MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Áp dụng lý thuyết quản trị Kaizen của người Nhật vào cách xử lý "dứt điểm" một vấn đề: 5 lần hỏi tại sao đổi lấy 1 phương pháp hiệu quả

26-11-2020 - 16:11 PM | Sống

Nữ chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân bật mí một phương pháp giúp ta tìm ra gốc rễ của mọi vấn đề nhờ vào lý thuyết quản trị của người Nhật.

Bạn có bao giờ bắt tay vào giải quyết ngay khi vấn đề xảy ra nhưng rồi vấn đề dường như vẫn cứ lằng nhằng, không dứt điểm được? Nếu chuyện này xảy ra cho bạn, có lẽ vấn đề mà bạn đang giải quyết chưa được giải quyết tận gốc rễ.

Thường thì khi vấn đề xảy ra, phản ứng ngay lập tức của con người là suy đoán ngay nguyên nhân, rồi tập trung ngay vào giải pháp. Có khi, giải quyết nhanh cũng giống như lấy băng keo bịt vào ống nước, trước sau gì cũng bị lực nước đẩy bung ra.

Trong lý thuyết quản trị của người Nhật (Kaizen), có một phương pháp giúp ta tìm ra gốc rễ của mọi vấn đề mà bạn nên thử áp dụng. Đó là cách hỏi 5 lần câu hỏi tại sao. Ví dụ nhé:

1. Tại sao tôi không thể hoàn thành tất cả công việc tại cơ quan?

Vì tôi có quá nhiều việc để làm.

2. Tại sao có quá nhiều việc để làm?

Vì tôi bị xếp gọi tham gia vào những công việc khác nên công việc đã lên kế hoạch ưu tiên của tôi lại không thực hiện được.

3. Tại sao bạn lại bị kéo vào những công việc khác?

Vì chỉ có tôi mới biết những công việc đó thôi.

4. Tại sao chỉ có bạn biết công việc đó thôi?

Vì chưa ai khác được huấn luyện để làm những công việc này cả.

5. Tại sao chưa ai khác được huấn luyện những công việc này cả?

Vì chúng ta chưa có chương trình huấn luyện kỹ năng chéo cho các phòng ban.

Áp dụng lý thuyết quản trị Kaizen của người Nhật vào cách xử lý dứt điểm một vấn đề: 5 lần hỏi tại sao đổi lấy 1 phương pháp hiệu quả - Ảnh 1.

Nhìn vào 5 câu hỏi tại sao ở trên, nếu chúng ta dừng lại ở câu hỏi số 2, có lẽ cách giải quyết của bạn sẽ là khoá riêng thời gian cho bản thân để làm công việc mình đã lên kế hoạch. Thế nhưng cách giải quyết đó của bạn sẽ chẳng giải quyết dứt điểm gốc rễ của vấn đề, có khi lại còn làm nảy sinh ra thêm vấn đề khác, ví dụ như công việc khác cần có bạn tham gia sẽ bị đình trệ chẳng hạn. Từ câu hỏi số 1 đến câu hỏi tại sao số 5, cách giải quyết của bạn rõ ràng là hoàn toàn khác nhau, và chỉ khi chúng ta đi đến gốc rễ của vấn đề, thì vấn đề đó mới được hoàn toàn giải quyết.

Khi đã quen sử dụng cách tiếp vận "5 lần tại sao" này, bạn có thể tìm ra vấn đề nhanh hơn sau 4 hay 3 lần hỏi tại sao. Nếu bạn ứng dụng cách tiếp cận này vào đời sống hàng ngày, nó sẽ trở thành phản xạ và giúp bạn luôn tìm ra gốc rễ của mọi vấn đề.

Theo Nguyễn Phi Vân

Trí thức trẻ

Trở lên trên