MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ðánh thức đô thị ven sông

20-06-2023 - 09:51 AM | Bất động sản

Không riêng Bình Dương, Ðồng Nai cũng đang lên kế hoạch đánh thức đô thị ven sông - vốn được xem là báu vật của 2 địa phương nhưng chưa được tận dụng hết.

Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Mạnh Dũng, nguyên Chủ tịch Hội KTS tỉnh Ðồng Nai, khẳng định ở nước ta có rất nhiều thành phố có sông chảy qua, nhưng sông Ðồng Nai chảy xuyên qua TP Biên Hòa với chiều dài khoảng 4 km được xem là lợi thế mà rất ít thành phố nào có được.

Ðánh thức đô thị ven sông - Ảnh 1.

Một góc đô thị Biên Hòa ven sông Ðồng Nai. Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Quá nhiều tiềm năng, lợi thế

Lợi thế đầu tiên mà ông Dũng dẫn chứng là đoạn sông Ðồng Nai chảy qua TP Biên Hòa rất hiền hòa nên hiếm khi xảy ra lũ và lũ cũng không lớn nên việc bố trí các công trình kiến trúc, hạ tầng đô thị dọc bờ sông là rất thuận lợi. Ðặc biệt, mặt sông rộng tạo cảnh quan đẹp, là lợi thế phát triển đô thị. "Không chỉ mang thế mạnh tự nhiên, sông Ðồng Nai cũng được đánh giá mang trong mình các giá trị văn hóa, lịch sử để tạo nên một không gian văn hóa mang đặc trưng riêng của đô thị Biên Hòa" - KTS Dũng nhấn mạnh. Thế nhưng, ông Dũng cho rằng thực tế, tỉnh Ðồng Nai vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế mà con sông chảy xuyên đô thị Biên Hòa mang lại.

Là một người con của vùng đất Biên Hòa, KTS Nguyễn Văn Tất, Phó Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc thuộc Hội KTS Việt Nam, cho rằng sông Ðồng Nai là một "báu vật" mà thiên nhiên ban tặng cho TP Biên Hòa. Tuy nhiên, để khai thác hết giá trị của dòng sông, cần có sự phát triển hài hòa giữa hai bên bờ sông, bởi lâu nay khu đô thị Biên Hòa ở hai bên bờ sông đang có sự chênh lệch. Ðiển hình là khu vực chợ Ðồn, phường Tân Vạn vẫn khá trầm lắng và ít được đầu tư phát triển. "Biên Hòa - đô thị với tuổi đời hàng trăm năm, đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một thành phố hiện đại, đáng sống. Trong sự chuyển mình ấy, sông Ðồng Nai phải được xác định là trục cảnh quan chính của đô thị Biên Hòa trong tương lai" - ông Tất nhấn mạnh.

Không thua kém TP Biên Hòa của tỉnh Đồng Nai, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương cũng mang trong mình một "báu vật" đang ngày đêm chờ "khai quật". Ðó là đoạn sông Sài Gòn dài khoảng 13,6 km chảy qua các phường Vĩnh Phú, Lái Thiêu, Bình Nhâm và xã An Sơn của TP Thuận An.

Bình luận về "báu vật" trên của TP Thuận An, KTS Nguyễn Ðức Việt nói dọc sông Sài Gòn đoạn chảy qua TP Thuận An sẽ là những khu đô thị trong mơ nếu được khai thác hết lợi thế. "Chưa kể, dọc theo đoạn sông này, cả phía TP HCM và Bình Dương đều có nhiều di tích lịch sử, danh thắng và những làng nghề truyền thống như gốm sứ, sơn mài, điêu khắc, mộc… nên hoàn toàn có thể định hướng thêm để phát triển thành những trung tâm thương mại - dịch vụ ven sông nhưng vẫn gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, truyền thống gắn với đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của cư dân địa phương. "Nếu chúng ta phát triển kinh tế ven sông mạnh mẽ thì sẽ thu hút khách du lịch và tạo ra các khu đô thị đặc thù, đáng sống, đáng tham quan" - KTS Việt phân tích.

Ðánh thức đô thị ven sông - Ảnh 2.

Một đoạn sông Sài Gòn chảy qua TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. Ảnh: THẢO NGUYỄN

Từng bước hiện thực hóa

Ông Nguyễn Ngọc Văn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, cho hay đúng là thời gian qua, Bình Dương vẫn chưa có quy hoạch bài bản nào về phát triển một khu đô thị ven sông. Tuy nhiên, theo kế hoạch, tỉnh sẽ phát huy lợi thế sông Sài Gòn, sông Ðồng Nai và sông Thị Tính để quy hoạch các khu đô thị xứng tầm. Theo ông Văn, sông Sài Gòn là tuyến giao thông đường thủy có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh. Phát huy tối đa lợi thế có sông Sài Gòn đi qua, tỉnh Bình Dương sẽ quy hoạch tuyến đường ven sông Sài Gòn bắt đầu từ TP Thuận An đến thị xã Bến Cát góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Thanh Tâm - Chủ tịch UBND TP Thuận An, tỉnh Bình Dương - cho biết theo quy hoạch đô thị Thuận An, tuyến đường ven sông Sài Gòn kết nối từ cầu Bà Lụa (TP Thủ Dầu Một) đến cầu Vĩnh Bình, giáp TP HCM, tổng chiều dài toàn tuyến trên 13 km. Hành lang ven sông Sài Gòn từ cầu Vĩnh Bình, phường Vĩnh Phú tới cảng An Sơn được quy hoạch là trục cảnh quan quan trọng của thành phố, kết nối với các trục đường chính đô thị và với TP HCM. Ðồng thời, dọc hành lang sẽ hình thành 6 bến thủy nội địa, tại các bến sẽ hình thành các trung tâm dịch vụ cộng đồng… "Thuận An là một đô thị nén, mật độ dân số rất cao. Vì vậy việc triển khai xây dựng đô thị ven sông Sài Gòn là xu thế. Hiện nay, ven sông Sài Gòn còn rất nhiều dư địa phát triển. Địa phương đang cùng đơn vị tư vấn tính toán phát triển đô thị một cách hợp lý, hài hòa bảo đảm về quy mô, cảnh quan…" - ông Tâm thông tin.

Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai Cao Tiến Dũng cũng nhìn nhận sông Ðồng Nai là lợi thế lớn của Ðồng Nai trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển đô thị. Chính vì vậy, trong quá trình lập quy hoạch tỉnh Ðồng Nai thời kỳ 2021-2030, tỉnh đã đặc biệt lưu ý liên danh đơn vị tư vấn phải có sự rà soát, đánh giá để đưa vào quy hoạch định hướng phát triển chuỗi đô thị ven sông Ðồng Nai. "Thiên nhiên đã ban cho Ðồng Nai một dòng sông rất đẹp. Do đó phải tận dụng hết các tiềm năng, đưa vào quy hoạch để nâng tầm đẳng cấp trong phát triển đô thị của tỉnh" - Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai, lâu nay ngành dịch vụ của tỉnh vẫn được đánh giá còn yếu, đặc biệt là các dịch vụ cao cấp. Việc thiếu các dịch vụ khiến cho Ðồng Nai không giữ chân được du khách. Do đó, chỉ phát triển các đô thị ven sông mới có thể thu hút được các dịch vụ, nhất là dịch vụ cao cấp. Ðể hiện thực hóa điều này, Ðồng Nai định hướng và đã bước đầu triển khai thực hiện các dự án hạ tầng giao thông kết nối các khu vực ven sông Ðồng Nai. Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông, kết hợp phát triển các công viên ven sông đã và đang được triển khai thực hiện trong thời gian qua, như dự án xây dựng đường, kè và công viên ven sông Ðồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu), đường ven sông Cái…

Ngoài ra, tỉnh Ðồng Nai cũng đang gấp rút thực hiện các dự án cao ốc, các khu thương mại dịch vụ lớn dọc sông Ðồng Nai. "Ðặc biệt, UBND tỉnh Ðồng Nai đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu đô thị Hiệp Hòa có diện tích 294 ha với số vốn đầu tư hơn 72.200 tỉ đồng tại cù lao Phố (phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa), quy mô dân số dự kiến hơn 30.000 người" - Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai thông tin. 

Cần hướng đến cộng đồng

Theo ông Lý Thành Phương, Chủ tịch Hội KTS tỉnh Ðồng Nai, để có những đô thị hiện đại ven sông, nhà nước cần thực hiện thu hồi đất và lập các dự án hướng đến cộng đồng, phục vụ mục đích công cộng. Bởi nếu các khu vực ven sông thuộc về tư nhân sẽ rất khó hình thành không gian mở cho đô thị, khi đó sức lan tỏa với cộng đồng, với du khách cũng sẽ bị hạn chế. Ông Phương cũng cho rằng sông Ðồng Nai có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân. Vì vậy, cần sớm phát triển hệ thống công viên dọc sông để bảo vệ môi trường, nguồn nước.

KTS Nguyễn Văn Tất nhấn mạnh cần phát huy lợi thế tiềm năng của cù lao Phố. "Ðây là của "gia bảo" của Ðồng Nai nói chung, TP Biên Hòa nói riêng với quá khứ huy hoàng và một mảng xanh tương đối lớn" - KTS Tất nói. Theo đó, trong định hướng phát triển đô thị Biên Hòa, cù lao Phố được đề xuất xây dựng trở thành "hạt nhân xanh", trung tâm văn hóa ven sông của TP Biên Hòa nói riêng và của tỉnh Ðồng Nai nói chung.

Mới đây, tại buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, lãnh đạo 2 địa phương cam kết sẽ cùng tính toán và quyết tâm hơn về việc phát triển đô thị dọc sông Sài Gòn. Ông Phan Văn Mãi đã yêu cầu các đơn vị liên quan phía TP HCM nhanh chóng kiểm tra tình hình hiện tại ở hai bên bờ sông Sài Gòn và trình UBND thành phố. Tương tự, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng đề nghị các đơn vị liên quan gấp rút triển khai.

Theo Nguyễn Tuấn - Thảo Nguyễn

Người lao động

Trở lên trên