MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ám ảnh 'tử thần' trên con đèo có 100 khúc cua gấp ở Lâm Đồng

23-07-2020 - 10:33 AM | Xã hội

Chỉ dài hơn 10 km nhưng đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) có gần 100 khúc cua gấp với độ dốc cao. Đây là đoạn đường ám ảnh đối với giới tài xế xe tải, xe khách… từ đồng bằng lên phố núi Đà Lạt và ngược lại.

Ông Bùi Sơn Điền (Phó GĐ Sở GT-VT Lâm Đồng) cho biết, đèo Bảo Lộc hiện là điểm nghẽn tiểm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao nhất tỉnh Lâm Đồng. Con đèo này gần như độc đạo , nối liền Đà Lạt với TPHCM và một số tỉnh lân cận, lưu lượng xe cộ lưu thông rất lớn, đặc biệt là xe chở du khách, rau hoa, bô-xít… Trong khi đó, mặt đường khá hẹp (7-8 m) nên không có điều kiện phân luồng, các phương tiện có tốc độ khác xa nhau đều phải đi chung luồng.

Xe chở bô-xít, vật liệu xây dựng… có trọng tải lớn nên chạy chậm. Xe chở khách, rau hoa nhẹ hơn nhưng không có điểm để vượt lên. Nhiều tài xế sốt ruột nên lấn làn, vượt ẩu dẫn đến các vụ tông xe, va quệt gây ùn tắc, kẹt xe ở con đèo này, nhất là những dịp cuối tuần, lễ, Tết… Chính những “điểm đen” về ý thức của tài xế góp phần vào những vụ tai nạn.

Chiều 19/7, ô tô 7 chỗ đang đổ đèo Bảo Lộc va chạm với xe khách giường nằm di chuyển chiều ngược lại. Vụ việc xảy ra đúng lúc có rất nhiều phương tiện qua đèo Bảo Lộc nên giao thông bị ách tắc, ùn ứ nghiêm trọng. Khoảng 30 phút sau, hiện trường được giải phóng nhưng nhiều giờ tiếp theo các phương tiện vẫn phải nối đuôi nhau di chuyển với tốc độ chỉ từ 15 - 20 km/giờ.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, Quốc lộ 20 đoạn qua đèo Bảo Lộc là nơi xảy ra nhiều vụ tai nạn nhất tỉnh Lâm Đồng. Hầu như năm nào cũng có tai nạn nghiêm trọng. Chuyện va chạm giữa các phương tiện, ùn tắc giao thông xảy ra hàng tuần, đặc biệt là những ngày cuối tuần hoặc dịp lễ Tết. Những “điểm đen” nguy hiểm nhất là các khúc cua gần Km 98, Km 101, Km 103, Km 108... Một vụ tai nạn năm 2013 khiến 7 người thiệt mạng. Tài xế T.V.V điều khiển xe tải chở rau lưu thông hướng Đà Lạt - TPHCM, khi cách chân đèo Bảo Lộc khoảng 200 m đã vượt một ô tô khác, tông cùng lúc 3 xe máy rồi lao xuống vực sâu gần 30 m.

Tài xế Trần Võ Hùng (quận Thủ Đức, TPHCM), người thường xuyên chở khách đi du lịch các tỉnh Tây Nguyên nói, không có con đèo nào ở khu vực này ám ảnh bằng đèo Bảo Lộc. Đèo có gần 100 khúc cua liên tục uốn lượn;một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Có những đoạn cua tiếp nối nhau, che tầm nhìn của tài xế, kể cả phía trước và chiều ngược lại.

Cần một con đường an toàn

Theo ông Điền, một vấn nạn khác là tình trạng thường xuyên sạt lở đèo vào mùa mưa bão. Năm ngoái, đèo Bảo Lộc bị sạt lở nặng, có đợt gây tắc đèo cả tuần. Trước tình trạng đó, giải pháp lâu dài là phải có con đường song song với đèo Bảo Lộc. Tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị Chính phủ sớm quan tâm đầu tư tuyến cao tốc Dầu Giây-Liên Khương. Cao tốc sẽ có đoạn song song với đèo Bảo Lộc, qua đó cơ bản giải quyết được tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông trên con đèo nguy hiểm này. Phương án 2, Lâm Đồng đề xuất làm tuyến đèo thứ hai song song với đèo Bảo Lộc để chia sẻ áp lực. Sắp  tới, Bộ GT-VT sẽ vào Lâm Đồng xem xét phương án này.

Trước mắt, tỉnh Lâm Đồng đầu tư kinh phí sửa chữa một số đoạn trên tỉnh lộ 725 để nếu xảy ra sạt lở, ách tắc trên đèo Bảo Lộc, xe cộ có thể đi vòng qua tuyến đường này. Tuy nhiên tuyến đường tránh sẽ dài hơn đường hiện tại hơn 50 km.


Theo Kim Anh

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên