MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Ăn bám" vào kênh phân phối ngoại, hàng Việt sẽ còn bị "hất cẳng" khỏi kệ

06-07-2019 - 21:19 PM | Thị trường

Sự việc BigC "tạm ngừng" nhập hàng may mặc Việt được xem là một minh chứng cho việc hàng Việt mất chỗ đứng và có thể bị đẩy ra khỏi hệ thống siêu thị do nước ngoài làm chủ bất cứ lúc nào khi phải "tầm gửi" vào họ để bán hàng.

Hàng Việt đang lép vế

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, trong vụ việc BigC tạm ngừng nhập hàng dệt may Việt, để xác định là lỗi của ai thì cần dựa trên hợp đồng thương mại với các điều khoản đã thống nhất giữa các bên, đồng thời đối chiếu theo luật.

Song chuyên gia này cũng nhấn mạnh: "BigC đang nắm đằng chuôi và các doanh nghiệp may mặc của ta đang phụ thuộc vào họ".

Theo một chuyên gia về bán lẻ, bản thân các nhà bán lẻ, vì nguồn doanh thu và lợi nhuận của mình sẽ ưu tiên cho những nhà cung cấp nào chiếm thị phần lớn, những doanh nghiệp Việt Nam thị phần nhỏ sẽ phải đứng sau, chịu thiệt thòi.

"Cái đó rất khó “trách” họ, nhất là trong bối cảnh các qui định, tiêu chuẩn kỹ thuật quản lý bán lẻ của mình còn thiếu và yếu. Riêng về bán lẻ, doanh nghiệp trước hết phải tự thân vận động thôi, cần xem xét lại và nỗ lực nâng cao năng lực về chiến lược sản phẩm, chiến lược marketing, chiến lược trade marketing, chiến lược phân phối. Đây là những yếu tố doanh nghiệp Việt Nam thường yếu kém", chuyên gia này nhấn mạnh.

Trong chuyên môn bán lẻ thì người ta nhìn vào tỉ lệ phần trăm hàng chiếm trên các kệ hàng giữa hàng Việt và hàng của các doanh nghiệp nước ngoài (hoặc thị phần) để đánh giá. Nếu nhìn vào chỉ số này thì trong khá nhiều ngành hàng, thị phần của doanh nghiệp Việt (không phải doanh nghiệp FDI) có tỉ lệ hiện diện trên kệ đang chỉ đạt dưới 50%.

"Theo tôi dưới 50% thì gọi là “lép vế” được rồi. Nhìn vào các siêu thị hiện nay, có nhiều ngành hàng chủ lực đang rơi vào tình trạng này. Những doanh nghiệp chiếm thế thượng phong sẽ có những “tác động” một cách khôn khéo để lấn át, làm cho các doanh nghiệp còn lại không thể tăng trưởng tốt được.

Đó là câu chuyện cạnh tranh thường thấy. Chuyện doanh nghiệp Việt lép vé là chuyện thực tế, đã và đang diễn ra, nhất là ở các nhà bán lẻ nước ngoài. Cần phải nhìn thẳng và nói thật.", chuyên gia bán lẻ thẳng thắn.

Vì sao doanh nghiệp Việt lép vế?

Chuyên gia tư vấn chiến lược, thương hiệu Vương Thanh Long cho rằng, doanh nghiệp dệt may Việt Nam có 2 điểm yếu. Một là thiếu đầu tư cho thương hiệu, chỉ tập trung vào sản xuất là chính; Hai là không chủ động xây dựng kênh phân phối độc lập, chuyên nghiệp mà luôn phải phụ thuộc vào một kênh phân phối khác.

"Đó là lý do vì sao khi BigC tuyên bố tạm dừng mua hàng dệt may Việt thì doanh thu của các đơn vị đầu mối cung ứng lập tức bị tác động. Bài toán về kênh phối chúng ta đã nhìn thấy từ nhiều năm nay nhưng chưa giải quyết được.

Chính vì thế, khi đã đủ tiềm lực sản xuất thì doanh nghiệp cần phải tính đến xây dựng thương hiệu riêng và kênh phân phối độc lập”, chuyên gia Vương Thanh Long cho biết.

Một bất lợi khác của các sản phẩm may mặc Việt được chuyên gia này chỉ ra là chiến lược thương hiệu quốc gia của Việt Nam còn yếu. Lấy ví dụ, chuyên gia cho biết, hai quốc gia Hàn Quốc và Thái Lan xây dựng được thương hiệu quốc gia rất tốt. Khi thời trang gắn liền với xuất xứ Hàn Quốc hay Thái Lan, giá trị của hàng hoá đó cũng được nâng lên.

Ngoài ra, chuyên gia Vương Thanh Long cũng nhấn mạnh về vai trò mờ nhạt của các hiệp hội của Việt Nam. Trong khi ở các quốc gia như Singgapore, Mỹ, vai trò của hiệp hội ngành nghề được thể hiện rõ. Sự xuất hiện của các doanh nghiệp ra thị trường với sự hỗ trợ của các hiệp hội được thể hiện chuyên nghiệp, còn Việt Nam thì rời rạc, “mạnh ai nấy chạy”.

Cũng theo chuyên gia này, nếu các doanh nghiệp Việt vẫn thờ ơ trong việc xây dựng kênh phân phối cũng như tạo thương hiệu riêng cho mình và nếu chúng ta vẫn thiếu một chiến lược quốc gia cho hàng hoá thì việc các sản phẩm bị đẩy ra khởi các siêu thị ngoại được xem là tất yếu vì quyền quyết định nằm ở người tiêu dùng.

Theo Phạm Dung

Lao động

Trở lên trên