MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ảnh: Hà Nội chìm trong biển nước sau 5 ngày lũ về, dân đập tường thành lỗ chui lấy lương thực

14-10-2017 - 20:24 PM | Xã hội

Ảnh: Hà Nội chìm trong biển nước sau 5 ngày lũ về, dân đập tường thành lỗ chui lấy lương thực

Các xã Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến, Tân Tiến... của huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đang phải sống trong những ngày mênh mông biển nước. Đã 5 ngày kể từ khi nước lũ tràn về đến thời điểm hiện tại, mặc dù mưa đã tạnh được hai ngày nhưng mực nước mới chỉ rút khoảng 10cm.

Những con đường bê tông chạy dọc quanh làng giờ đây biến thành biển nước, ở nhiều chỗ cách duy nhất để di chuyển là đi thuyền. Nhu yếu phẩm chính quyền hỗ trợ được chuyển bằng các xe ôtô có gầm cao trước khi nhân dân bơi thuyền ra lấy.

Những con đường bê tông trong xóm làng ngập nước.

Ghi nhận tại xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội), nhà của các hộ dân tại thôn Nhân Lý, Nam Hài bị cô lập, đường vào nhà có chỗ sâu hơn 1,5m người đang sống trong cảnh thiếu thốn lương thực trầm trọng.

"Nhà tôi ở chỗ bị ngập nặng nhất, muốn đi ra ngoài đường lớn lấy hàng cứu trợ phải đi bằng thuyền. Đến tận sáng nay, tôi mới nhận được một thùng mỳ tôm", chú Hùng (Thôn Nam Hài, Nam Phương Tiến chia sẻ.

Lũ tràn về quá nhanh cuốn theo nhiều tài sản của người dân nơi đây. Nhiều hộ dân vay ngân hàng đầu tư nuôi đầm cá, vịt khi nước dâng đã cuốn theo cả gia tài của họ.

"Nhà tôi vay ngân hàng hơn 70 triệu để bắt mấy tạ cá giống, mấy trăm con vịt về nuôi. Lúc nước lên cao vịt chạy hết, cá cũng theo dòng bơi ra ngoài đồng. Bây giờ, tôi chưa biết trả khoản nợ trên như thế nào", bác Nguyễn Hữu Phán cho biết.

Cả một vùng rộng lớn chìm trong biển nước.

Nhà Văn hóa thôn Nam Hài nước ngập gần tới mái.

Trường mầm non xã Nam Phương Tiến sau 5 ngày nước vẫn ngập lên tầng 2.

"Lối chính vào nhà tôi bị ngập nặng, nhà tôi lại không có thuyền nên tôi phải đập một lỗ để ra ngoài lấy lương thực", bác Trịnh Văn Năm chia sẻ.

Xe công nông được chính quyền địa phương sử dụng làm phương tiện phân phát như yếu phẩm đến các hộ dân.

Cách để ra khỏi nhà là đi thuyền.

Người dân nơi đây cho biết, phải mất tới hơn một tháng nước mới rút hoàn toàn.

Theo Gia Chính

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên