Ấn Độ và cuộc chiến 45 tỷ USD trên thị trường vàng
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang cố gắng tái cơ cấu nền kinh tế Ấn Độ khi ra lệnh giảm lưu thông tiền mặt và thúc đẩy thanh toán điện tử, qua đó giảm tình trạng trốn thuế cũng như thống nhất hệ thống tài chính.
- 20-08-2017Vì sao Ấn Độ quyết định nâng cấp hệ thống thuế VAT?
- 18-08-2017Hàng hóa giá rẻ Trung Quốc đang khiến Ấn Độ phải lao đao
- 15-08-2017Một loạt CEO rời khỏi hội đồng cố vấn kinh tế của ông Trump sau vụ bạo loạn chấn động nước Mỹ
Dẫu vậy, rất nhiều ngành nghề kinh doanh tại Ấn Độ đã quen với việc thanh toán tiền mặt và việc giải quyết những thói quen này là không hề dễ dàng. Khoảng 3/4 trong số 45 tỷ USD giá trị thị trường giao dịch vàng Ấn Độ là thông qua những cửa hiệu nhỏ, chuyên chấp nhận tiền mặt từ các khách hàng.
Hàng nghìn gia đình đã vận hành những cửa hiệu nhỏ này tại Ấn Độ qua hàng thế kỷ khi người dân ở đây ưa chuộng vàng hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Ấn Độ hiện cũng là thị trường tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc.
Cơn bão sắp tới cho thị trường vàng
Việc chính phủ Thủ tướng Modi cải cách hệ thống thuế dịch vụ (GST) mới cũng như thực hiện hàng loạt các chính sách tập quyền, đi kèm với xu thế ưa chuộng mua sắm online của giới trẻ đang tạo nên những thách thức vô cùng to lớn với ngành vàng Ấn Độ.
Trong nhiều thế kỷ, thị trường trang sức Ấn Độ đã bị thống trị bởi rất nhiều cửa hàng nhỏ truyền thống nối tiếp qua các thế hệ. Tuy nhiên, sự chuyển biến của thị trường đang khiến hàng nghìn hộ gia đình buôn bán vàng và trang sức phải đóng cửa.
Hãng Metal Focus cho biết những cửa hiệu lớn có nguồn vốn lớn cùng danh tiếng, qua đó có thể sống sót sau những tác động từ chính phủ và khách hàng trong khi các cửa hiệu nhỏ sẽ gặp khó nhiều hơn.
Các hãng vàng lớn tại Ấn Độ sẽ chiếm tới 40% thị phần vào năm 2020
Vào tháng 11/2016, Thủ tướng Modi ra lệnh tịch thu tiền mặt ngoài thị trường cũng như ban hành các quy định chặt chẽ hơn trong việc thanh toán, đồng thời cải cách hệ thống thuế dịch vụ GST để thống nhất hệ thống tài chính (trước đây, các bang của Ấn Độ có quy định khác nhau về nhiều loại thuế và phí).
Điểm đặc biệt ở đây là chính phủ Modi cũng tuyên bố sẽ có chính sách rõ ràng với thị trường vàng, vốn vô cùng phổ biến trong xã hội với văn hóa tặng vàng tại các lễ cưới. Cụ thể, chính phủ Ấn Độ sẽ xác định tiêu chuẩn toàn quốc cho vàng trang sức cũng như cấp phép cho những nhà phân phối nhất định nhằm truy tra các khoản quà tặng.
Ngoài ra, mức thuế GST 3% với vàng trang sức được ấn định sẽ thay thế hàng loạt các khoản phí, thuế trước đây đánh lên mặt hàng xa xỉ này ở từng bang. Theo Credit Suisse, động thái này sẽ khiến các nhà chức trách dễ truy thu thuế hơn cũng như hạn chế tình trạng tham nhũng.
Số liệu của Hiệp hội vàng quốc tế (WGC) cho thấy Ấn Độ nhập khẩu hầu hết số vàng đang tiêu thụ trên thị trường. Năm 2016, nước này đã nhập khẩu tới 666 tấn vàng, cao hơn cả tổng số vàng dự trữ của Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB).
Theo WGC, những chính sách mới của Thủ tướng Modi sẽ có lợi cho các nhà phân phối vàng lớn như Titan Co. Năm 2015, các hãng lớn như Titan Co chiếm tới 30% thị phần vàng trong nước và con số này có thể tăng lên 40% trong vòng 4 năm tới và thậm chí có thể nhanh hơn nếu thuế GST được áp dụng triệt để.
Trong khi đó, bộ luật thuế mới sẽ khiến các cửa hàng trang sức nhỏ tốn nhiều chi phí hành chính hơn so với việc mua bán bằng tiền mặt thông thường.
Rõ ràng, với những biến đổi trên thị trường hiện nay, các công ty lớn sẽ mua lại hàng loạt những cửa hiệu nhỏ có truyền thống kinh doanh lâu đời nhưng không thể áp dụng hệ thống tiêu chuẩn mới. Thậm chí, các cửa hiệu nhỏ có thể trở thành những chi nhánh nhượng quyền thương hiệu của các ông lớn nhằm đối phó với quy định mới.
Hãng Crisil nhận định tốc độ tăng trưởng doanh thu của các công ty vàng lớn có thể đạt 5-6% mỗi năm, cao gấp đôi so với mức tăng trưởng bình quân toàn ngành trong trung hạn.
Tập đoàn Titan gần đây cũng cho biết đang có kế hoạch mở thêm 25-30 cửa hàng nhượng quyền mỗi năm.
Cổ phiếu của các hãng vàng lớn tại Ấn Độ tăng giá mạnh (Rupee)
Thời thế thay đổi
Hiện nay, sự thiếu minh bạch của các cửa hàng vàng nhỏ đang khiến ngân hàng gặp khó khi muốn cho họ vay vốn mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, quy đinh mới có thể sẽ kích thích một làn sóng đầu tư mới vào thị trường vàng Ấn Độ.
Vào tháng 4 vừa qua, hãng Warburg Pincus đã tăng mức đầu tư vào công ty vàng Kalyan Jewellers lên 17 tỷ Rupee. Hãng Kalyan và nhiều cửa hàng khác đang có kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, chuyển đổi mô hình kinh doanh nhỏ lẻ truyền thống sang chính thức trong vòng 2 năm tới.
Trong khi đó, hãng PN Gadgil Jewellers với 6 đời kinh doanh vàng cũng đang hướng đến việc quy chuẩn hóa. Theo hãng, những biến đổi trên thị trường vàng hiện nay buộc các công ty nhỏ lẽ phải thay đổi hoặc đóng cửa.
Sau khi nhu cầu tiêu thụ vàng tại Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất năm 2016 trong vòng 6 năm do những tác động của chính sách thu tiền mặt và thuế mới, thị trường vàng Ấn Độ đang có dấu hiệu hồi phục nhanh chóng.
Những cửa hàng vàng nhỏ truyền thống sẽ dần mai một tại Ấn Độ
Dự báo của WGC cho thấy nhu cầu vàng tại Ấn Độ có thể đạt 850-950 tấn vào năm 2020 do sự bùng nổ kinh tế kích thích văn hóa tặng vàng tại các tiệc cưới và ngày lễ.
Hiện nay, nhiều cửa hàng vàng nhỏ đã bắt đầu học cách ứng dụng công nghệ để kê khai thuế GST cũng như cố gắng cải tiến để đáp ứng các quy định mới. Tuy nhiên, sự biến đổi này còn cần thời gian và những chính sách của Thủ tướng Modi sẽ không thể đem lại hiệu quả ngay tức thì.
Thời Đại