MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Ám ảnh” với CAR, nhiều ngân hàng đau đầu tăng vốn

14-09-2016 - 16:47 PM | Tài chính - ngân hàng

Một số ngân hàng đã xin giữ lại cổ tức để tăng vốn, nhằm mục đích bảo đảm hệ số CAR...

Các ngân hàng thương mại, kể cả khối Nhà nước chi phối, đang chật vật tìm cách tăng vốn để đáp ứng hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR), như bán cổ phần, giữ lại cổ tức.

Hệ số an toàn vốn tối thiểu là điều kiện số một để ngân hàng áp dụng thông lệ Basel II, là yếu tố quyết định quy mô tăng trưởng tín dụng. Nhưng ngược lại, nhiều ngân hàng vẫn chưa biết xoay nguồn ở đâu, khi mà một trong những kênh được trông đợi là giữ lại cổ tức để tăng vốn thì không được chấp nhận, do bị gắn với kết quả xử lý nợ xấu.

Tiến thoái lưỡng nan

Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố cuối tuần trước, tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm ở mức 9,09% so với cuối năm 2015. So với mục tiêu 18 - 20% trong nay, dư địa tối thiểu 9% còn lại không dễ kịp lấp đầy khi chỉ còn hơn 3 tháng nữa là hết năm.

Nhiều người nói rằng, để tăng trưởng 9% còn lại trong hơn 3 tháng cũng không phải khó khăn lắm vì không ít dự án ở một số lĩnh vực rủi ro đang rất khát vốn. Nhưng đó là đối với một số ít ngân hàng có hệ số CAR trên 12%, phần lớn còn lại chỉ quanh mức khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước 9%.

Vì thế, vấn đề đau đầu với các ngân hàng có hệ số CAR 9% là làm thế nào để tăng trưởng được tín dụng, bảo đảm sinh lời so với số lượng nguồn đã huy động.

Ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV phân tích: trong giai đoạn 2011-2015, tài sản có rủi ro (phần mẫu số của hệ số an toàn vốn CAR bao gồm các khoản tín dụng, đầu tư, tài sản có khác… được điều chỉnh theo hệ số rủi ro theo quy định) của khối ngân hàng thương mại Nhà nước tăng trưởng trung bình ở mức 19,4%/năm, cao hơn nhiều so mức 13,9%/năm toàn ngành, cao hơn hẳn mức 11,4%/năm của khối ngân hàng thương mại cổ phần, trong khi đó vốn tự có (phần tử số của hệ số CAR bao gồm vốn chủ sở hữu, các khoản dự trữ và loại trừ một khoản vốn khác theo quy định) của khối tăng trưởng chỉ ở mức 15,43%/năm (chủ yếu do tăng từ vốn điều lệ, phát hành trái phiếu chuyển đổi).

Điều đó dẫn đến CAR của khối ngân hàng thương mại Nhà nước liên tục sụt giảm, từ mức 10,8% năm 2011 xuống mức 9,4% hiện nay - gần chạm ngưỡng tối thiểu 9% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, và thấp hơn mức bình quân 10,3% của ASEAN.

Đáng chú ý, vài năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp để áp dụng các chuẩn mực thông lệ quốc tế theo Basel trong tính toán CAR (Thông tư 02/2013/TT-NHNN, Thông tư 09/2014/TT-NHNN nhằm phản ánh thực chất và rõ ràng hơn, thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các tiêu chuẩn về an toàn hoạt động của hệ thống tiến gần hơn với thông lệ quốc tế…), nên vừa làm giảm vốn tự có và làm tăng tài sản có rủi ro từ đó tác động tiêu cực đến CAR.

Tự tìm giải pháp?

Nhìn thấy áp lực hệ số CAR không đảm bảo khi lộ trình áp dụng Basel II đang đến gần, nếu cứ gắn với kết quả xử lý nợ xấu (bao gồm nợ hiện tại ở các ngân hàng được xác định ở mức dưới 3%, nợ cơ cấu lại theo Quyết định 780 và số nợ đã bán cho VAMC), một số ngân hàng thương mại đã tìm cách đi riêng.

Cuối tháng 8/2016, Vietcombank công bố thoả thuận ghi nhớ sẽ bán 7,73% vốn cổ phần mới của Vietcombank, tương ứng 305.810.895 cổ phần. Đối tác mua là quỹ đầu tư quốc gia của Singapore: GIC Special Investments.

Nhưng, không phải ngân hàng nào cũng chào bán thành công như với Vietcombank.

Theo phản ánh một số ngân hàng thương mại, kết thúc nửa đầu năm 2016, các ngân hàng này đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép giữ lại cổ tức để tăng vốn, nhằm mục đích bảo đảm hệ số CAR, từ đó mở rộng tín dụng theo mục tiêu được phân bổ. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng chưa duyệt.

Xung quanh vấn đề này, LS. Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) nói: “Rất thông cảm với Ngân hàng Nhà nước, ở chỗ: họ phải gắn câu chuyện các ngân hàng thương mại xử lý nợ xấu với chi trả cổ tức nhưng như thế, hệ số CAR lại không tăng được, kéo theo tín dụng không tăng, ảnh hưởng xấu đến mục tiêu tín dụng và GDP trong năm nay. Đằng nào cũng khó”.

Chung quan điểm này, ông Trần Bắc Hà tính toán: nếu không tăng được, vốn tự có của khối ngân hàng thương mại Nhà nước sẽ ở mức bằng năm 2015 là 203 nghìn tỷ đồng, và theo đó, khả năng tăng trưởng tài sản có rủi ro còn lại chỉ là 101 nghìn tỷ đồng; tương ứng với mức tăng trưởng 4,67% so với năm 2015 và tăng trưởng tín dụng ở mức 7-8% năm 2016. Khi đó, dư nợ tín dụng mỗi năm bị thiếu hụt 280 nghìn tỷ đồng.

Theo một chuyên gia trong ngành ngân hàng, với những trường hợp ngân hàng thương mại có nhu cầu giữ lại cổ tức để tăng vốn thì Ngân hàng Nhà nước nên xem xét giải quyết, bởi vì xét đến cùng, tăng vốn cũng là biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống và ngược lại, trong bối cảnh thị trường khó khăn đối với phát hành, nợ xấu chưa được xử lý triệt để…

Theo Nguyễn Hoài

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên