MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Áp lực đè lên vai tân Chủ tịch Vietnam Airlines: Mừng 1, lo 20

17-08-2020 - 17:20 PM | Doanh nghiệp

Trong số tất cả những khó khăn mà Vietnam Airlines đang gặp phải, một điểm sáng tại thời điểm chuyển giao năm nay đó là sự chuyển động của một bộ máy cồng kềnh.

Năm 2020 là năm bản lề của Vietnam Airlines khi HĐQT bắt đầu nhiệm kỳ mới 2020-2025. Cựu Chủ tịch Phạm Ngọc Minh nghỉ hưu, tân Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa và một thành viên HĐQT mới được bầu là ông Lê Hồng Hà, hai Phó Tổng giám đốc của Vietnam Airlines cùng sinh năm 1972 sẽ là luồng gió mới đưa con tàu Vietnam Airlines vượt bão.

Nhưng năm chuyển giao thế hệ lại là một năm khó khăn nhất từ trước tới nay của Vietnam Airlines do tác động của dịch Covid-19.

Chia sẻ với báo giới trong lần đầu tiên ra mắt tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa chia sẻ: "Cảm xúc rất khó tả, mừng 1 nhưng lo lắng thì 20, 30, suy nghĩ làm sao đưa Tổng công ty vượt qua đại dịch, làm thế nào để tiếp bước thế hệ đàn anh đi trước đưa con thuyền Vietnam Airlines phục hồi và phát triển. Trong môi trường đại dịch Covid-19 bất định, chúng tôi đã lên sẵn các kế hoạch sản xuất kinh doanh tính theo các kịch bản đã đề ra, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, tôi tin rằng với bản lĩnh và sự đoàn kết, với niềm tự hào là hãng hàng không quốc gia chắc chắn sẽ vượt qua".

Áp lực đè lên vai tân Chủ tịch Vietnam Airlines: Mừng 1, lo 20 - Ảnh 1.

Các thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới

Bài toán nợ vay và thanh khoản

Tân Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa nhận nhiệm vụ trong bối cảnh khó khăn tài chính đang bủa vây Vietnam Airlines. Covid-19 đã làm đảo lộn hành vi tiêu dùng của cả thế giới, chưa khi nào ngành hàng không khó khăn như hiện nay.

Báo cáo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), ngành hàng không khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ chịu ảnh hưởng nặng nền nhất bởi Covid-19, có thể lỗ lên tới 29 tỷ USD trong năm 2020, bằng 1/3 mức lỗ của ngành hàng không toàn cầu là 84,3 tỷ USD. Theo IATA, nhu cầu của hành khách (tính theo chỉ số khách luân chuyển RPK – revenue passenger kilometers) sẽ giảm 53,8% trong năm nay, trong khi đó, sản lượng khai thác (ASK – available seats kilometers – ghế.km) sẽ giảm 39,2%. Tính riêng tại thị trường Việt Nam, IATA cho rằng doanh thu của ngành hàng không năm 2020 có thể mất khoảng hơn 4 tỷ USD.

Áp lực đè lên vai tân Chủ tịch Vietnam Airlines: Mừng 1, lo 20 - Ảnh 2.

Tác động của Covid với doanh thu và sản lượng hành khách đối với ngành hàng không các nước Châu Á Thái Bình Dương (nguồn: IATA)

Ông Conrad Clifford, Phó Chủ tịch IATA Khu vực Châu Á Thái Bình Dương đánh giá 2020 là năm tồi tệ nhất trong lịch sử ngành hàng không từ trước đến nay và đặt các hãng hàng không vào tình thế sống còn. "Sẽ phải mất một vài năm để ngành hàng không trở lại mức năm 2019", Phó Chủ tịch IATA Châu Á Thái Bình Dương cho rằng trước mắt Chính phủ các nước cần tiếp tục hỗ trợ và cứu trợ tài chính cho các hãng hàng không.

Quay lại với câu chuyện của Vietnam Airlines. Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 40.586 tỷ đồng, giảm 40,5% so với thực hiện năm 2019 và lỗ sau thuế 15.177 tỷ đồng, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, lỗ sau thuế của Vietnam Airlines 6.642 tỷ đồng.

Ở tình hình hiện tại, theo ông Đặng Ngọc Hòa, bên cạnh các giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoạt động khai thác và hành khách khi đi máy bay, để đảm bảo an toàn tài chính, Tổng công ty đẩy mạnh tìm kiếm các cơ hội khai thác hàng hóa, thuê chuyến, tận dụng cơ hội tăng doanh thu và tiếp tục cắt giảm triệt để chi phí để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Lãnh đạo tự nguyện đi làm không hưởng lương, mạnh mẽ đàm phán, giãn hoãn và giảm các chi phí cố định như thuê tàu bay, các chi phí liên quan hoạt động bảo dưỡng sửa chữa. …

Nhưng quan trọng hơn cả, theo ông Hòa, việc đầu tiên khi nhận nhiệm vụ mới là làm sao động viên toàn thể cán bộ nhân viên (phi công, tiếp viên..) đoàn kết đồng lòng vượt qua đại dịch.

Bài toán bảo toàn nhân lực chờ phục hồi

Khó khăn tài chính khiến Vietnam Airlines quyết định giảm thu nhập bình quân của phi công xuống còn 77 triệu đồng/tháng, giảm 48% so với năm 2019. Thu nhập của tiếp viên và lao động mặt đất giảm lần lượt 52% (13,8 triệu đồng/tháng) và 55,5% (14 triệu đồng/tháng).

Tổng giám đốc Dương Trí Thành tại ĐHCĐ cho biết, trong giai đoạn tháng 5,6,7 khi cả nước hồ hởi vì Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh thì Vietnam Airlines thường xuyên có khoảng vài trăm người phải cách ly theo quy định của Chính phủ và Bộ Y Tế vì phục vụ trên các chuyến bay đưa người Việt từ các nước hồi hương.

Áp lực đè lên vai tân Chủ tịch Vietnam Airlines: Mừng 1, lo 20 - Ảnh 3.

"Áp lực rất lớn", ông Thành phát biểu.

Khi sản lượng bay phục hồi vào tháng 6,7 các phi công phải san sẻ giờ bay cho nhau, trước một tháng bay 80-90 giờ thì giảm còn 40-50 giờ, để đảm bảo quy định về yêu cầu tối thiểu của ngành hàng không đối với phi công.

Nếu kéo dài tình trạng này, thì đó là vấn đề rất lớn, làm sao tiết giảm chi phí phù hợp nhưng vẫn phải giữ nguồn lao động để chờ cơ hội phục hồi. Nguồn lực quan trọng nhất của Vietnam Airlines là phi công, trong số 1.200 phi công thì có 300 phi công là người nước ngoài đã cho nghỉ lao động, các phi công Việt giảm giờ bay một nửa, do đó thu nhập giảm 60-80%.

"Lương khi công không còn con số 300-400 triệu/tháng nữa mà còn vài chục triệu, phi công nước ngoài trước đây hưởng lương cao hơn rất nhiều thì giờ hưởng lương Việt Nam. Đây là thời chiến của quý 2 và quý 3. Sang năm, chúng tôi đánh giá phải đối diện khó khăn rất lớn, làm sao phải bố trí tinh gọn đảm bảo hiệu quả, nuôi quân vượt qua khó khăn để phục hồi", ông Thành chia sẻ.

Tại ĐHCĐ lần này, Vietnam Airlines trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi 685,9 tỷ đồng trên tổng số 2.418 tỷ lợi nhuận chưa phân phối năm 2019 để coi như một phần dự trữ cho năm 2021-2022. Các năm trước, do là Tổng công ty nhà nước, toàn bộ lợi nhuận của Vietnam Airlines nộp về nhà nước. Theo lời ông Thành, 5 năm qua Vietnam Airlines nộp ngân sách 26.000 tỷ đồng, ở thời điểm gặp khó khăn Vietnam Airlines kỳ vọng sẽ được Chính phủ thông qua phương án hỗ trợ thanh khoản. Theo phương án trình lên, VNA sẽ vay 4.000 tỷ và tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng.

Trong số tất cả những khó khăn mà Vietnam Airlines đang gặp phải, một điểm sáng tại thời điểm chuyển giao năm nay đó là sự chuyển động của một bộ máy cồng kềnh. Trong 3 tháng khi làn sóng Covid lần 1 vừa chấm dứt, Vietnam Airlines mở mới 18 đường bay nội địa, trong khi trước kia phải mất 6 tháng làm báo cáo và nghiên cứu thị trường để ra đường bay mới. 

Mô hình quản trị tổng công ty nhà nước đang được chuyển sang thành mô hình hiện đại của công công ty đại chúng, mô hình các khối thay cho các ban giàn trải để khắc phục khó khăn cố hữu của công ty Nhà nước.

Trong những thay đổi ấy, VNA kiên định với mục tiêu là hãng hàng không quốc gia dẫn đầu thị trường.

Châu Cao

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên