xác nhận trường hợp nhiễm đầu tiên
- 18-01-2020Thêm một người chết vì virus gây bệnh viêm phổi lạ ở Trung Quốc
Vũ Hán, thành phố miền trung Trung Quốc, là nơi phát sinh dịch bệnh liên quan đến chủng corona virus lạ, cùng họ với loại virus từng gây ra đại dịch SARS làm chấn động toàn cầu ở Trung Quốc trong 2 năm 2002-2003. Việc áp dụng những biện pháp mạnh mẽ ở Vũ Hán ngay trước Tết cổ truyền cho thấy dịch bệnh mới đang vô cùng nguy hiểm.
Vũ Hán là một trung tâm du lịch lớn của Trung Quốc. Thành phố này có 11 triệu dân và đang bước vào một trong những giai đoạn bận rộn nhất trong mùa làm ăn của mình, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Hàng trăm triệu người Trung Quốc sẽ thực hiện khoảng 3 tỷ lượt đi lại trong dịp tết năm nay, làm tăng nguy cơ lây lan virus ở trong nước và nước ngoài.
Tuy nhiên, phản ứng của Trung Quốc với đại dịch nguy hiểm chỉ mới thay đổi từ đầu tuần. Việc số người chết vì virus lạ liên tiếp gia tăng cộng với việc khả năng lây từ người sang người đã được chứng minh, cúm Vũ Hán đang hội tụ đầy đủ những yếu tố để có thể biến thành một đại dịch kinh hoàng. Nhiều nhân viên y tế, được bảo hộ kỹ lưỡng, cũng đã nhiễm bệnh từ các bệnh nhân.
Ngày 20/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra chỉ đạo đầu tiên của ông với giới chức y tế nước này, trong đó yêu cầu họ hợp tác với giới chức y tế toàn cầu cũng như cởi mở hơn trong việc chia sẻ thông tin. Khi số người chết và các trường hợp nhiễm bệnh liên tục tăng mạnh, Vũ Hán đã có biện pháp đối phó của chính mình.
Thành phố này sẽ chính thức bị đóng cửa vào 10 giờ sáng theo giờ địa phương ngày 23/1 (tức 29 Tết). Thời gian đóng cửa thành phố chưa được xác định. Tàu điện ngầm, xe buýt, xe khách đường dài và hệ thống giao thông đường thủy đã bị đình chỉ hoạt động. Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, rất nhiều quan điểm ủng hộ biện pháp mạnh tay đã được đưa ra.
Tuy nhiên, sự lo lắng của người dân, kỳ nghỉ Tết cùng thời tiết ẩm ướt, lạnh lẽo đã khiến đường phố Vũ Hán chỉ lác đác bóng người ngay trước khi lệnh cấm được ban bố. Nhà hàng, ga tàu điện ngầm và sân bay cũng đã rơi vào tình cảnh tương tự từ trước khi có lệnh cấm. Tuy nhiên, khung cảnh đông đúc được bắt gặp ở bệnh viện, nơi thân nhân những người bị bệnh đang túc trực.
"Bố tôi năm nay 65 tuổi rồi. Ông đang trong độ tuổi rất nhạy cảm và dễ bị tổn hại", một phụ nữ ngồi trong Trung tâm Điều trị Y khoa Vũ Hán, hay còn được biết với cái tên Bệnh viện Jinyintan, chia sẻ. Bố của người phụ nữ này bị sốt cao nhiều ngày và được điều chuyển đến trung tâm y tế, nơi tất cả các nhân viên đều được mặc các loại đồ bảo hộ kín mít. Các nhân viên an ninh cũng được bảo hộ theo cách kín đáo nhất có thể.
Những thông tin về virus mới cũng rất ít ỏi. Tuy nhiên, nhà chức trách Trung Quốc cho rằng virus lạ lây lan giữa người giữa người chủ yếu thông qua ho, nôn hoặc nước bọt. Số ca nhiễm virus mới ở Trung Quốc liên tục tăng mạnh trong những ngày gần đây trong khi có hàng nghìn người vẫn nằm trong diện theo dõi.
Bắt nguồn từ một khu chợ hải sản ở Vũ Hán, hiện nay, số trường hợp nhiễm virus lạ được ghi nhận ở nhiều quốc gia và vũng lãnh thổ khác ngoài Trung Quốc. Cụ thể, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và đảo Đài Loan, Trung Quốc đều đã phát hiện trường hợp nhiễm virus lạ.
Hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới đã hoãn một ngày trước việc đưa ra quyết định để xác định xem cúm Vũ Hán có phải là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏa cộng đồng hay không. Nếu bị coi là sự đe dọa với nhân loại, nhiều nguồn lực trên toàn cầu sẽ được huy động để đối phó với sự lây lan của virus lạ.
Bác sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO, cho biết: "Sau khi tranh luận suốt nhiều giờ, Ủy ban Khẩn cấp bị chia rẽ bởi quyết định này. Để rõ ràng, chúng ta cần thêm thông tin".
Hiện tại, một nhóm chuyên gia của WHO đang có mặt ở Trung Quốc nhằm tìm câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng về mức độ lây truyền của virus và những điểm quan trọng khác.
Trở lại với vấn đề dịch bệnh ở Trung Quốc, việc đất nước 1,3 tỷ dân bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán làm bùng lên những lo ngại về một đại dịch, tương tự như SARS. Bùng lên vào cuối năm 2002, đầu năm 2003, SARS trở nên nghiêm trọng hơn vì trùng với dịp nghỉ Tết. Cùng họ với dịch cúm Vũ Hán, SARS đã lây lan toàn cầu và làm chết 774 người sau khi xuất hiện ở miền nam Trung Quốc.
Giới chức y tế toàn cầu đang đặc biệt quan tâm tới virus mới vì quanh nó có quá nhiều điều bí ẩn. Hiện tại, số người thực sự bị nhiễm bệnh và mức độ lây lan giữa người với người của loại virus lạ vẫn đang là ẩn số. Trong khi đó, các nhà khoa học lo sợ virus càng lây lan rộng, nó càng có khả năng đột biến và trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều.
Hiện tại, thế giới cũng đang đặt câu hỏi về việc liệu Trung Quốc có quá chậm chạp trong việc cung cấp thông tin cho cộng đồng quốc tế xung quanh loại virus lạ. Tuy nhiên, những biện pháp mạnh tay mà chính phủ Trung Quốc đang tiến hành phần nào khiến cộng đồng quốc tế bớt lo lắng.
Tham khảo: WSJ