Anh, Đức và Italy phát hiện ca mắc biến thể Omicron, Israel đóng cửa biên giới
3 quốc gia châu Âu vừa phát hiện trường hợp mắc biến thể Omicron trong ngày 27/11, không lâu sau khi nó được phân loại "đáng quan ngại".
- 28-11-2021Hiệp hội y tế Nam Phi: Biến thể Omicron chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ
- 28-11-2021Biến thể Omicron nguy hiểm ra sao: Bị xếp vào hàng "đáng quan ngại" chỉ sau 72 giờ trong khi Delta cần tới 2 tháng
- 27-11-2021Sân bay Nam Phi chật kín người tháo chạy khỏi "siêu biến thể Covid tồi tệ nhất" Omicron
- 27-11-2021Covid-19: Xuất hiện "nạn nhân" lớn đầu tiên của biến thể mới Omicron
- 27-11-2021CNBC: Đang thử nghiệm vắc xin chống biến thể Omicron
Việc phát hiện ra biến thể Omicron đã làm dấy lên mối lo ngại trên toàn cầu, dẫn đến làn sóng cấm hoặc hạn chế đi lại với nhiều quốc gia ở phía nam châu Phi cũng như tạo ra cú bán tháo trên thị trường tài chính toàn cầu trong phiên giao dịch cuối tuần trước. Các nhà đầu tư lo ngại biến thể Omicron có thể ngăn chặn sự phục hồi toàn cầu ngay cả khi đại dịch đã kéo dài gần 2 năm.
Israel cho biết họ sẽ cấm tất cả người nước ngoài nhập cảnh vào nước này và áp dụng công nghệ chống khủng bố nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể. Trong khi đó, Anh, Đức và Italy cũng đã phát hiện trường hợp mắc Omicron.
Theo Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid, hai ca mắc Omicron ở nước này có liên quan đến việc du lịch tới miền nam châu Phi. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã ban hành các biện pháp nghiêm ngặt hơn đối với những người nhập cảnh vào nước này. Hiện tại, những người nhập cảnh buộc phải đeo khẩu trang.
"Chúng tôi sẽ yêu cầu bất cứ ai nhập cảnh vào Vương quốc Anh đều phải xét nghiệm PCR vào cuối ngày thứ 2 sau khi họ đến và tự cách ly cho tới khi có kết quả âm tính", ông Johnson nói. Những người tiếp xúc với các ca mắc Omicron sẽ phải tự cách ly trong 10 ngày và chính phủ sẽ thắt chặt các quy định đeo khẩu trang.
Trong khi đó, quan chức phụ trách y tế bang Bavaria của Đức cũng cho biết họ ghi nhận 2 trường hợp mắc biến thển này. 2 người này đã nhập cảnh vào Đức ở sân bay Munich hôm 24/11, trước khi Đức hạn chế các chuyến bay từ Nam Phi.
Tại Italy, Viện Y tế Quốc gia cho biết một trường hợp mắc biến thể mới được phát hiện ở Milan trên một người tới từ Mozambique. Giới chức y tế Cộng hòa Czech cũng đang xác định một trường hợp bị nghi mắc biến thể này đối với một người từng sống ở Namibia.
Omicron được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại biến thể đáng quan ngại khi có khả năng lây nhiễm cao hơn các biến thể từng được biết. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa thể xác định chúng có gây ra các triệu chứng nặng hơn đối với người mắc so với các biến thể khác hay không.
Các chuyên gia y tế hàng đầu đều chi sẻ quan điểm rằng còn nhiều điều chưa chắc chắn xung quanh Omicron nhưng có khả năng nó có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin. Lần đầu được phát hiện ở Nam Phi, biến thể này sau đó đã xuất hiện ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả ở khu vực miền nam châu Phi, châu Á và châu Âu.
Tuy nhiên, phía Nam Phi cho rằng vẫn còn quá sớm để áp dụng các biện pháp kiểm dịch nặng nề đối với quốc gia này do biến thể Omicron. Trong một báo cáo mới, giới chức y tế Nam Phi cho biết biến thể này không gây ra các triệu chứng nghiêm trọng trên người mắc. Họ cũng sẵn sàng chia sẻ thông tin để thế giới hiểu hơn về Omicron.
Dẫu vậy, một số quan điểm khác lại cho rằng việc phòng ngừa biến thể Omicron nên được tiến hành từ sơm, làm nhanh và làm mạnh. Nếu xác định được biến thể này không đáng quan ngại như thế giới đã lo lắng, có thể sửa đổi các biện pháp hạn chế mạnh tay đang được áp dụng.
"Ở thời điểm này, chúng ta nên chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất hơn là hy vọng vào điều tốt nhất", Sharon Peacock , giáo sư về sức khỏe cộng đồng và vi sinh vật tại trường Đại học Cambridge, nhận định.