Anh em nhà họ Bùi - Hai người bạn, người đồng hành trên con đường chinh phục giấc mơ với trái bóng
Chắc chắn, dù tỏa sáng trên sân cỏ, nhưng họ vẫn là những chàng trai chân chất, tình cảm đối với gia đình. Khi được phỏng vấn, thủ môn Tiến Dũng thành thật: “Sau khi về nhà, việc đầu tiên hai anh em làm là ở nhà giúp bố mẹ làm việc nhà”.
Sinh ra trong một vùng quê nghèo ở vùng quê xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, hai anh em Bùi Tiến Dũng – Bùi Tiến Dụng đã vượt qua những ngày tháng tuổi thơ cơ hàn để theo đuổi niềm đam mê với trái bóng. Và những gì mà các anh làm được ngày hôm nay là những thành quả mĩ mãn cho mọi nỗ lực bền bỉ của hai anh em - hai đồng đội cùng chí hướng.
Vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông ở một vùng quê nghèo, nên ước mơ được được đá trên những sân cỏ lớn dường như là một mơ ước khá xa vời với Dũng và Dụng. Nhưng có ai đánh thuế giấc mơ đâu, hãy cứ mơ ước, hãy cứ đam mê đi, rồi những trái ngọt sẽ đến! Đúng vậy, con đường chạm tới mơ ước của hai chàng trai khiến bao trái tim phải nghẹn ngào vì khâm phục.
Cách nhau đúng một tuổi, nên từ nhỏ, Dũng-Dụng là một cặp song hành trong môn thể thao vua nơi quê nhà. Gia cảnh nghèo, điều kiện để phát triển không có, hai anh em chỉ có dịp để thể hiện ở những trận đấu trong làng và những buổi chăn trâu cắt cỏ cùng lũ bạn.
Mà đâu phải là những quả bóng để đá cho sướng chân hay có những đôi giày để bảo vệ, bóng là những tàu lá chuối khô được cuộn tròn cùng với những mẩu giấy vụn, hay là những quả bưởi được “trộm” trên cây, và đôi chân trần chạy trên sân cỏ. Mẹ các anh – cô Phạm Thị Điều vẫn còn nghẹn ngào khi nhắc lại niềm đam mê bị tù túng của hai đứa con mình.
Thương các con, dù phải chắt chiu từng đồng tiền để trang trải cho cuộc sống, cô vẫn mua cho các con quả bóng nhựa để chơi. Người mẹ nghèo chẳng biết làm gì hơn! Niềm đam mê phá tan mọi hoàn cảnh, Dũng và Dụng vẫn say sưa đá bóng, có khi còn đá cả ngày không biết chán, đến nỗi nhà đã phải thay kính 3 lần vì đá vỡ gương. Những giai thoại về tuổi thơ nơi quê nhà của hai anh qua lời kể của chú Khánh và cô Điều khiến người ta bật cười nhưng cũng có chút nghẹn ngào nơi cổ họng.
Sau này lớn lên, sự nghiệp đá bóng của hai anh em cũng gặp không ít trắc trở. Trước hết là cái nghèo vẫn là rào cản lớn để hai anh em có thể tham gia câu lạc bộ bóng đá của huyện Thường Xuân, khi mức phí mà mỗi người phải đóng khi đó là 1,2 triệu đồng. Nhưng may thay, người cha, người mẹ tâm lí của hai anh em đã hiểu rõ niềm đam mê của con và cố vay mượn để cho con theo đuổi đam mê.
Rồi một năm sau đó, Tiến Dụng may mắn hơn được tuyển vào câu lạc bộ PVF ở TP. Hồ Chí Minh, Tiến Dũng vẫn theo học ở huyện. Anh em chia cách, Tiến Dụng đã từng chia sẻ rằng lúc đầu anh khá lo lắng khi xa anh trai vì trước giờ toàn anh lo liệu cho mình. Nhưng sự xa cách đó là lúc để Tiến Dụng tự lập hơn, bản lĩnh hơn trên con đường mới.
Còn may mắn không mỉm cười với Tiến Dũng khi clb huyện bị giải nghệ, và trong chớp mắt, anh phải về quê nhà, và từng có lúc, Dũng đã có ý định từ bỏ ước mơ với trái bóng tròn. Thời điểm đó, Dũng ở nhà và làm những công việc thời vụ cơ cực như phụ hồ, công việc đồng áng... “Tôi thấy hắn buồn lắm nhưng không biết làm sao” – đó là nỗi lòng của cô Điều.
Tiến Dụng rất thương anh, nên gợi ý anh xin gia nhập câu lạc bộ bóng đá Thanh Hóa. Lời em như cơn gió thổi bùng lên ngọn lửa đam mê của Dũng và cứu rỗi bước chân đang chùn xuống của anh. Và giờ đây, cả hai anh em đã được toại nguyện, lại được cùng nhau về dưới mái nhà của U23 quốc gia, lại được chăm sóc nhau như những ngày chập chững nơi huyện nhà.
Một hành trình đầy gian khổ và bị chữ “nghèo” cản bước, nhưng với đam mê cháy bỏng với trái bóng, sự chỉ bảo kĩ thuật từ người bố đã từng là tuyển thủ của đội làng, và ý chí vượt khó, hai anh em đã chạm đến ước mơ. Và không chỉ là ước mơ cho riêng bản thân Dũng và Dụng, mà đó còn là ước mơ của mẹ, của bố, của láng giềng và của hàng triệu người dân trong những ngày qua.
Câu chuyện về con đường chạm tay tới ước mơ của hai anh em Dũng và Dụng đã cho thấy rất nhiều khó khăn vất vả mà hai anh em đã phải trải qua, nhưng hơn tất cả, ta còn thấy những tình cảm vô cùng cao đẹp trong gia đình nơi xứ Thanh này.
Trước hết là tình thương mà bố mẹ giành cho hai anh em. Bố mẹ là những người hiểu rõ nhất những mơ ước, những nỗi niềm trăn trở của hai đứa con mình. Trong khi cái nghèo đeo đuổi sau lưng, họ vẫn cố gắng đẩy các con tiến về phía trước và tiếp thêm những nguồn động lực tinh thần để giúp anh em thực hiện đam mê.
Những giọt nước mắt nghẹn ngào của mẹ hai tuyển thủ là những giọt nước mắt xót thương cho tuổi thơ cơ cực của con trai, là nỗi trăn trở, tấm lòng của người mẹ khi không thể làm điều gì hỗ trợ nhiều cho con.
Còn nhớ lời tâm sự của cô Điều về lần Tiến Dũng giấu 200 nghìn mà cô cho con để đi xe lên Thanh Hóa, nhưng anh đã giấu mẹ và âm thầm trả lại mẹ và đi lên tỉnh với 50 ngàn trong tay. Nhắc đến đó, cô Điều lại khóc. Phải chăng, chính tấm lòng của người mẹ đó đã hình thành nên hai con người trưởng thành, điềm đạm, hiếu thảo như Dũng và Dụng?
Tình anh em cũng là điều đáng trân trọng. Cách nhau 1 tuổi nên tình cảm của Dũng và Dụng còn giống như tình cảm của hai người bạn. Cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi bóng, cùng chia sẻ với nhau những vui buồn, hai anh em yêu thương nhau và cùng nắm tay nhau thực hiện ước mơ chung của hai đứa. Những ngày hai anh em cùng dắt tay nhau gia nhập vào câu lạc bộ ở huyện Thường Xuân, Dũng làm tốt vai trò của người anh, che chở, bao bọc, lo lắng cho em trai.
Và thời điểm mà Tiến Dũng tưởng như sắp sụp đổ vì hoàn cảnh, lời động viên, khích lệ của cậu em trai Tiến Dụng nơi xa như là nguồn cổ vũ tinh thần, khích lệ quý báu để anh vượt qua và tiếp tục hoàn thành nốt giấc mơ còn dang dở của hai anh em. Những hình ảnh tình cảm của anh em nhà Tiến Dũng - Tiến Dụng trong đội tuyển U23 ở giải đấu châu lục vừa qua hẳn là những kỉ niệm đáng nhớ trong sự nghiệp bóng đá của hai anh em, một cái kết mĩ mãn, một thành quả tuyệt vời cho niềm đam mê trái bóng của hai chàng trai trẻ.
Và một điều chắc chắn, dù tỏa sáng trên sân cỏ, nhưng họ vẫn là những chàng trai chân chất, tình cảm, những đứa con ngoan ngoãn của chú Khánh và cô Điều, bởi rằng, nguồn động lực, ngọn lửa tinh thần, hậu phương vững chắc của hai anh vẫn là từ ngôi nhà tràn ngập tình thương ở quê nhà. Chắc vì thế mà thủ môn Tiến Dũng đã trả lời phỏng vấn rằng: “Sau khi về nhà, việc đầu tiên hai anh em làm là ở nhà giúp bố mẹ làm việc nhà”.