Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu: Việt Nam cần làm gì để duy trì tính cạnh tranh?
Thuế tối thiểu toàn cầu đang là chủ đề “nóng” được các doanh nghiệp FDI quan tâm vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh doanh ở Việt Nam. Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, Việt Nam cần chủ động giành quyền đánh thuế, đồng thời tạo môi trường đầu tư thuận lợi để đảm bảo cạnh tranh hiệu quả trong thu hút vốn FDI.
- 20-04-2023Giảm thuế VAT 2%: Liều "doping" cho nền kinh tế, doanh nghiệp
- 19-04-2023Đề nghị khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp
- 19-04-2023Thực thi thuế tối thiểu toàn cầu: 70 doanh nghiệp FDI sẽ phải nộp thêm 12.000 tỷ đồng tiền thuế năm 2024
Thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng, hiện đã được 143 quốc gia đồng thuận. Với loại thuế này, doanh nghiệp (DN) có doanh thu từ 750 triệu euro (tương đương 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất đều phải đóng mức thuế là 15%. Khi các DN đi đầu tư ở nước ngoài mà nộp thuế thu nhập tại nước đầu tư dưới mức 15% thì sẽ phải nộp phần chênh lệch tại nước nơi họ có trụ sở chính.
Doanh nghiệp FDI lo lắng
Là một trong những quốc gia chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam cho biết, việc thuế tối thiểu toàn cầu được triển khai áp dụng sẽ khiến chính sách miễn, giảm thuế của Việt Nam không còn phát huy tác dụng đối với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thậm chí còn đem lại ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Cụ thể, khi thuế suất này được áp dụng, các công ty đang hưởng ưu đãi thuế của chính sách thu hút đầu tư tại Việt Nam sẽ phải nộp bổ sung lên mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% tại quốc gia có công ty mẹ đặt trụ sở. Điều này làm tăng gánh nặng tài chính về thuế cho tập đoàn, làm ảnh hưởng đến việc hoạch định tài chính và chiến lược kinh doanh của các công ty, trực tiếp làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
“Khó khăn thậm chí còn lớn hơn với các tập đoàn đang đặt cứ điểm sản xuất tại các nước thu hút đầu tư bằng ưu đãi thuế thu nhập DN. Đối với những quốc gia đã và đang áp dụng đa dạng chính sách thu hút đầu tư như ưu đãi thuế thu nhập DN và ưu đãi dựa trên chi phí sẽ bị ảnh hưởng ít hơn”, ông Choi Joo Ho cho biết.
Theo lãnh đạo của Samsung Việt Nam, Việt Nam cũng được coi là cứ điểm sản xuất quan trọng của Samsung. Tuy nhiên, dự kiến từ 2024, Samsung và nhiều công ty lớn khác sẽ chính thức trở thành doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Vì vậy, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam đề xuất cần xây dựng các hình thức hỗ trợ mới để bù đắp cho các doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng do áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
“Chính phủ Việt Nam cần đưa ra những quyết đoán trong quá trình ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu này. Việt Nam cần xây dựng hình thức hỗ trợ nhằm bù đắp cho DN FDI bị ảnh hưởng do áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Phương án triển khai hình thức hỗ trợ này sẽ tùy theo đặc điểm của từng loại hình DN để có tiêu chuẩn áp dụng kèm theo”, ông Choi Joo Ho kiến nghị.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Bộ phận đối ngoại và Trách nhiệm xã hội, Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết, Canon là một trong những doanh nghiệp chịu sự tác động bởi vì trụ cột hai trong chính sách thuế toàn cầu sắp tới Việt Nam đã ký kết và sẽ thực hiện. Ưu đãi thuế là một trong những yếu tố quan trọng trong việc duy trì sản xuất quy mô lớn tại Việt Nam. Tập đoàn thường xem xét khả năng, chi phí, tính hiệu quả ở các nước để cân nhắc về vốn đầu tư, số sản lượng.
“Canon kiến nghị Chính phủ trước tiên là sẽ áp dụng chế độ QDMTT và Việt Nam sẽ giành được quyền ưu tiên đánh thuế trước, song song với đó sẽ có những chính sách để hỗ trợ bù đắp cho các doanh nghiệp mà họ sẽ phải nộp phần thuế chênh sau khi thực hiện QDMTT để vừa đảm bảo chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ Việt Nam, đồng thời không gây xáo trộn cho các doanh nghiệp trong quá trình quyết định đầu tư”, bà Nguyễn Thị Thu Huyền đề nghị.
Cân nhắc giải pháp hỗ trợ phù hợp
Ông Robert King, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam cho rằng, khi các công cụ ưu đãi về thuế không còn phát huy hiệu quả, Việt Nam cần có biện pháp hỗ trợ để duy trì tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, việc hỗ trợ bằng tiền cần hết sức cân nhắc bởi có thể không phù hợp với quy tắc áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu.
Ông Robert King đề xuất, Chính phủ nên hỗ trợ trực tiếp vào các chi phí đầu tư, chi phí nghiên cứu và phát triển cũng như hỗ trợ sản xuất những sản phẩm được ưu tiên thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, hỗ trợ chi phí đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, các hoạt động giảm phát thải nhằm khuyến khích bảo vệ môi trường.
“Trong thời điểm kinh tế suy thoái, có thể xem xét việc hỗ trợ các chi phí liên quan đến phúc lợi cho nhân viên như chi phí xây dựng ký túc xá, nhà trẻ, trạm y tế phục vụ cho công nhân tại các khu công nghiệp. Ngoài ra, có thể xem xét hỗ trợ các khoản chi phí để giảm giá thành sản xuất như hỗ trợ tiền điện, tiền xe đưa đón công nhân”, ông Robert King nêu ý kiến.
Còn theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, ưu đãi thuế vẫn luôn là một trong những công cụ quan trọng thu hút đầu các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Nhưng khi áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15% thì chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở cả tính hồi tố với các tập đoàn lớn thuộc điều chỉnh thuế suất tối thiểu và cả các tập đoàn mới chuẩn bị chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư.
Do đó, Việt Nam cần thực hiện sớm thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng cũng phải tìm cách điều chỉnh chính sách ưu đãi khác tương thích để vừa đảm bảo quyền đánh thuế, vừa ít tác động nhất đến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam.
“Các cơ quan quản lý cân nhắc giải pháp áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT) để giành quyền thu phần thuế bổ sung trước các quốc gia khác như một số quốc gia trong khu vực đang áp dụng như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines”, bà Cúc khuyến nghị.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn để bù đắp một phần cho doanh nghiệp; chú trọng nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam, qua đó giảm thiểu, tiến tới loại bỏ hoàn toàn các chi phí ngầm mà các doanh nghiệp đang gánh chịu. Ngoài ra, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công, đảm bảo thông thoáng, rõ ràng minh bạch, thống nhất, dễ hiểu, dễ làm… giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí quản lý, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
“Khảo sát từ nhiều doanh nghiệp nước ngoài cho thấy, các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam không chỉ vì được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà quan trọng hơn là các yếu tố về lực lượng lao động, vị trí địa lý. Thay vì ưu đãi thuế chưa hợp lý, việc cắt giảm các chi phí như vận chuyển, cấp quyền khai thác mỏ… sẽ mang lại giá trị gia tăng tốt hơn cho môi trường đầu tư Việt Nam”, bà Cúc nói./.
VOV