Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu: Cơ hội thu thêm hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế
Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo điều kiện trong thu hút đầu tư và cơ hội thu thêm hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế từ các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
- 18-04-2023Việt Nam đang vay nợ của nước nào nhiều nhất?
- 18-04-2023Vì sao gần 430.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ?
- 18-04-2023Sẵn sàng khai thác tuyến bay Quảng Ninh - Cần Thơ
Hiện có khoảng 1.017 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có ít nhất trên 100 doanh nghiệp lớn có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu nếu áp dụng từ năm 2024. Liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu và cơ hội cũng như thách thức của Việt Nam khi tham gia thuế tối thiểu toàn cầu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh đã có cuộc trao đổi với báo chí về chính sách thuế này.
PV: Thưa Phó Tổng cục trưởng, xin ông cho biết thông tin cụ thể về thuế tối thiểu toàn cầu và những tác động của chính sách thuế này đến Việt Nam?
Ông Đặng Ngọc Minh : Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng. Theo đó, các doanh nghiệp có doanh thu từ 750 triệu EUR trở lên sẽ chịu mức thuế suất tối thiểu 15%. Nhiều nước OECD tuyên bố sẽ thực hiện quy tắc thuế mới này từ đầu năm 2024.
Chương trình thuế tối thiểu toàn cầu cho phép các nước đầu tư nơi đặt trụ sở chính của công ty mẹ có quyền đánh thuế đối với thu nhập toàn cầu đến mức thuế suất 15%. Theo đó, chính sách ưu đãi của các nước nhận đầu tư và nước đang phát triển như Việt Nam thì có sự điều chỉnh kịp thời trong chính sách.
Đối với Việt Nam là nước tiếp nhận đầu tư, toàn quốc hiện có 36.500 dự án đầu tư với tổng số vốn của các nhà đầu tư nước ngoài đạt 435 tỷ USD, qua đánh giá của Tổng cục Thuế, sẽ có khoảng 1.017 doanh nghiệp (DN) chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu trong mạng lưới của các tập đoàn đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam.
Trong đó, đặc biệt có 335 DN có mức đầu tư trên 100 triệu USD và có mạng lưới các DN phụ trợ đi theo đang hoạt động tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư trên 130 tỷ USD chiếm khoảng 30% tổng vốn đâu tư tại Việt Nam. Kèm theo các DN này sẽ có hàng nghìn DN vệ tinh, phụ trợ đi theo sẽ bị ảnh hưởng nếu các tập đoàn có điều chỉnh chính sách đầu tư.
Theo số liệu thống kê năm 2022, các DN FDI đang nộp thuế thu nhập DN khoảng trên 110.000 tỷ đồng thuế TNDN, số thuế bị tác động các nước phát triển truy thu khoảng từ 12.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng.
PV: Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá... của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Vậy theo ông, Việt Nam cần có giải pháp gì để có thể đảm bảo vừa thu được thuế vừa đảm bảo môi trường đầu tư để có thể thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài?
Ông Đặng Ngọc Minh : Trước những dự báo tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam, trong thời gian vừa qua, Tổng cục Thuế được Chính phủ, Bộ Tài chính giao nhiệm vụ đánh giá và đề xuất các giải pháp để ứng phó.
Trước mắt, đề xuất quyền các cấp có thẩm quyền ban hành thuế suất thuế thu nhập bổ sung đối với các DN chịu sự tác động của chương trình thuế Thuế tối thiểu toàn cầu để đảm bảo quyền đánh thuế của Việt Nam là nước nhận đầu tư.
Về lâu dài, Chính phủ cần trình Quốc hội kịp thời sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, cho phép Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đối với DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài như các tập đoàn trong lĩnh vực dầu khí, viễn thông, ngân hàng.
Đồng thời, quyền đánh thuế của Việt Nam với tư cách là nơi phát sinh thu nhập đối với các khoản lãi tiền vay, thu nhập từ bản quyền đến mức 9% theo hiệp định đa phương dự kiến thông qua trong năm nay.
Ngoài các giải pháp về thuế, điều quan trọng các DN đầu tư nước ngoài quan tâm đó là Việt Nam cần có điều chỉnh về chính sách thay vì áp dụng biện pháp ưu đãi, miễn giảm thông qua giảm thuế, miễn thuế hay áp dụng thuế suất thấp trong toàn bộ thời gian của dự án.
PV: Thưa ông, như vậy Việt Nam cần áp dụng mức thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu chung là 15% và đồng thời sẽ sử dụng các biện pháp hỗ trợ tài chính cho DN quy định tại Luật Đầu tư và các Luật chuyên ngành?
Ông Đặng Ngọc Minh : Đúng vậy, nhưng để làm được điều này thì Bộ Tài chính cần sự phối hợp của các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương để rà soát quy định hỗ trợ cho DN như: hỗ trợ qua cơ sở hạ tầng, hỗ trợ mua sắm tài sản cố định, đầu tư ban đầu cho DN, xây dựng nhà ở cho công nhân, chi phí đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động đối với DN sử dụng nhiều lao động, chi phí nghiên cứu phát triển cùa các tập đoàn công nghệ.
Tất cả các quy định hỗ trợ DN khi xây dựng phải tuân thủ theo quy định chung của chương trình thuế tối thiểu toàn cầu, các quy định bảo hộ đầu tư, Hiệp định thương mại tư do WTO để đảm bảo chính sách của Việt Nam đưa ra tuân thủ theo quy định quốc tế và cam kết của Việt Nam với các nhà đầu tư.
PV: Xin cảm ơn ông! ./.
VOV