MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ăn quá nhiều đường gây ra 7 hệ lụy đáng lo ngại: Khi nào được coi là ăn quá nhiều đường?

14-08-2023 - 13:11 PM | Sống

Trước mắt, ăn quá nhiều đường có thể gây mụn trứng cá, tăng cân, mệt mỏi. Nhưng về lâu dài, nó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch...

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, người dân Hoa Kỳ tiêu thụ quá nhiều đường bổ sung. Đường bổ sung là loại đường nhà sản xuất thêm vào thực phẩm để làm ngọt đồ ăn thức uống. Cắt giảm đường bổ sung là việc mọi người nên làm để cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ăn bao nhiêu đường thì được coi là quá nhiều?

Theo Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ 2010-2015, trung bình, người Mỹ tiêu thụ 17 thìa cà phê đường bổ sung mỗi ngày. Điều này khiến cơ thể bạn nạp 270 calo. Họ được khuyên nên hạn chế lượng đường bổ sung dưới 10% lượng calo hàng ngày. Đối với lượng 2.000 calo hàng ngày, đường bổ sung nên chiếm ít hơn 200 calo.

Ăn quá nhiều đường gây ra 7 hệ lụy đáng sợ: Khi nào được coi là ăn quá nhiều đường? - Ảnh 1.

Đến năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên mọi người nên ăn một nửa lượng này. Đối với chế độ ăn kiêng 2.000 calo mỗi ngày, con số này sẽ lên tới 100 calo, hoặc nhiều nhất là 6 muỗng cà phê đường bổ sung.

Dấu hiệu nào chứng tỏ bạn đang ăn quá nhiều đường?

Theo Medical News Today, một số người gặp các triệu chứng sau do ăn quá nhiều đường:

- Mức năng lượng thấp: Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy, 1 giờ sau khi tiêu thụ đường, những người tham gia cảm thấy mệt mỏi và kém tỉnh táo hơn so với nhóm đối chứng.

- Tâm trạng kém: Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy, lượng đường trong máu cao hơn làm tăng tỷ lệ trầm cảm và rối loạn tâm trạng ở nam giới.

- Đầy hơi: Theo Johns Hopkins Medicine, một số loại đường có thể gây đầy hơi ở những người mắc các bệnh về tiêu hóa (như hội chứng ruột kích thích).

Ăn quá nhiều đường gây ra 7 hệ lụy đáng sợ: Khi nào được coi là ăn quá nhiều đường? - Ảnh 2.

7 hệ lụy khi ăn quá nhiều đường

1. Sâu răng

Đường nuôi vi khuẩn sống trong miệng. Khi vi khuẩn tiêu hóa đường, chúng tạo ra axit như một chất thải. Axit này có thể ăn mòn men răng, dẫn đến sâu răng.

2. Mụn trứng cá

Một nghiên cứu năm 2018 về sinh viên đại học ở Trung Quốc cho thấy, những người uống nước ngọt 7 lần mỗi tuần trở lên dễ bị mụn trứng cá ở mức độ trung bình hoặc nặng.

Trong khi đó, nghiên cứu năm 2019 cho thấy, cắt giảm đường làm giảm các yếu tố tăng trưởng giống như insulin, androgen và bã nhờn. Tất cả đều có thể góp phần gây ra mụn trứng cá.

3. Tăng cân, béo phì

Một bài báo năm 2013 trên PLOS ONE, chỉ ra rằng lượng đường cao trong chế độ ăn uống có thể gây ra bệnh tiểu đường type 2 theo thời gian.

Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường và Tiêu hóa, Bệnh thận (NIDDK) cũng cho biết, béo phì và kháng insulin cũng có thể dẫn đến bệnh tiểu đường type 2.

Ăn quá nhiều đường gây ra 7 hệ lụy đáng sợ: Khi nào được coi là ăn quá nhiều đường? - Ảnh 3.

4. Bệnh tim mạch

Một nghiên cứu triển vọng lớn vào năm 2014 cho thấy, những người nhận được 17–21% lượng calo hàng ngày từ đường bổ sung có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch cao hơn 38% so với những người tiêu thụ 8% đường bổ sung.

Đây chính là một căn cứ cho thấy, ăn nhiều đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

5. Huyết áp cao

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa đồ uống có đường và huyết áp cao.

Một đánh giá trong Nghiên cứu Dược lý nói rằng, tăng huyết áp là một yếu tố rủi ro đối với bệnh tim mạch.

6. Ung thư

Ăn quá nhiều đường có thể gây viêm, stress oxy hóa và béo phì. Những yếu tố này ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển ung thư.

Một đánh giá về các nghiên cứu trong "Đánh giá hàng năm về Dinh dưỡng" cho thấy, một số bệnh ung thư tăng 59% ở những người uống đồ uống có đường và có nhiều mỡ nội tạng ở bụng.

Ăn quá nhiều đường gây ra 7 hệ lụy đáng sợ: Khi nào được coi là ăn quá nhiều đường? - Ảnh 4.

7. Lão hóa da

Lượng đường dư thừa trong chế độ ăn uống dẫn đến sự hình thành các sản phẩm cuối cùng của glycation (AGEs), dẫn đến bệnh tiểu đường. Chúng cũng ảnh hưởng đến quá trình hình thành collagen trên da.

Theo trang Skin Therapy Letter, có một số bằng chứng cho thấy, lượng AGE cao có thể dẫn đến lão hóa nhanh hơn.

Các chuyên gia khuyến cáo, vì những hệ lụy trước mắt cũng như lâu dài, mọi người nên cắt giảm đường bổ sung trong chế độ ăn uống hàng ngày. 

Nếu có hiện tượng tăng khát, đi tiểu, đói nhiều hơn, mệt mỏi hơn, thường xuyên mờ mắt, sụt cân không rõ nguyên nhân, vết loét không lành... rất có thể đã gặp họa do ăn quá nhiều đường. Bạn nên gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Theo Tuấn Minh

Tổ quốc

Trở lên trên