An Giang hỗ trợ gần 3.000 con lợn giống cho người dân tái đàn
Để tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang sẽ ưu tiên tái đàn ở những xã không có dịch bệnh tả lợn châu Phi, tiếp theo là ở các xã đã hết dịch bệnh (ổ dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày) và ưu tiên tái đàn ở các trang trại lớn đã đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học.
- 02-10-2019Tiêu hủy 6 tấn lòng lợn nhiễm virus dịch tả lợn Châu Phi suýt ra thị trường
- 30-09-2019Thanh Hóa: Mỗi ngày tiêu hủy 2.500 - 3.000 con lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi
- 26-09-2019Dịch tả lợn châu Phi ở Cần Thơ diễn biến phức tạp
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang, tính đến ngày 5/10, trên địa bàn tỉnh An Giang ghi nhận 1.223 điểm dịch tả lợn châu Phi tại 129 xã, phường, thị trấn thuộc 10/11 huyện, thị xã, thành phố.
Hiện tỉnh An Giang có 47 xã, thị trấn dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày nhưng chưa tái phát bệnh và có 29 xã, phường dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày nhưng lại tái phát bệnh với tổng số lợn bị tiêu hủy là 5.520 con.
Tính đến hết 5/10, tỉnh An Giang đã tiến hành tiêu hủy gần 28.000 con lợn mắc bệnh tả châu Phi, tổng trọng lượng lợn đã bị tiêu hủy gần 1,8 triệu kg.
Ông Trần Tiến Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang, cho biết hiện ngành nông nghiệp tỉnh An Giang cũng đã khuyến cáo người dân trên địa bàn tỉnh cẩn trọng trong việc tái đàn lợn vì virus dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa bị khống chế, chưa có vắcxin phòng bệnh.
"Đối với những hộ chăn nuôi tự ý tái đàn, không được sự cho phép tái đàn của địa phương, không theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành, nếu tự ý tái đàn lợn xảy ra dịch bệnh sẽ không được tỉnh hỗ trợ theo quy định," ông Hiệp cho biết.
Để tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang sẽ ưu tiên tái đàn ở những xã không có dịch bệnh tả lợn châu Phi, tiếp theo là ở các xã đã hết dịch bệnh (ổ dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày) và ưu tiên tái đàn ở các trang trại lớn đã đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học.
Ngành nông nghiệp tỉnh An Giang sẽ thực hiện tái đàn theo từng giai đoạn như 30 ngày kể từ khi tiêu hủy đàn lợn hoặc sản phẩm lợn bị nhiễm bệnh và đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở.
Sau khi tái đàn được 30 ngày, tỉnh thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với virus dịch tả lợn châu Phi, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở hoặc hộ gia đình.
Bà Nguyễn Thị Xoàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang, cho biết trước khi tái đàn, cơ sở hoặc hộ gia đình trên địa bàn tỉnh phải sát trùng chuồng trại đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật trước khi tái đàn; hộ chăn nuôi phải được tập huấn quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và phải cam kết thực hiện theo đúng quy trình.
"Ngành nông nghiệp An Giang không khuyến khích tái đàn lợn ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dưới 20 con lợn thịt, hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn thu gom ở các quán an nhằm hạn chế nguy cơ dịch bệnh tả lợn châu Phi bùn phát và lây lan trên diện rộng," bà Xoàn cho biết.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang cho biết hiện tỉnh An Giang có nguồn con giống đủ cung cấp cho các cơ sở, hộ nuôi trên địa bàn tỉnh tái đàn lợn.
Theo thống kê, hai trại lợn Việt Thắng có số lượng khoảng 2.000 lợn nái, cung cấp từ 10.000-13.000 con giống; lợn nái nuôi trong dân khoảng 5.000 con cung cấp con giống ra thị trường từ 25.000-32.500 con giống.
Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã có quyết định hỗ trợ mua gần 2.000 con lợn cái giống chất lượng cao cho các hộ dân; định mức hỗ trợ 50% giá trị con giống nhưng không vượt quá 1 triệu đồng kinh phí mua con giống cấp bố mẹ và không thu hồi lại; số lượng hỗ trợ cho một hộ chăn nuôi từ 5-40 con tương ứng với số tiền từ 5-40 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cũng hỗ trợ thêm 1.000 con lợn cái giống chất lượng cao với định mức hỗ trợ 50% giá trị con giống nhưng không vượt quá 2 triệu đồng kinh phí mua con giống cấp bố mẹ và không thu hồi lại; số lượng hỗ trợ cho một hộ chăn nuôi từ 5-40 con tương ứng với số tiền từ 10-80 triệu đồng.
Ngoài ra, những hộ trên địa bàn tỉnh tái đàn đúng quy định còn được tỉnh An Giang hỗ trợ thêm vắcxin tiêm phòng bệnh tái xanh cho lợn nái sinh sản, hỗ trợ xây dựng hầm biogas composite để xử lý chất thải chăn nuôi; đào tạo, tập huấn kiến thức về chăn nuôi lợn an toàn.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, cho biết ngành nông nghiệp tỉnh đã tiến hành hỗ trợ kinh phí cho 384 hộ nuôi lợn bị tiêu hủy do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi với số tiền khoảng 16 tỷ đồng.
Để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh An Giang trong những tháng cuối năm 2019, ông Lâm cho biết ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó lưu ý tìm nguyên nhân và nguồn lây nhiễm để thực hiện các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn bệnh lây lan; tiếp tục công tác khử trùng, tiêu độc tại các cơ sở, điểm giết mổ và tiến hành kế hoạch tái đàn lợn trong giai đoạn dịch tả lợn châu Phi được ngăn chặn.
TTXVN/Vietnam+