MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm thuế VAT 2%: Liều "doping" cho nền kinh tế, doanh nghiệp

Trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% sẽ có tác dụng rất lớn tới tổng cầu cũng như tổng thu của nền kinh tế. Chính sách này được ví như liều "doping" cho nền kinh tế, doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái thay mặt Chính phủ chấp thuận đề xuất phương án giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đối với tất cả các loại mặt hàng theo đề xuất của Bộ Tài chính. Đồng thời, yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua theo thể thức rút gọn quy trình.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử VOV, GS. TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, hiện nay, nền kinh tế đang đứng trước nhiều thách thức, thể hiện rất rõ trong việc tăng trưởng quý I chỉ trên 3%, doanh nghiệp đang bị khó khăn tứ bề, do đó, việc giảm thuế VAT 2% sẽ có tác dụng rất lớn, tác động tới tổng cầu, người tiêu dùng có thể trả một mức chi phí thấp hơn, doanh nghiệp điểm cũng trả chi phí đầu vào thấp hơn.

Giảm thuế VAT 2%: Liều "doping" cho nền kinh tế, doanh nghiệp - Ảnh 1.

Chính phủ chấp thuận đề xuất phương án giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đối với tất cả các loại mặt hàng (Ảnh minh họa: KT)

“Chính sách giảm thuế VAT vừa có tác dụng tới tổng cầu vừa tác dụng tới cả tổng thu. Đây là một chính sách hợp lý, cần duy trì trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế hiện nay”, GS. TS. Trần Thọ Đạt nhận định.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho biết, tại thời điểm này, chính sách giảm thuế VAT là rất cần thiết đối với doanh nghiệp và người dân khi trong quý I/2023 tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp rất khó khăn, số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động liên tục tăng lên… Do vậy, việc tiếp tục giảm thuế VAT sẽ mang lại kết quả tích cực, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tái sản xuất.

Giảm thuế VAT 2%: Liều "doping" cho nền kinh tế, doanh nghiệp - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam

“Thuế VAT nằm trong giá, khi giảm 2% thuế VAT sẽ giảm giá bán hàng hóa dịch vụ, kích thích tiêu dùng, giúp doanh nghiệp bán được nhiều hàng hơn. Đối với doanh nghiệp sản xuất sử dụng nguyên vật liệu đầu vào được giảm thuế sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, kích thích sản xuất”, bà Cúc nói.

Đồng thời, đại diện Hiệp hội tư vấn thuế cho rằng, giảm thuế VAT trong năm 2023 sẽ ngắn hơn các năm trước 2022, 2021, do đó không thể giữ quy định giảm 2% thuế VAT đối với một số mặt hàng, và loại trừ một số mặt hàng khác như năm 2022 được mà phải thực hiện toàn bộ mặt hàng đang là đối tượng chịu thuế VAT là 10%.

"Nếu gia hạn chính sách như năm 2022, cho giảm 2% thuế VAT đối với một số mặt hàng và loại trừ một số mặt hàng, sẽ không khác gì "hành" doanh nghiệp. Vì vậy, chúng tôi ủng hộ phương án giảm toàn bộ 2% thuế VAT đối với toàn bộ mặt hàng đang chịu thuế VAT 10%", bà Cúc nhấn mạnh.

Theo đánh giá tác động của Bộ Tài chính, nếu Quốc hội thông qua giảm thuế VAT 2% (dự kiến thông qua kỳ họp vào tháng 6/2023), thu ngân sách 6 tháng cuối năm có thể giảm 35.000 tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ USD, nhưng mặt được lợi có thể sẽ là lớn hơn nhiều. Bởi nếu tính số tuyệt đối thì thuế VAT có thể giảm, nhưng giảm thuế VAT sẽ giúp tăng thu các khoản thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiêu dùng tăng cao, kích thích mua sắm… từ đó kích thích nền kinh tế. Đó là mặt lợi của chính sách.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% cho toàn bộ mặt hàng chịu thuế 10% là điều nên làm, song quy trình thủ tục cần nhanh gọn, cụ thể. Càng chi tiết, càng đơn giản và mở rộng điều kiện thuế càng có lợi cho doanh nghiệp và quản lý.

Nhìn nhận về cơ hội cho nền kinh tế khi thuế VAT được đề xuất giảm thêm 2% đến cuối năm 2023, ông Phụng cho rằng: “Chắc chắn tác động tổng thể lên nền kinh tế, tăng thu từ tăng thuế thu nhập doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng, hạ giá sản phẩm. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi doanh nghiệp đang khó khăn, vì vậy việc giảm thuế sẽ có ý nghĩa như liều "doping" cho nền kinh tế, doanh nghiệp”.

Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất, năm 2023, giảm 2% mức thuế suất thuế VAT với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính VAT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%.

Bộ Tài chính cho rằng, phương án này nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước cũng như nền kinh tế. Về thời gian áp dụng: kể từ khi chính sách được ban hành đến hết ngày 31/12/2023.

Theo kiến nghị của Bộ Tài chính, giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%.

Về mức giảm thuế giá trị gia tăng, cơ sở kinh doanh được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này.

Việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.

Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng./.

Theo Cẩm Tú

VOV

Trở lên trên