Ảnh: Những nút giao hiện đại làm thay đổi diện mạo Thủ đô nhìn từ flycam
Những công trình hiện đại với 3 - 4 tầng giao thông giải quyết tình trạng ùn tắc cho các nút giao quan trọng của Hà Nội, nhất là trong giờ cao điểm.
Để giải quyết tình trạng ách tắc giao thông, TP Hà Nội đã cho xây dựng những công trình giao thông lớn tạo thành các nút giao hiện đại nhiều tầng. (Ảnh: Tùng Lâm)
Đáng chú ý nhất có ngã tư Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) với 4 tầng giao thông, ngã tư Phạm Hùng – Đại lộ Thăng Long (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) với 3 tầng giao thông. (Ảnh: Tùng Lâm)
Trong đó, đường vành đai 3 trên cao từ bắc hồ Linh Đàm đến cầu vượt Mai Dịch đi qua cả 2 nút giao thông hiện đại này. Tuyến đường vành đai 3 dài gần 9 km, gồm 385m đường dẫn và 8.527m cầu cạn chạy suốt. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng. (Ảnh: Tùng Lâm)
Tuyến đường này được thiết kế gồm 4 làn cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp. Dự án được xây dựng theo cấp đường cao tốc đô thị dành cho ô tô, tốc độ thiết kế 100 km/h. (Ảnh: Tùng Lâm)
Đường vành đai 3 là nơi giao cắt với điểm đầu của Đại lộ Thăng Long và điểm cuối đường Trần Duy Hưng. Đường vành đai này giúp các phương tiện di chuyển từ phía tây sang phía đông, nam thành phố và ngược lại mà không phải xuyên qua nội đô. (Ảnh: Tùng Lâm)
Tại ngã tư Phạm Hùng – Đại lộ Thăng Long, ngoài trục đường chính và đường vành đai 3 trên cao chạy qua còn có hầm chui Trung Hòa giúp giảm thiểu lượng phương tiện lưu thông tại tuyến đường chính vào các giờ cao điểm. (Ảnh: Tùng Lâm)
Hầm chui Trung Hòa được khởi công vào đầu năm 2015, chiều dài gần 700m, theo hướng Đại lộ Thăng Long - Trần Duy Hưng và ngược lại với tổng mức đầu tư khoảng 700 tỷ đồng. Hầm chui Trung Hòa hoàn thành trước tiến độ 7 tháng. (Ảnh: Tùng Lâm)
Ngã tư Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi có 4 tầng giao thông chạy qua gồm: trục đường chính, đường vành đai 3 trên cao, hầm chui Thanh Xuân cùng với đường sắt trên cao và ga tàu nằm ngay khu vực ngã tư này. (Ảnh: Tùng Lâm)
Trong đó, hầm chui Thanh Xuân được khởi công từ tháng 6/2014, chiều dài 980m. Hầm chui Thanh Xuân có 2 làn xe mỗi chiều, mặt cắt ngang 8m. Hầm có tổng mức đầu tư 551 tỷ đồng, sử dụng vốn ODA Nhật Bản. Mỗi hầm có 2 làn xe cơ giới vận tốc thiết kế 60km/h. (Ảnh: Tùng Lâm)
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có chiều dài 13,1km, được khởi công xây dựng vào ngày 10/10/2011 và dự kiến hoàn thành công tác xây dựng vào 30/9/2017, đưa vào vận hành thương mại trong Quý I/2018. Tuy nhiên, đến nay, công trình đã bị chậm 3 năm 4 tháng, nhiều hạng mục còn chưa xong. (Ảnh: Tùng Lâm)
Ban đầu, dự án Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư 552 triệu USD. Tuy nhiên, đến nay dự án đã tăng lên 891,9 triệu USD, đội giá thêm 339,1 triệu USD (tương đương 7.000 tỷ đồng, tăng gần 40%). (Ảnh: Tùng Lâm)
Các công trình hiện đại trên đã làm thay đổi diện mạo Thủ đô, góp phần giải quyết ách tắc giao thông cho các nút giao quan trọng, nhất là trong giờ cao điểm. (Ảnh: Tùng Lâm)
VTC News