MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ăn uống "đậm miệng" gây tăng huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ: Báo động mức tiêu thụ của người Việt

09-10-2020 - 18:42 PM | Sống

Muối là một khoáng chất rất cần thiết đối với cơ thể con người. Tuy nhiên, thói quen ăn quá nhiều muối lại gây hại cho sức khoẻ.

Muối làm suy yếu thành mạch

Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong những năm gần đây, mức tiêu thụ muối, đường trung bình của mỗi người trưởng thành ở nước ta đều gấp 2 lần so với ngưỡng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Hiện mức tiêu thụ muối trung bình của người Việt Nam là 9,4g/ngày, trong khi Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo chỉ nên sử dụng 5g/ngày. Ăn nhiều muối là một trong những nguyên nhân của sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh tim mạch nói riêng.

Ăn mặn cũng là yếu tố nguy cơ rất quan trọng đối với tăng huyết áp và đái tháo đường. Theo thống kê của Viện Tim mạch quốc gia, cứ 5 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp, cứ 3 trường hợp tử vong thì có một trường hợp do các bệnh tim mạch, chủ yếu là tai biến mạch máu não. Tỷ lệ người bị tăng huyết áp chưa được chẩn đoán là gần 57%, đái tháo đường 70%, hơn 86% người bị tăng huyết áp chưa được quản lý bệnh.

Ăn uống đậm miệng gây tăng huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ: Báo động mức tiêu thụ của người Việt - Ảnh 1.

ThS. BS. Ngô Võ Ngọc Hương

ThS.BS Ngô Võ Ngọc Hương – khoa Tim mạch Tổng quát Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM - cho biết, khi lượng muối vào cơ thể quá nhiều làm tăng áp suất thẩm thấu, tế bào trương phồng giữ nước làm tăng sức cản ngoại vi. Cơ trơn thấm nhập nhiều muối làm cơ trơn thành mạch tăng sức cản gián tiếp làm tăng huyết áp.

Ăn nhiều muối phản xạ tự nhiên làm khát nước nên uống nhiều nước làm tăng thể tích tuần hoàn và làm tăng huyết áp. Vì thế, muối được coi là nguyên nhân tăng huyết áp.

Tăng huyết áp là biến cố tim mạch hàng đầu gây ra tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận khiến cả trăm nghìn người mất sức lao động và chiếm 31% số ca tử vong hàng năm tại Việt Nam.

Bên cạnh các bệnh tim mạch, ăn thừa muối còn làm tăng nguy cơ mắc một số các bệnh khác.

Ăn thừa muối là cơ thể cũng tìm cách tăng đào thải natri qua nước tiểu, dẫn tới mất kali, canxi và nhiều khoáng chất khác, từ đó có thể gây loãng xương, sỏi thận và các rối loạn khác do mất các khoáng chất. Thừa muối sẽ làm cho quá trình đào thải canxi tăng lên, khiến xương yếu đi và cũng gây ra bệnh loãng xương, nhất là đối với phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh.

Ăn thừa muối làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng, tăng nguy cơ ung thư dạ dày do phá hủy lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày và tăng sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori. Người ăn quá mặn sẽ có nguy cơ mắc các chứng bệnh về dạ dày cao hơn người ăn uống bình thường.

Ăn uống đậm miệng gây tăng huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ: Báo động mức tiêu thụ của người Việt - Ảnh 2.

Muối làm suy yếu thành mạch

Còn với những ai đã từng bị loét dạ dày, hàm lượng muối cao sẽ làm tăng độc tính của vi khuẩn H.pylori càng gây loét dạ dày và tá tràng. Nguy cơ này càng cao nếu bạn có thói quen ăn mặn kết hợp với chua cay. Với người bị các chứng viêm, loét dạ dày, trong thực đơn hàng ngày nên dùng ít muối.

Ăn thừa muối làm tăng nguy cơ béo phì do tăng cảm giác khát và tăng tiêu thụ các đồ uống nhất là các loại nước ngọt.

Ngoài ra ăn thừa muối còn làm tăng tình trạng giữ nước và phù, đặt biệt ở bệnh nhân có suy tim và xơ gan.

3 cách giảm ăn mặn

Bác sĩ Hương cho biết lượng muối có trong các khẩu phần ăn hàng ngày được cung cấp từ hai nguồn chính là từ tự nhiên có trong thực phẩm và từ việc bổ sung thêm muối cùng các gia vị mặn khi chế biến, chấm thức ăn. Việc ăn giảm muối sẽ giúp bạn sống khỏe mạnh hơn. Ba điều nên nhớ:

1. Giảm một lượng muối, hạt nêm, gia vị mặn và nước mắm khi nấu ăn.

2. Chấm nhẹ tay.

3. Giảm thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối trong khẩu phần ăn.

Bác sĩ Hương cho biết việc giảm muối trong khẩu phần ăn hàng ngày của người Việt là khó nhưng vẫn có thể thực hiện được. Mỗi người hãy bắt đầu thay đổi lượng muối nạp vào cơ thể từ những việc đơn giản nhất trong mỗi bữa ăn của chính mình, của gia đình và tạo sự lan tỏa ra cộng đồng để giữ được huyết áp ổn định và một trái tim khỏe mạnh.

Theo Bảo Lâm

Pháp luật và Bạn đọc

Trở lên trên