AP: Giữa khủng hoảng khí đốt ở châu Âu, hai quốc gia Iberia trở thành "đảo năng lượng"
Theo AP, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang dẫn đầu về năng lượng tái tạo, và hai quốc gia này đang sắp hưởng lợi từ các khoản đầu tư dài hạn vào khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
- 16-04-2022Canh bạc cuộc đời của nhà sáng lập Twitter Jack Dorsey: Dứt bỏ "con cưng" đi theo niềm đam mê cuồng dại với Bitcoin
- 15-04-2022Cánh cổng bí ẩn nhất Tử Cấm Thành: Hàng trăm năm duy nhất 1 người bước qua, phía sau là sự thật đáng buồn
- 15-04-2022Elon Musk và Hoàng tử Ả rập đấu khẩu về thương vụ mua đứt Twitter
Theo hãng tin AP (Mỹ), trong bối cảnh hỗn loạn trên thị trường năng lượng thế giới hiện tại, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã nổi lên ở vị trí có lợi về mặt chiến lược như những "đảo năng lượng" của châu Âu, do sự phụ thuộc tương đối thấp vào nguồn khí đốt tự nhiên của Nga.
Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang dẫn đầu về năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió và thủy điện. Hiện nay, cả hai quốc gia này đang chuẩn bị hưởng lợi từ các khoản đầu tư dài hạn vào khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Hai nước láng giềng trên bán đảo Iberia này có 6 nhà máy LNG ở Tây Ban Nha - bao gồm nhà máy LNG lớn nhất châu Âu ở Barcelona - và một nhà máy LNG ở Bồ Đào Nha, chiếm 1/3 công suất xử lý LNG của cả châu Âu. Các nhà máy này dựa trên cơ sở hạ tầng đầu cuối là các bến cảng sẽ chuyển hóa LNG siêu lạnh trên tàu thành khí đốt tự nhiên, rồi dẫn vào các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh.
Cuộc khủng hoảng năng lượng lần này cũng cho thấy, mặc dù Liên minh châu Âu (EU) là thị trường chung của 27 quốc gia, nhưng trong hệ thống phân phối năng lượng của EU vẫn có những nút thắt lớn.
Thiếu liên kết năng lượng giữa Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và phần còn lại của châu Âu là lý do dẫn đến sự thay đổi chưa từng có trong chính sách của EU mới đây. EU đã cho phép các quốc gia Iberia thiết lập cơ chế kiểm soát giá của riêng họ để đối phó với chi phí năng lượng tăng cao trên khắp lục địa này.
Theo AP, sự biệt lập tương đối giữa hai nước này với thị trường EU tạo ra cái mà chính phủ của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez gọi là "đảo năng lượng".
Về mặt lý thuyết, LNG dành cho Tây Ban Nha có thể được vận chuyển đến Pháp - nước láng giềng phía đông đang có nhu cầu lớn hơn, nhưng để đến được đó không hề dễ dàng.
Theo số liệu của Enagas - công ty điều hành mạng lưới khí đốt tự nhiên của Tây Ban Nha, nước này và Pháp có chung 2 đường ống dẫn khí đốt nhỏ, mỗi tháng có thể vận chuyển lượng LNG trên 7 tàu. Trong khi đó, Tây Ban Nha đã nhận khí đốt từ 27 tàu tại các bến cảng vào tháng 3, ngoài ra còn vận chuyển khí đốt tự nhiên qua đường ống dẫn khí của Algeria.
Theo hãng tin AP, Madrid và Brussels đang thảo luận về việc khởi động lại kế hoạch xây dựng một đường ống lớn hơn dẫn khí đốt và năng lượng hydro xanh qua dãy núi Pyrenees giữa Pháp với bán đảo Iberia. Nhưng ngay cả khi kế hoạch này nhận được tài trợ thì cũng phải mất nhiều năm mới có thể bắt đầu triển khai. Pháp vẫn cần hành động nhiều hơn để đưa được khí đốt đến những nơi đang thực sự cần.
Claudio Rodrguez - phát ngôn viên của Enagas - cho biết, các bến cảng nhận LNG ở Tây Ban Nha có thể được sử dụng để vận chuyển LNG đến các cảng khác của châu Âu nhằm "tăng cường hệ thống khí đốt và năng lượng của châu Âu".
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhất trí rằng, nếu EU muốn tự chủ về năng lượng, thì phải tăng cường các mối quan hệ trong khối.
Gonzalo Escribeano - nhà phân tích năng lượng và khí hậu tại Viện Elcano, một tổ chức tư vấn của Tây Ban Nha - cho biết: "Tây Ban Nha là một phần của giải pháp. Nhiều năm qua, Tây Ban Nha đã cảnh báo các quốc gia thành viên khác về sự phụ thuộc của họ vào Nga... (Bây giờ) muốn "ngắt van" của Nga, nhưng không hề đơn giản".
Trí thức trẻ