"Án" hủy niêm yết treo lơ lửng, một cổ phiếu liên quan đến nhóm DNP vẫn liên tục tăng kịch trần
Cổ phiếu này vừa bị HNX lưu ý huỷ niêm yết do tổng lỗ luỹ kế đã vượt quá vốn điều lệ thực góp tại ngày 31/12/2021.
- 17-03-2022Ma trận sở hữu của hệ sinh thái "DNP-Tasco" đang dậy sóng trên sàn: Liên tiếp M&A hàng chục công ty, lặp lại phương pháp thành công của Gelex?
- 16-03-2022Nhóm DNP tiếp tục là tâm điểm thị trường: 4 mã tăng trần, 1 cổ phiếu tăng từ dưới mệnh giá lên gần 50.000 đồng chỉ sau nửa năm
- 16-03-2022Thêm một cổ phiếu ‘họ’ DNP nổi sóng
Trong khi thị trường dè dặt đi lên, nhóm cổ phiếu trong "hệ sinh thái DNP" của ông Vũ Đình Độ, chủ tịch Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai (mã DNP) lại bất ngờ nổi sóng tăng phi mã, trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư. Không nằm ngoài làn sóng tăng giá, cổ phiếu VC9 cũng gây chú ý với chuỗi tăng trần 4 phiên liên tiếp.
Chốt phiên 17/3, mã này tăng hết biên độ lên mức 17.000 đồng/cp với thanh khoản tăng mạnh lên gần 200 nghìn đơn vị. Tuy mức giá này vẫn chưa quay về được mức đỉnh thiết lập hồi cuối năm 2021, song vẫn ghi nhận mức tăng gấp 3 lần so với thị giá cách đây 1 năm.
Không chỉ có VC9, NVT cũng ghi nhận chuỗi tăng trần liên tiếp thứ 4 lên mức 19.300 đồng/cp; DNP cũng tăng kịch trần 3 phiên liên tiếp lên 26.100 đồng/cp. Đây đều là cổ phiếu của những doanh nghiệp có liên quan đến "hệ sinh thái" do ông Độ làm chủ.
Đà tăng của VC9 xuất hiện sau màn đổi chủ tại doanh nghiệp này. Theo đó, VC9 vốn là công ty con của Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG). Sau khi Vinaconex thoái toàn bộ vốn tại VC9, nhóm cổ đông liên quan ông Vũ Đình Độ đã vào "tiếp quản". Trên thực tế, DNP đã đưa người vào tiếp nhận quyền quản trị, điều hành VC9 thay cho các đại diện của VCG kể từ quý 3/2021 - trước cả khi VC9 ra tin chính thức về việc thay đổi nhân sự ở HĐQT và Ban điều hành.
Xét về tình hình kinh doanh, trong giai đoạn 2010 - 2018, VC9 ghi nhận lợi nhuận khá đều đặn, riêng năm 2010 lãi 26 tỷ đồng. Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu sa sút từ năm 2019 khi lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 910 triệu đồng, giảm 89% so với năm 2018 (8,1 tỷ đồng). Sang đến năm 2020, tình hình kinh doanh của VC9 không được cải thiện mà càng lao dốc mạnh khi ghi nhận khoản lỗ sau thuế gần 21 tỷ đồng, trong khi năm trước vẫn có lãi.
Năm 2021, VC9 ghi nhận doanh thu thuần đạt 210 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ. Do tiết giảm được chi phí giá vốn nên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp ghi nhận đạt 37 tỷ đồng, cải thiên so với khoản lỗ gộp 63 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ đi các chi phí và thuế, VC9 lãi ròng cả năm 2021 của VC9 đạt 1,7 tỷ đồng.
Nguồn vốn của VC9 chủ yếu là vay nợ. Khoản nợ phải trả ghi nhận đến cuối năm 2021 là 1.168 tỷ đồng, gấp 121 lần so với nguồn vốn chủ sở hữu vỏn vẹn 9,6 tỷ đồng. Cùng thời điểm, Công ty còn ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên đến 164 tỷ đồng, trong khi năm trước chỉ âm gần 20 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cổ phiếu VC9 cũng vừa bị HNX lưu ý huỷ niêm yết do tổng lỗ luỹ kế của Công ty đã vượt quá vốn điều lệ thực góp tại ngày 31/12/2021 trong BCTC quý 4/2021. Hiện, cổ phiếu VC9 đang trong diện kiểm soát từ tháng 3/2021 do lợi nhuận sau thuế ghi nhận số âm.
Như vậy, căn cứ điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định cổ phiếu công ty đại chúng bị huỷ niêm yết khi: "Kết quả SXKD thua lỗ 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong BCTC kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét".
Theo đó, thông báo từ Sở cho biết đang lưu ý việc cổ phiếu VC9 có khả năng bị huỷ niêm yết nếu lợi nhuận sau thuế năm 2021 tại BCTC kiểm toán năm 2021 của các công ty trên là số âm.
Thông báo của HNX đưa ra sau thông tin VC9 lấy ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh số liệu BCTC theo ý kiến kiểm toán. Cụ thể, VC9 sẽ sử dụng bút toán chuyển phần Thặng dư vốn cổ phần (34,8 tỷ đồng) và Quỹ đầu tư phát triển (21,8 tỷ đồng) sang Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, qua đó giúp phần lỗ lũy kế của công ty đang từ âm 164 tỷ đồng xuống còn 107 tỷ đồng. Theo giới phân tích, động thái này nhằm "né" án hủy niêm bắt buộc do phần lỗ lũy kế chưa vượt vốn góp của chủ sở hữu là 120 tỷ đồng.