Anh tiếp tục nâng lãi suất
Đây đã là lần nâng lãi suất thứ 12 liên tiếp của Anh, lên mức 4,5%, tương đương mức cao nhất kể từ tháng 10/2008.
- 11-05-2023Anh: Chết trong nhà 6 năm không ai biết
- 10-05-2023Khởi đầu bằng sản phẩm nhái, nghi vấn được ‘chống lưng’: Đây là cách BYD vươn lên thành ‘nỗi ám ảnh’ trong ngành xe điện
- 09-05-2023Bí ẩn hàng trăm cân mì bị đổ đống ở Mỹ: 1 bức ảnh được tung ra đã khiến cả thị trấn xôn xao
Hãng tin CNN cho biết Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm ngày 11/5/2023 nhằm giúp nền kinh tế Anh tránh khỏi một cuộc khủng hoảng vì giá năng lượng tăng quá cao khiến lạm phát phi mã.
Đây đã là lần nâng lãi suất thứ 12 liên tiếp của Anh, lên mức 4,5%, tương đương mức cao nhất kể từ tháng 10/2008. Động thái này diễn ra sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) cũng nâng lãi suất ¼ điểm phần trăm.
“Lạm phát đang quá cao và nhiệm vụ của chúng tôi là hạ nó xuống mức mục tiêu 2%. Lạm phát thấp và ổn định là nguồn gốc của một nền kinh tế khỏe mạnh”, Thống đốc Andrew Bailey của BoE khẳng định.
Trái ngược với Anh, Trung Quốc lại đang cực kỳ đau đầu vì áp lực giảm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng ở mức chậm nhất trong suốt 2 năm qua, minh chứng cho nhu cầu tiêu dùng nội địa yếu và khả năng hồi phục kém của nền kinh tế hậu đại dịch.
Số liệu cho thấy CPI tháng 4/2023 của Trung Quốc chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Tỷ lệ này là 1% và 0,7% tương ứng cho tháng 2 và tháng 3/2023.
Không chỉ lạm phát giảm mạnh mà chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng giảm 3,6%, tương đương mức giảm mạnh nhất 3 năm qua và đã là tháng thứ 7 liên tiếp đi xuống.
Vậy là trong khi Anh kịch liệt nâng lãi suất nhằm chống lạm phát và rủi ro suy thoái thì Trung Quốc lại đang có khả năng rơi vào giảm phát bất chấp việc Ngân hàng trung ương nước này (PBOC) đã liên tục cắt giảm lãi suất cũng như bơm thêm tiền cho nền kinh tế.
Tệ nhất
Tại xứ sở sương mù, hiện BoE dự đoán kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 0,25% trong năm nay và 0,75% trong năm 2024, một con số tích cực hơn dự đoán trước đó, vốn cho rằng Anh sẽ suy giảm 0,5% trong năm 2023.
Nguyên nhân chính của sự tích cực này đến từ việc giá khí đốt trên thị trường quốc tế hạ nhiệt cũng như một số thông tin khả quan khác từ nền kinh tế, bao gồm tỷ lệ lao động có việc làm tăng cao.
Dẫu vậy, rủi ro suy thoái tại Anh vẫn rất lớn khi lạm phát vẫn vượt 10% dù đã giảm mạnh thời gian gần đây.
“Nếu những dấu hiệu xấu vẫn tiếp tục thì việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa là điều cần thiết phải làm”, Thống đốc Bailey cảnh báo.
Anh là nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới nâng lãi suất vào tháng 12/2021 sau khi đại dịch bùng phát. Thế nhưng lạm phát tại đây vẫn ở mức cao thái quá do giá khí đốt, điện và lương thực ở mức cao. Thêm vào đó tình trạng thiếu lao động do chính sách siết chặt nhập cư vì Brexit càng khiến chi phí nhân lực bị đội lên.
Số liệu mới nhất cho thấy lạm phát tháng 3/2023 tại Anh vẫn ở mức 10,1%, thấp hơn 10,4% của tháng 2/2023 nhưng cao hơn nhiều so với Mỹ và phần còn lại của Châu Âu.
Thậm chí giá lương thực tại Anh đã tăng đến 19,2% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất trong hơn 45 năm qua, khi giá các thực phẩm thiết yếu như bánh mì và ngũ cốc ở mức cao kỷ lục.
Việc BoE nâng lãi suất kịch liệt đang ảnh hưởng nặng đến tăng trưởng kinh tế khi chi phí vay vốn tăng cao, làm suy giảm khả năng chi tiêu của người dân cũng như đầu tư của doanh nghiệp với nền kinh tế.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) gần đây cảnh báo Anh sẽ suy giảm 0,3% GDP trong năm nay và trở thành nền kinh tế có kết quả tệ nhất trong số các quốc gia phát triển.
Điên cuồng tiết kiệm
Quay trở lại Trung Quốc, dù nhu cầu tiêu dùng đã bật tăng nhẹ trở lại sau khi nước này nới lỏng chiến dịch “Zero Covid” nhưng sự bất ổn của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường bất động sản lại đang kéo sức mua của người dân lại.
“Lạm phát thấp cho thấy đà hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc hậu đại dịch đã bị chậm lại trong tháng 4/2023”, báo cáo phân tích của Nomura ghi rõ.
Cũng theo Nomura, sự hạ nhiệt của thị trường bất động sản đã ảnh hưởng đến các ngành sản xuất khác, qua đó lan rộng sang cả mảng tiêu dùng.
Hiện bất động sản đang đóng góp đến 30% GDP cho nền kinh tế Trung Quốc nhưng lại đang trong đợt xì hơi bong bóng. Giá nhà mới tại đây chỉ tăng chưa đến 0,5% trong tháng 2-3/2023 sau hơn 1 năm giảm giá liên tiếp.
Sự sụt giảm của thị trường nhà đất đã khiến nhu cầu nguyên vật liệu như sắt thép, xi măng đi xuống, qua đó kéo tụt chỉ số PPI.
Tệ hơn, nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm 7,9% trong tháng 4/2023, qua đó cho thấy nhu cầu tiêu dùng nội địa hạ thấp. May mắn là xuất khẩu lại tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng con số này kém hơn rất nhiều so với 14,8% tăng trưởng của tháng 3/2023.
Hãng tin CNN cho biết thay vì gia tăng chi tiêu sau khi lệnh giãn cách được nới lỏng, người dân Trung Quốc lại điên cuồng tiết kiệm ở mức kỷ lục trong quý I/2023.
Số liệu chính thức cho thấy tiền gửi tiết kiệm hộ gia đình đã tăng 27% so với cùng kỳ năm trước trong 3 tháng đầu năm nay, đạt 9,9 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 1,4 nghìn tỷ USD.
Riêng trong năm ngoái, các hộ gia đình Trung Quốc đã tiết kiệm kỷ lục 2,6 nghìn tỷ USD, tăng 80% so với năm 2021 và tương đương hơn 1/3 tổng thu nhập hộ gia đình. Xin được nhắc là trước đại dịch, tỷ lệ tiền tiết kiệm chỉ chiếm 1/5 thu nhập hộ gia đình.
Hãng Nomura dự báo lạm phát tại Trung Quốc vẫn sẽ yếu trong tháng 5/2023 còn PPI thì tiếp tục giảm.
Dù chính phủ Trung Quốc liên tục phủ nhận nhưng nhiều chuyên gia đã cảnh báo về rủi ro giảm phát cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này. Khi đó người tiêu dùng và các doanh nghiệp sẽ cắt giảm chi tiêu, đầu tư, đẩy giá cả xuống sâu hơn.
Nghe thì có vẻ tốt nhưng cầu thấp khiến doanh nghiệp thất thu, sa thải nhân công. Người lao động không có việc làm nên càng thắt chặt hầu bao, tạo thành vòng luẩn quẩn khiến kinh tế mất tăng trưởng.
*Nguồn: CNN
Nhịp sống thị trường