Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Bộ Tài chính lên tiếng
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, để ứng phó với các tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan sẽ sớm báo cáo Chính phủ để có những chính sách ứng phó, cũng như dự kiến một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
- 05-05-2023Nhà đầu tư nào đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Hà Nội, giúp thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút FDI 4 tháng 2023?
- 05-05-2023Top 10 địa phương có thu nhập bình quân cao nhất năm 2022: TP. HCM đứng thứ ba
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023 diễn ra chiều 5/5, báo chí đặt vấn đề: Chỉ còn 8 tháng nữa cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được thực thi tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo tính toán sẽ có khoảng hơn 100 doanh nghiệp FDI quy mô lớn có thể chịu ảnh hưởng nếu áp dụng từ năm 2024. Việt Nam dự kiến sẽ có những điều chỉnh như thế nào để ứng phó với những tác động tiêu cực của thuế tối thiểu toàn cầu và giữ chân các nhà đầu tư FDI lớn?
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: Trước hết, để chuẩn bị ứng phó với các tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ nghiên cứu do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái là tổ trưởng. Bộ Tài chính cũng được giao nhiệm vụ và đã chủ động thành lập nhóm giúp việc cho Tổ này.
Ông Nguyễn Đức Chi cho hay, ngày 18/4 vừa qua, Bộ Tài chính tổ chức hội thảo bàn về các quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia và dự kiến tác động cũng như khuyến nghị các giải pháp cho Việt Nam.
Về giải pháp cho Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá có 2 vấn đề chính: Thứ nhất, Việt Nam có chủ động giành quyền đánh thuế tối thiểu toàn cầu hay chúng ta giữ lại những ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI như trước đây theo các chính sách pháp luật của chúng ta? Qua hội thảo, các tổ chức tư vấn độc lập cũng như chính các doanh nghiệp FDI chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đều khuyến nghị Việt Nam nên chủ động sớm ban hành quy định pháp luật để giành quyền đánh thuế tối thiểu toàn cầu cho các doanh nghiệp. Tức là chúng ta phải xây dựng, điều chỉnh hệ thống pháp luật để giành quyền đánh thuế tối thiểu toàn cầu theo mức thuế tối thiểu toàn cầu, nghĩa là thay đổi các ưu đãi trước đây chúng ta đã cam kết.
Bên cạnh đó, tiếp tục các giải pháp vẫn thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư vào Việt Nam cũng như giành các ưu đãi cho họ mà phù hợp với các điều kiện về chính sách thuế tối thiểu toàn cầu cũng như các chính sách khác mà Việt Nam là thành viên tham gia cam kết.
Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính phối hợp với Bộ KH&ĐT xây dựng giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp cũng như gián tiếp cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng sau khi chúng ta giành quyền đánh thuế, thay đổi mức độ ưu đãi cho các doanh nghiệp này.
"Chúng tôi cũng đang phối hợp với Bộ KH&ĐT và các bộ ngành liên quan để cụ thể hóa các chính sách này và dự kiến có một số chính sách có thể hỗ trợ được như: Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trực tiếp trong khu vực, trong KCN mà những doanh nghiệp đang đóng trên địa bàn đó. Chúng tôi có thể có những chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng có thể có những chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu và phát triển (R&D) trên lãnh thổ Việt Nam và những chính sách khác phù hợp với cam kết của Việt Nam trong hội nhập quốc tế và cũng thỏa mãn những doanh nghiệp FDI mà chúng ta có sự thay đổi về thuế toàn cầu", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi thông tin.
Dự kiến Bộ Tài chính cùng với Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành liên quan sớm báo cáo Chính phủ cũng như các cơ quan có thẩm quyền khác để sớm chủ động vừa đảm bảo tài chính Việt Nam vừa đảm bảo môi trường tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là nhà đầu tư lớn, đem đến Việt Nam những công nghệ tiên tiến và công nghệ cao trong thời gian tới./.
VOV