Ăn quá nhiều thịt đỏ có thể dẫn đến bệnh tim mạch và đái tháo đường, nhưng nếu làm theo cách này giảm được vô số tác hại
Ăn quá nhiều thịt đỏ hàng ngày không có lợi cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường và ung thư. Tuy nhiên, bạn không cần phải cắt bỏ hoàn toàn thịt đỏ ra khỏi khẩu phần ăn của mình. Thay vào đó, hãy ăn vừa phải, chọn những miếng nạc để làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
- 21-11-2020Khi mua thịt bò cần né ngay 3 loại dễ gây hại sức khỏe, bởi có thể 80% nó là thịt bò giả
- 06-11-2020Thịt để tủ lạnh quá 5 ngày: Rất có hại nếu cố ăn tiếp, chẳng những kích thích tế bào ung thư mà còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe
- 05-11-2020Thịt dê kết hợp với 2 nguyên liệu sẽ thành "bảo bối" bổ dương, ấm thận, tăng sinh lực
Sự khác biệt lớn nhất giữa thịt đỏ và thịt trắng (gà, gà tây) nằm ở lượng myoglobin có trong thịt. Myoglobin là một loại protein giàu sắt, vận chuyển và lưu trữ oxy trong các tế bào cơ.
Một số loại thịt đỏ phổ biến bao gồm thịt bò, thịt bê, thịt lợn, thịt nai, thịt cừu. Thịt đã chế biến sẵn bằng các phương pháp như xông khói, muối, hoặc thêm chất bảo quản cũng được coi là thịt đỏ, chẳng hạn như thịt lợn xông khói, xúc xích salami, xúc xích bò, hot dog,...
Ăn quá nhiều thịt đỏ có thể gây ra vô số bệnh nguy hiểm
Nhiều nghiên cứu hiện đại đã liên hệ việc tiêu thụ thịt đỏ với các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như bệnh tim mạch, ung thư và đái tháo đường.
Thịt đỏ và bệnh tim
Thịt đó có hàm lượng chất béo bão hòa nhiều hơn thịt trắng. Tiêu thụ một lượng lớn chất béo bão hòa có thể dẫn đến các bệnh tim mạch - nguyên nhất gây tử vong hàng đầu tại Mỹ.
Một nghiên cứu nhỏ được tài trợ bởi Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ năm 2019 đã phát hiện, thịt đỏ có chứa TMAO - một loại hóa chất có liên quan tới bệnh tim mạch. Nghiên cứu cho thấy, những người ăn thịt đỏ hàng ngày có mức TMAO trong máu tăng gấp 3 lần so với những người chỉ ăn thịt trắng hoặc các nguồn protein không phải từ thịt.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu đã được tiến hành trong 26 năm nhằm tìm hiểu chế độ ăn của hơn 80.000 phụ nữ khỏe mạnh. Kết quả cho thấy, việc ăn quá nhiều thịt đỏ có liên quan đáng kể tới việc gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành. Ngược lại, những người ăn nhiều gia cầm, cá và các loại hạt có ít nguy cơ bị bệnh tim mạch vành hơn.
Thịt đỏ và ung thư
Ăn quá nhiều thịt đỏ cũng góp phần làm tăng nguy cơ bị ung thư. Năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp thịt đỏ vào nhóm “có khả năng” gây ung thư.
Một nghiên cứu đã được thực hiện vào năm 2007 với sự tham gia của khoảng 500.000 người thuộc độ tuổi 50-71. Kết quả cho thấy, việc tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có liên quan tới bệnh ung thư phổi và ung thư đại tràng. Ngoài ra, ăn quá nhiều thịt đỏ còn có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản và ung thư gan.
Theo Steven Gundry - bác sĩ phẫu thuật tim mạch thuộc Trường Đại học Y Loma Linda (California, Mỹ), mối quan hệ giữa thịt đỏ và ung thư nằm ở một phân tử gọi là Neu5Gc, bình thường không xuất hiện ở người.
Bác sĩ Gundry giải thích, khi con người ăn thịt đỏ, hệ miễn dịch sẽ tấn công phân tử Neu5Gc, dẫn đến chứng viêm mãn tính. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng chứng viêm mãn tính có liên quan đến sự phát triển của ung thư.
Thịt đỏ và đái tháo đường
Các nghiên cứu đã nhận thấy, ăn một lượng lớn thịt đỏ cũng làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2.
Một phân tích năm 2011 đã theo dõi chế độ ăn của gần 450.000 người trên 20 tuổi. Các nhà khoa học phát hiện rằng việc tiêu thụ cả thịt đỏ chưa qua chế biến và đã qua chế biến có liên quan đến bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Họ ước tính rằng nếu thay thế một khẩu phần thịt hàng ngày bằng các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt hoặc sữa ít béo có thể làm giảm nguy cơ đái tháo đường đến 16-24%.
Thịt đỏ chứa nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, nhưng cần ăn vừa phải
Thịt đỏ không hoàn toàn xấu. Nó chứa hàm lượng cao protein, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa cần thiết cho sức khỏe.
Protein
Thịt đỏ có hàm lượng protein cao. Protein là một chất dinh dưỡng thiết yếu, cung cấp năng lượng cho các phản ứng hóa học bên trong cơ thể. Nó còn là thành phần cấu tạo nên tóc, móng và cơ. Một phần thịt bò sống xay nhuyễn khoảng 85g chứa 14,7g protein. Một phần thịt cừu sống xay nhuyễn tương tự chứa 14,1g protein.
Vitamin B12
Thịt đỏ là nguồn cung cấp dồi dào vitamin B12 - chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự hình thành của tế bào hồng cầu, chức năng thần kinh và quá trình tổng hợp ADN. Một phần thịt bò sống xay nhuyễn khoảng 85g chứa 76% lượng B12 cần thiết, trong khi con số này là 83% ở thịt cừu sống xay nhuyễn.
Sắt
Sắt là một khoáng chất giúp vận chuyển oxy trong cơ thể. Thịt đỏ chứa sắt heme - loại sắt dễ hấp thụ nhất trong chế độ ăn uống. Một khẩu thịt bò sống xay nhuyễn tiêu chuẩn chứa 1,7mg sắt, còn thịt cừu là 1,3mg.
Làm thế nào để ăn thịt đỏ một cách khỏe mạnh?
Ăn quá nhiều thịt đỏ có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư, bệnh tim hoặc đái tháo đường. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn không được ăn một cách điều độ. Dưới đây là một số lưu ý khi ăn thịt đỏ để không ảnh hưởng tới sức khỏe.
- Chọn thịt bò ăn cỏ: Thịt bò ăn cỏ chứa hàm lượng cao axit béo omega-3 có tác dụng chống viêm, trong khi thịt bò nuôi bằng thức ăn công nghiệp chứa nhiều axit béo omega-6, có thể gây viêm.
- Ăn phần thịt nạc: Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo người dân nên ăn phần nạc của thịt và không quá 85g/ngày, tức là kích cỡ bằng một tập bài. Các phần thịt nạc gồm thịt mông, thịt thăn ngoại, thịt thăn trên.
- Chú ý đến phương pháp nấu: Đối với thịt đỏ, các phương pháp như bỏ lò, nướng trực tiếp trên nhiệt độ cao, hầm hoặc nướng bằng lò sẽ tốt hơn là rán, nướng bằng vỉ, nướng cháy.
- Tránh các món ăn đã qua chế biến: Trong một nghiên cứu năm 2010, các nhà khoa học đã phát hiện rằng những người ăn 1 chiếc hot dog hoặc 2 miếng thịt xông khói có thể làm tăng 42% nguy cơ mắc bệnh tim mạch và 19% nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 so với người không ăn.
(Theo Insider)