MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khởi đầu bằng sản phẩm nhái, nghi vấn được ‘chống lưng’: Đây là cách BYD vươn lên thành ‘nỗi ám ảnh’ trong ngành xe điện

10-05-2023 - 16:07 PM | Tài chính quốc tế

Khởi đầu bằng sản phẩm nhái, nghi vấn được ‘chống lưng’: Đây là cách BYD vươn lên thành ‘nỗi ám ảnh’ trong ngành xe điện

Được nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đặt niềm tin, thế giới đang ngày càng biết nhiều hơn tới BYD, hãng sản xuất xe điện lớn nhất dù thị phần hầu hết ở Trung Quốc. Tuy nhiên, đằng sau hào quang rực rỡ hiện nay, BYD cũng từng bước chân vào thị trường với những mẫu xe nhái, được bán với giá siêu rẻ….

Khởi đầu “khác thường” của BYD

BYD là viết tắt của từ tiếng Anh “Build Your Dreams” mà nhà sáng lập công ty đã dùng làm tên khi thành lập gần 3 thập kỷ trước. Tuy nhiên, cụm từ không có ý nghĩa này lại có một lợi thế khác, xếp đầu danh bạ điện thoại.

Ra đời năm 1995, BYD được dẫn dắt bởi Wang Chuanfu, một kỹ sư chuyên về pin. BYD cũng là một doanh nghiệp làm pin trước khi chuyển hướng sang làm xe điện. Và điều này có vẻ rất hợp lý bởi pin là thành phần quan trọng nhất, đắt nhất của bất kỳ chiếc xe điện nào.

Sự ra đời của pin Lithium-ion đã tạo ra một cuộc cách mạng. Nó là điều kiện quan trọng cho sự bùng nổ của điện thoại di động trong vài thập kỷ qua. Wang có kiến thức về pin và rõ ràng, những điều đó đã giúp ích rất lớn cho hoạt dộng của BYD thủa ban đầu.

Thời điểm đó, BYD cần tạo ra những viên pin mà không vi phạm các bằng sáng chế, phần lớn do các công ty Nhật Bản nắm giữ. Và họ làm được điều đó. Kết quả là BYD trở thành nhà cung cấp pin Trung Quốc đầu tiên cho Motorola vào năm 2000 và cho Nokia vào năm 2002.

Khởi đầu bằng sản phẩm nhái, nghi vấn được ‘chống lưng’: Đây là cách BYD vươn lên thành ‘nỗi ám ảnh’ trong ngành xe điện - Ảnh 1.

Những thành tựu đó đưa BYD tiến vào hàng ngũ 5 nhà sản xuất pin hàng đầu thế giới vào năm 2002. Họ IPO thành công trên thị trường chứng khoán Hồng Kông. Tuy đang rất ổn nhưng Wang đã quyết định một bước ngoặt, đẩy nó khỏi con đường êm đềm và bước vào một hành trình chông gai.

Với số tiền huy động được, BYD đã mua Tsinchuan, một nhà sản xuất ô tô quốc doanh đang trên bờ vực phá sản. Sau khi tiếp quản, họ đi vào sản xuất xe xăng. Trong khi Wang chưa biết lái xe mà còn phải nghiên cứu phát triển xe điện, phương pháp quen thuộc đã được thực hiện.

Các nhà phê bình nói rằng BYD đã làm xe với việc bắt chước sản phẩm của những thương hiệu lâu đời và bán chúng với giá rẻ hơn nhiều. Một trong những chiếc xe thành công đầu tiên của BYD là mẫu F3. Nó nhìn rất giống chiếc Toyota Corolla đeo logo màu xanh trắng trông hao hao của BMW. Dù ban đầu không nhận được sự chú ý nhưng đến năm 2009, F3 lại là mẫu xe bán chạy nhất ở Trung Quốc nhờ giá rẻ.

Thành công của F3 đã giúp BYD thu hút sự chú ý của một trong những người giàu nhất thế giới, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett. Ông chi 230 triệu USD để sở hữu 10% cổ phần công ty vào năm 2008. Và ngay sau đó, công ty này tiếp tục cho ra đời mẫu xe lai xăng – điện với ác quy có thể chạy được 96 km.

Vận may mỉm cười: Cú hích từ Chính phủ Trung Quốc

Việc tập trung phát triển các công nghệ điện dường như là vận may của BYD. Không lâu sau thời điểm BYD cho ra đời của mẫu xe lai, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một loạt chính sách nhằm đưa quốc gia này vào vị thế dẫn đầu thế giới về xe điện. Trung Quốc chọn 13 thành phố để thí điểm loại xe buýt thân thiện với môi trường, trong đó có Thâm Quyến, nơi BYD đặt trụ sở.

Năm 2010, Trung Quốc bắt đầu hỗ trợ chi phí để đưa vào sử dụng các phương tiện chở khách tư nhân sử dụng năng lượng mới (NEV). Năm 2011, họ giảm thuế cho người mua xe dùng nhiên liệu thân thiện với môi trường trong khi hạn chế cấp phép cho ô tô chạy xăng ở một số thành phố.

Khởi đầu bằng sản phẩm nhái, nghi vấn được ‘chống lưng’: Đây là cách BYD vươn lên thành ‘nỗi ám ảnh’ trong ngành xe điện - Ảnh 2.

Và người hưởng lợi lớn nhất rõ ràng là BYD. Họ đã bán được 10.000 chiếc F3MD (dòng xe lai điện – xăng đầu tiên) chỉ trong năm 2011. Nửa thập kỷ đó, BYD nhanh chóng trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới dù người ta ít biết tới tên tuổi hãng này bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ, từ năm 2009-2017, Chính phủ Trung Quốc đã chi khoảng 57 tỷ USD để hỗ trợ sản xuất và bán xe sử dụng năng lượng mới ở Trung Quốc, bao gồm trợ cấp thuế phí, cơ sở hạ tầng, đầu tư nghiên cứu phát triển…. Trong 9 năm đó, các khoản trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc bằng tới hơn 40% doanh thu ngành xe điện.

Dù Trung Quốc không công bố các doanh nghiệp nhận được bao nhiêu tiền hỗ trợ nhưng tờ Quartz nhấn mạnh BYD được ít nhất 860 triệu USD tài trợ của Chính phủ Trung Quốc chỉ riêng cho nghiên cứu và phát triển kể từ năm 2009.

Thế nhưng, có một nghịch lý vẫn tồn tại. Dù doanh số bán xe sử dụng năng lượng mới ngày càng tăng nhưng lợi nhuận ròng hàng năm của BYD tiếp tục giảm liên tiếp từ năm 2016. Lý do là việc Chính phủ Trung Quốc giảm dần trợ cấp dành cho dòng phương tiện này. Nhiều khả năng, Trung Quốc sẽ tiếp tục thay đổi các chính sách với NEV.

Con đường ra thế giới đầy chông gai

Để bù lại, BYD có thể phải mở rộng ra toàn cầu. Với các thương hiệu Trung Quốc, danh tiếng của BYD không đến nỗi tệ. Đó là nhờ nhiều năm cung cấp các loại pin chất lượng hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, ô tô không phải là pin trong khi thị trường thế giới cũng không nhiều thuận lợi như những gì có ở Trung Quốc.

“Vấn đề với BYD khi tham gia thị trường xe hơi của Mỹ đó là ‘giấc mơ Mỹ’. Nếu kẻ nào đó đe dọa ‘giấc mơ Mỹ’, kẻ đó đang tự đẩy mình vào chân tường”, Matt Jurjevich, nhà nghiên cứu thị trường của BYD America, từng nói với tờ Huffington Post vào năm 2017.

Và thực tế đúng là như thế. Những chiếc xe buýt điện mà BYD muốn đưa vào thị trường Mỹ đã gặp muôn vàn khó khăn. Dù đã thúc đẩy hoạt động của xe buýt điện ở Mỹ từ đầu những năm 2010 nhưng thành quả của hoạt động này chưa lấy gì làm khởi sắc.

Khởi đầu bằng sản phẩm nhái, nghi vấn được ‘chống lưng’: Đây là cách BYD vươn lên thành ‘nỗi ám ảnh’ trong ngành xe điện - Ảnh 3.

Thậm chí, năm 2021, Mỹ còn ban hành lệnh cấm nhằm vào các nhà sản xuất được cho có mối quan hệ với Chính phủ Trung Quốc, đe dọa đẩy doanh nghiệp này khỏi kế hoạch thay thế hệ thống xe buýt chạy dầu diesel bằng xe buýt điện trên toàn nước Mỹ. Phía Mỹ lo ngại những cạnh tranh không công bằng trong lĩnh vực xe buýt và đầu máy xe lửa từ các doanh nghiệp Trung Quốc, vốn nhận được trợ cấp lớn từ chính phủ nước này.

Và vận rủi chưa hẳn đã hết. Tháng 4/2023, Tỷ phú Warren Buffett bất ngờ thông báo bán một lượng lớn cổ phiếu BYD. Không có lời giải thích nào cho việc bán cổ phiếu này nhưng việc huyền thoại đầu tư rút lui cũng làm dấy lên nhiều đồn đoán với cổ phiếu BYD.

Trên thực tế, bằng những thành tựu đã đạt được, BYD có thể là ví dụ cho sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Nó cũng cho thấy sự can thiệp của Chính phủ có khả năng tạo ra những thương hiệu khổng lồ như thế nào. Dẫu vậy, gia nhập thị trường toàn cầu rõ ràng là bài toán lớn và BYD sẽ còn phải vất vả để đối đầu với những gã khổng lồ như Toyota, Volkswagen hoặc GM hay cả những thương hiệu xe điện địa phương, vốn gây dựng được vị thế vững chắc tại nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới.

Tham khảo: Quartz

Linh Anh

Nhịp sống Thị trường

Trở lên trên