Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo, thị trường Việt Nam rộng cửa?
Ảnh minh họa.
Ấn Độ xuất khẩu gạo sang hơn 150 quốc gia, do vậy bất kỳ động thái cắt giảm nào từ nước này sẽ làm tăng áp lực lên giá lương thực toàn cầu. vốn đã tăng vì hạn hán và cuộc xung đột Nga - Ukraine.
- 09-09-2022‘Xe hybrid đã hết thời’ – Toyota, Honda, Nissan liệu đã thức giấc?
- 09-09-2022Ấn Độ áp thuế xuất khẩu 20% đối với một số loại gạo
- 09-09-2022Giá thép thanh vằn của Trung Quốc tăng 2%
Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo 100% tấm. Đây là mặt hàng mà một số nước nghèo ở châu Phi nhập khẩu để làm thức ăn, dù loại gạo này chủ yếu được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.
Đồng thời, New Delhi còn áp thuế 20% đối với một số loại gạo khác nhằm đảm bảo nguồn cung và hạ nhiệt giá gạo trong nước sau khi sản lượng đi xuống vì thiếu mưa. Lệnh này dự kiến sẽ có hiệu lực từ hôm nay (ngày 9/9). Gạo và gạo basmati không nằm trong danh sách áp thuế.
Các động thái mới có thể tác động đến các nhà nhập khẩu gạo truyền thống của Ấn Độ, khiến họ chuyển hướng sang các nhà xuất khẩu gạo khác là Thái Lan và Việt Nam.
Ông BV Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, cho biết việc áp thuế sẽ ảnh hưởng đến gạo trắng và gạo lứt, chiếm khoảng 60% lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ.
"Với mức thuế này, gạo xuất khẩu của Ấn Độ sẽ trở nên khó cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới. Người mua sẽ chuyển sang các quốc gia như Thái Lan và Việt Nam", ông Rao nói.
Ấn Độ hiện chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu và đang cạnh tranh với Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar. Đất nước tỷ dân này xuất khẩu gạo tới hơn 150 quốc gia và bất kỳ sự giảm sút nào trong hoạt động xuất khẩu của Ấn Độ đều sẽ làm tăng áp lực lên giá lương thực toàn cầu, vốn đang tăng do hạn hán, lạm phát và xung đột Nga - Ukraine.
Năm 2021, Ấn Độ xuất khẩu kỷ lục 21,5 triệu tấn gạo, nhiều hơn tổng lượng hàng mà 4 nước xếp sau là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ cộng lại.
Một đại lý có trụ sở tại Mumbai cho biết Ấn Độ là nhà cung cấp gạo rẻ nhất và điều đó đã bảo vệ các quốc gia châu Phi như Nigeria, Benin và Cameroon khỏi đà tăng giá lúa mì và ngô.
Lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ có thể ảnh hưởng xấu đến Trung Quốc, vốn có nhu cầu nhập khẩu gạo tấm để làm thức ăn chăn nuôi. Trung Quốc là nước mua gạo tấm lớn nhất thế giới, với lượng mua 1,1 triệu tấn vào năm 2021.
Cơ hội của Việt Nam
Mới đây, sau nhiều tháng đàm phán song phương với mục tiêu cải thiện thu nhập cho người dân thuộc khu vực nông thôn, Thái Lan và Việt Nam đã đạt được sự đồng thuận trong việc "cùng nhau thực hiện kế hoạch tăng giá gạo trên thị trường toàn cầu", hãng tin Reuters dẫn lời của một quan chức cấp cao phụ trách lĩnh vực nông nghiệp của Thái Lan cho biết hôm 29/8.
"Đây là lần đầu tiên Thái Lan và Việt Nam đồng ý hợp tác để nâng giá gạo trên thị trường thế giới", ông Alongkorn Ponlaboot - cố vấn của Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan - cho biết sau khi kết thúc cuộc hội đàm với các đồng nghiệp cùng cấp từ Việt Nam.
Theo vị chuyên gia nông nghiệp này, hiện giá gạo trên thị trường thế giới vẫn ở mức thấp, dao động từ 300 - 400 USD/tấn suốt hơn 20 năm qua, trong khi đó chi phí sản xuất liên tục tăng cao gây sức ép nặng nề cho người trồng lúa.
Ảnh minh họa.
Theo phân tích của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Thái Lan và Việt Nam chiếm khoảng 10% sản lượng gạo thô và khoảng 26% sản lượng xuất khẩu gạo trên thị trường toàn cầu. Đến nay, Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan vẫn đang là bốn nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 4,19 triệu tấn, tương đương giá trị hơn 2 tỷ USD, tăng 20,5% về lượng và 9% giá trị so với cùng kỳ 2021. Đây là mức xuất khẩu cao kỷ lục từ trước đến nay.
Tuy nhiên, bước sang đầu tháng 8/2022, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bất ngờ giảm mạnh và sau vài đợt điều chỉnh, giá gạo xuất khẩu 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đã tuột khỏi mốc 400 USD, thấp hơn giá gạo của Thái Lan, dù trước đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn cao nhất trong 4 nước xuất khẩu gạo lớn (Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ).
Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do; trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Việc này giúp gạo Việt Nam thâm nhập vào nhiều thị trường trên thế giới, nhờ đó doanh nghiệp đang được hưởng lợi trong sản xuất kinh doanh.
Giới chuyên gia nhận định, nhu cầu khả quan của thị trường tiêu thụ gạo truyền thống, cùng với kỳ vọng tăng nhập khẩu để đảm bảo tiêu dùng và dự trữ quốc gia của các nước sau thời gian dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị trên thế giới sẽ thúc đẩy sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam trong thời gian tới.
Đáng chú ý, Việt Nam đang được hưởng lợi xuất khẩu gạo từ các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) khi tăng xuất khẩu vào thị trường Australia và Singapore.
Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam-EU cho phép Việt Nam được miễn thuế với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm; trong đó, 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm; đồng thời, tự do hoàn toàn đối với gạo tấm.
Cùng lúc, giá lương thực và xu thế bảo hộ thương mại khi căng thẳng địa chính trị Nga-Ukraine tăng lên nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia này, khiến nhiều nước đã tăng nhập khẩu các mặt hàng lương thực thay thế như gạo.
Trên cơ sở này, các doanh nghiệp gạo có thêm cơ hội trúng nhiều gói thầu với giá trị cao trong thời gian tới. Dự kiến, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 đạt từ 6,3-6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000-200.000 tấn so với năm trước.
Nhịp sống kinh tế