Ảnh vệ tinh cho thấy cảng Beirut tan hoang như thế nào sau vụ nổ kinh hoàng
Ảnh chụp cảng Beirut trước và sau vụ nổ kinh hoàng cho thấy một vùng rộng lớn bị biến dạng hoàn toàn do sức công phá từ tai nạn.
- 05-08-2020Xác định nguyên nhân gây vụ nổ kinh hoàng tại cảng Beirut (Lebanon)
- 05-08-2020Nổ cực lớn ở Lebanon làm hơn 4.000 người thương vong
- 04-08-2020Bùng nổ giữa đại dịch SARS, đây là lời khuyên của đồng sáng lập Alibaba cho startup giữa thời Covid-19
- 27-07-2020Covid-19 tại Mỹ: “Quả bom” Florida phát nổ
- 24-07-2020Chứng khoán Trung Quốc "đỏ lửa" vì căng thẳng Mỹ - Trung bùng nổ
Hình ảnh được NBC News tổng hợp lại từ Planet Labs, Inc. và Maxar Technologies cho người xem một cái nhìn toàn cảnh nhất về sức tàn phá khủng khiếp từ vụ nổ ở Li Băng ngày hôm qua. Theo nhà chức trách, 2.700 tấn amoni nitrat đã phát nổ hôm 4/8 làm 135 người thiệt mạng và hơn 5.000 người bị thương.
Ở thời điểm hiện tại, nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn vẫn đang được tiến hành khi có hàng chục người mất tích. Chính phủ Li-băng đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 2 tuần tại Beirut. Nhà chức trách nước này thề sẽ tìm ra người phải chịu trách nhiệm cho vụ nổ và tất cả các quan chức phụ trách lưu trữ hàng hóa và an ninh tại cảng này từ năm 2014 đã bị quân đội quản thúc.
Thậm chí, ảnh vệ tinh còn cho thấy một hố rộng hơn 100m để lại sau vụ nổ. Đây chính là nhà kho mà lượng hóa chất này được lưu trữ trong nhiều năm qua. Miệng hố, theo tính toán, còn lớn hơn cả chiều dài của một sân bóng đá tiêu chuẩn. Nước biển đã tràn vào nơi trước đây từng là nhà kho của bên cảng.
Vụ nổ gây thiệt hại nghiêm trọng không chỉ ở tâm chấn. Các tòa nhà nằm gần thì biến dạng hoàn toàn trong khi các công trình ở xa cũng bị hư hại. Nhà chức trách ước tính khoảng 200.000 người đang phải rời bỏ thành phố đi lánh nạn. Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ cho biết vụ nổ tạo ra địa chấn tương đương với động đất 3,3 độ.
Hình ảnh chưa được xác thực lan truyền trên mạng xã hội sau vụ nổ kinh hoàng cho thấy những bao amoni nitrat được chất đầy trong một nhà kho. Cảng Beirut là cảng chính ở phía đông Địa Trung Hải và được xem là "cổng chính" nối liền Li Băng với thế giới. Cảng này được Chính phủ Li Băng sở hữu và đang nằm dưới sự lãnh đạo của Hassan Koraytem, người đã bị bắt sau khi vụ nổ xảy ra.
Cộng đồng quốc tế đã bày tỏ sự chia buồn sâu sắc với Li Băng trong khi nhiều quốc gia cũng đã gửi đội cứu hộ tới quốc gia này nhằm tìm kiếm những người sống sót đang bị vùi dưới những đống đổ nát. Gần nhất, 50 nhân viên cứu hộ của Đức, chó nghiệp vụ và 15 tấn trang thiết bị đã được đưa tới Li Băng để tìm kiếm nạn nhân mắc kẹt trong các tòa nhà bị sập.
72 giờ đầu tiên sau thảm họa được xem là thời gian vàng để cứu sống những người mắc kẹt. Chính vì vậy, nỗ lực cứu hộ ở Li Băng đang được đẩy mạnh nhằm giải cứu những người mất tích. Nga cũng đã đưa máy bay chở các đội cứu trợ, bác sĩ và trang thiết bị y tế tới Beirut nhằm cứu chữa những nạn nhân của thảm họa.
Về phần mình, Liên Hợp Quốc cho biết đã tăng cường hỗ trợ khẩn cấp cho Li Băng sau vụ nổ kinh hoàng và thúc giục cộng đồng quốc tế chung tay giúp đỡ quốc gia này. Trong số những người thiệt mạng cũng có thành viên thuộc lực lượng Liên Hợp Quốc. 22 thành viên lực lượng gìn giữ hòa bình bị thương trong vụ việc.