AMV ước lãi ròng 2018 tăng hơn 5 lần lên 210 tỷ đồng, dự chia cổ tức 20% tiền mặt và 20% cổ phiếu
AMV kỳ vọng doanh thu năm 2019 tiếp tục tăng mạnh lên mức 850 tỷ, tương ứng lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng, đây là năm Công ty chính thức ghi nhận nguồn thu từ mảng PACS.
- 09-10-2018Cổ phiếu tăng gấp đôi từ tháng 7, Thiết bị Y tế Việt Mỹ (AMV) lãi đột biến 66 tỷ đồng trong quý 3
- 14-09-2018Mối quan hệ JVC – AMV – SRA: Trăn trở từ người trong cuộc
Trong buổi chia sẻ đầu tư mới đây, đại diện Sản xuất kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt - Mỹ (AMV) cho biết doanh thu năm 2018 Công ty ước đạt 564 tỷ, lợi nhuận sau thuế tương ứng thu về 210 tỷ đồng, tăng hơn 5 lần so với mức 39 tỷ đồng năm 2017. Riêng quý 4, nhờ ký kết được nhiều hợp đồng cung cấp thiết bị y tế, Công ty ước tính thu về hơn 110 tỷ đồng. Với con số tích cực trên, AMV dự kiến chia cổ tức 20% tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu.
Kết thúc quả 9 tháng đầu năm, doanh thu Công ty đạt 164 tỷ, lợi nhuận sau thuế tương ứng thu về 97 tỷ đồng, đồng thời Công ty đã triển khai 3 trung tâm xét nghiệm đi cùng hợp tác/cho thuê máy móc thiết bị.
Được biết, 3 trung tâm xét nghiệm của AMV đang hoạt động theo mô hình xã hội hóa tại Bệnh viện Đa khoa xã Phú Thọ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và Trung tâm y tế huyện Thanh Sơn.
Không còn liên quan JVC, mục tiêu xây dựng nhóm công ty chuyên về dịch vụ y tế
Về AMV, kể từ năm 2017 với doanh thu lợi nhuận tăng mạnh, đi cùng đợt phát hành tăng vốn khủng, thị giá cổ phiếu liên tục leo dốc đã gây chú ý thị trường. Được biết, AMV vốn là một doanh nghiệp niêm yết đã lâu trên HNX nhưng có tình hình kinh doanh không mấy khả quan. Kể từ khi nhóm cổ đông mới liên quan đến "cha đẻ" JVC mua lại, AMV chuyển sang tập trung phân phối (theo kênh truyền thống) máy móc thiết bị y tế, ngoài ra AMV cũng cho thuê vào các bệnh viện/cơ sở y tế, thông qua hình thức PPP.
Hiện, ông Hướng đang là cố vấn chiến lược cho AMV, ông cho biết những khách hàng nước ngoài từ Nhật, Mỹ… trước đó làm việc với JVC đều khá thân với ông, do đó sau khi ông chính thức rời JVC để gầy dựng nên sự nghiệp mới, thì khoảng 21 đối tác đã ký kết hợp đồng thông qua ông. Đây là thế mạnh hiện nay của AMV, ông Hướng nhấn mạnh, và với một mức sinh lời lớn trong dư địa thị trường y tế Việt Nam thì những con số kinh doanh tại hai đơn vị này không hề ảo.
Được biết, nhu cầu khám chữa bệnh tại Việt Nam ngày càng cao đi cùng nhu cầu hợp tác đầu tư máy móc thiết bị y tế cao là hai dư địa tăng trưởng của thị trường y tế hiện nay. Thống kê cho thấy tổng chi y tế bình quân đầu người của Việt Nam còn khá thấp so với các nước phát triển, thậm chí thấp hơn 1 số nước trong khu vực Đông Nam Á.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng "dẫm chân" đi cùng tình trạng quá tải luôn là vấn đề của nước ta, số giường bệnh/1 vạn dân ở Việt Nam hầu như không tăng trong 3 năm qua trong khi công suất sử dụng giường bệnh ngày càng tăng.
Còn nói về mối quan hệ giữa JVC và AMV, ông Hướng khẳng định hoàn toàn không còn liên quan, hiện mục tiêu của vị này là xây dựng một nhóm công ty chuyên cung cấp dịch vụ, trang thiết bị y tế, trong đó mỗi đơn vị sẽ có lợi thế riêng của mình.
Lợi nhuận sauu thuế dự đạt 270 tỷ đến năm 2020
Trong số đó, AMV là một trong những đơn vị tiên phong trong mảng trung tâm xét nghiệm tập trung với những máy móc hiện đại(theo hình thức PPP), thực tế cho thấy công tác xét nghiệm mang về tỷ trọng doanh thu 30-40% cho bệnh viện.
Theo AMV, nhu cầu hợp tác PPP trong đầu tư trang thiết bị y tế rất lớn, phù hợp với Đề án xã hội hóa y tế của Bộ Y Tế, đặc biệt ở tuyến cơ sở. Đồng thời, hình thức PPP còn giúp Công ty tận dụng được khách hàng (bệnh nhân sẵn có của bệnh viện), dẫn đến margin cải thiện đáng kể.
Ngoài ra, Công ty đang trong quá trình xây dựng trung tâm hỗ trợ sinh sản IVF với phương pháp Kato của Nhật Bản - mục đích chữa trị bệnh hiếm muộn của các cặp vợ chồng. Ghi nhận tại Nghị quyết ĐHĐCĐ AMV được thông qua năm nay, do 2 dự án Xây dựng nhà nội trú trên bị chậm tiến độ, Công ty đã chuyển mục đích sử dụng vốn tại Đầu tư Bệnh viện Việt Mỹ sang làm 3 dự án xét nghiệm (lợi thế hiện nay của AMV) và 50 tỷ cho trung tâm hỗ trợ sinh sản IVF.
Thống kê cho thấy, việc điều trị bệnh hiếm muộn ở Việt Nam ngày càng tăng mạnh, chi phí chữa trị thì vô cùng đắt đỏ song tỷ lệ thành công chỉ dừng lại ở mức 50-60%. Như vậy, với việc áp dụng công nghệ Kato cho trung tâm IVF, ông Hướng kỳ vọng sẽ làm tăng tỷ lệ thành công lên 80-90%, và nếu làm được thì nguồn doanh thu từ mảng này là vô cùng tiềm năng.
Còn kế hoạch hai nhà nội trú trên, AMV cho biết đã chuyển sang đơn vị khác thuộc nhóm công ty thực hiện, kế hoạch sẽ triển khai trong giai đoạn 2019-2022.
Mới đây AMV còn được chấp thuận triển khai dự án chụp X-quang từ phim khô sang phần mềm (PACS) –điều này theo ông Hướng là bước tiên phong tương tự JVC thời cải cách phim X-quang ướt sang phim X-quang khô tại Việt Nam.
Với những luận điểm trên, AMV kỳ vọng doanh thu năm 2019 tiếp tục tăng mạnh lên mức 850 tỷ, tương ứng lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng, đây là năm Công ty chính thức ghi nhận nguồn thu từ mảng PACS. Con số cho năm 2020 lần lượt là 900 tỷ doanh thu và 270 tỷ lãi ròng, điểm nhấn giai đoạn này bao gồm trung tâm xét nghiệm tập trung cũng như sản xuất hóa chất xét nghiệm tiểu đường.
Trên thị trường, thị giá cổ phiếu AMV cũng tăng đột biến hơn 8 lên từ vùng giá 15.000 lên 38.000 đồng/cp như hiện nay. Trong con sóng lớn, giao dịch cũng khá sôi động với khối lượng tương đối.
Giao dịch cổ phiếu AMV.
Trí Thức Trẻ