MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Anh cần chuẩn bị kịch bản đề phòng thương lượng Brexit đổ vỡ

12-03-2017 - 13:15 PM | Tài chính quốc tế

Chính phủ Anh cần chuẩn bị kịch bản phòng tránh rủi ro trong trường hợp các cuộc đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đổ vỡ.

Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Anh ngày 12/3 đã đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh London đang tiến gần hơn tới thời điểm chính thức kích hoạt điều khoản 50 Hiệp ước Lisbon - điều kiện bắt buộc để khởi động tiến trình đàm phán giữa Anh và EU liên quan đến Brexit.

Trong một tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Anh, ông Crispin Blunt, nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền, cảnh báo tiến trình đàm phán giữa Anh và EU một khi đổ vỡ sẽ gây ra "hậu quả hết sức tiêu cực", gây tổn hại kinh tế cho cả hai phía, buộc nhiều doanh nghiệp và cá nhân rơi vào tình trạng rối loạn pháp lý. Do đó, ông đề xuất Chính phủ Anh cần chỉ đạo các cơ quan bộ ngành chuẩn bị một kịch bản đề phòng đàm phán với EU đổ vỡ, trong đó xác định rõ những hậu quả và đưa ra những giải pháp cụ thể, bao gồm hướng dẫn cá nhân, doanh nghiệp giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn. Theo đánh giá của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Anh, công tác chuẩn bị này sẽ giúp củng cố vị thế của Chính phủ Anh và tránh những thỏa thuận không có lợi cho Anh.

Theo kế hoạch, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ chính thức công bố quyết định Brexit vào ngày 29/3 tới, khởi động tiến trình đàm phán giữa Anh và EU, dự kiến kéo dài 2 năm. Tuy nhiên, bà May từng thể hiện rõ lập trường rằng Anh sẽ sẵn sàng rời khỏi EU mà không cần bất kỳ thỏa thuận nào một khi phía EU gây sức ép. Theo bà, một kịch bản "Brexit cứng" còn hơn là chấp thuận những thỏa thuận thua thiệt với EU.

Trong một diễn biến liên quan, theo phóng viên TTXVN tại London, Chính phủ Anh sẽ đấu tranh để trì hoãn kế hoạch Scotland tiến hành cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về việc tách khỏi Anh, dự kiến diễn ra vào mùa Thu 2018 cho đến tháng 5/2019, thời điểm Anh rời khỏi EU. Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon ngày 9/3 đã thông báo kế hoạch nói trên nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc Scotland trở thành một thành viên độc lập của EU. Những quan ngại về cuộc trưng cầu dân ý độc lập lần hai của Scotland đang gây thêm khó khăn cho Thủ tướng May trong các cuộc đàm phán với 27 lãnh đạo khác của EU liên quan đến vấn đề Brexit.

Scotland có khoảng 5,3 triệu dân và có lịch sử 300 năm nằm trong Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Trong cuộc trưng cầu năm 2014 về nền độc lập, có hơn 55% cử tri Scotland ủng hộ ở lại Anh. Dù trong các cuộc thăm dò mới, số người ủng hộ xứ này độc lập đã tăng lên, song phần lớn người dân vẫn phản đối việc tổ chức lại một cuộc trưng cầu ý dân về độc lập trước khi Anh rời khỏi mái nhà chung EU.

Theo TTXVN

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên