MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Áp lực giải chấp 'đè nặng' chứng khoán Việt

Mặc dù VN-Index đã chiết khấu khá sâu so với đầu năm và có thời điểm lùi về sát mốc 900 điểm, song áp lực "call margin" hay "forced sell" vẫn đang đè nặng lên tâm lý toàn thị trường.

Tự nhận là nhà đầu tư trung thành của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) và từng thắng lớn khi cổ phiếu này lên đỉnh gần 100.000 đồng vào giữa năm ngoái. Ông Tiến đã liên tục rót thêm tiền vào tài khoản để gom cổ phiếu này khi giá về dưới 40.000 đồng, bởi "đây là cổ phiếu nền tảng cơ bản tốt". Dù vậy, thị giá cổ phiếu nhóm ngành bất động sản đã tiếp tục trượt dài, đẩy những nhà đầu tư như ông Tiến vào tình thế rất khó khăn.

Đà giảm của nhóm cổ phiếu bất động sản không quá khó hiểu khi làn sóng "call margin" lãnh đạo doanh nghiệp vẫn chưa có hồi kết trong bối cảnh nhiều cổ phiếu đã mất giá trên 50%, thậm chí là 70 - 80% từ đỉnh. Điều này là do các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ việc siết chặt thị trường trái phiếu và room tín dụng ngân hàng, nay càng chật vật để xoay tiền cân nguồn vay từ các công ty chứng khoán.

Dù vậy, cần nhấn mạnh rằng cổ phiếu bất động sản chỉ là một yếu tố tác động lên đà giảm của chứng khoán Việt bởi dòng tiền trên thị trường vốn hoạt động theo nguyên lý "bình thông nhau", khi trong cùng một danh mục sử dụng margin có nhiều cổ phiếu giảm giá mạnh thì danh mục đó sẽ đối mặt với rủi ro bán giải chấp, và khi cổ phiếu này không bán được thì sẽ phải bán cổ phiếu khác để đảm bảo tỷ lệ, hay còn gọi là call margin chéo.

Như phiên 15/11, nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục tình trạng nằm sàn, trắng bên mua dẫn đến các nhóm cổ phiếu khác như ngân hàng, chứng khoán, thép, dầu khí, năng lượng cũng bị vạ lây, áp lực bán dâng cao và phải nằm sàn theo. Diễn biến này đẩy VN-Index lùi xuống 911,9 điểm, tương ứng giảm 39% so với đầu năm và là chỉ số giảm mạnh nhất trên thế giới. Hiện tại, hàng loạt cổ phiếu đã ghi nhận thị giá giảm trên 50%, kể cả các mã trong rổ chỉ số VN30, thậm chí đã có những nhà đầu tư âm đến 90% tài sản, buộc phải bán đi những tài sản khác để cứu lấy danh mục của mình.

Tình trạng bán tháo xảy ra trong 6 tuần liên tiếp khiến tâm lý nhà đầu tư ngày càng tiêu cực, tê liệt, trong khi bên cầm tiền duy trì tâm lý chờ đợi giá giảm thêm dù đa số cổ phiếu được đánh giá hấp dẫn. Chưa kể, dòng tiền trên thị trường còn phải cạnh tranh trực tiếp với lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng. Dẫn đến thanh khoản bình quân toàn thị trường từ đầu tháng 11 đến nay còn 11.500 tỷ đồng/phiên, chỉ bằng một phần ba so với giai đoạn đầu năm 2022.

Bên cạnh yếu tố về thanh khoản, số lượng tài khoản mới giảm sâu cũng là tín hiệu cho thấy sức hút của thị trường chứng khoán hạ nhiệt đáng kể. Riêng trong tháng 10 chỉ đón hơn 96.290 tài khoản mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước gia nhập, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.

Động thái mua ròng của khối ngoại có lẽ là điểm sáng nổi bật nhất và là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho thị trường lúc này khi ghi nhận chuỗi mua ròng 7 phiên liên tục, 4 phiên gần đây quy mô tăng mạnh trên 1.000 tỷ đồng.

Theo TS. Cấn Văn Lực, có nhiều nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sụt giảm mạnh và diễn biến tiêu cực thời gian qua bất chấp các con số tăng trưởng vĩ mô tích cực, một trong số đó là áp lực giải chấp.

Dẫn số liệu của Fiinpro, TS. Cấn Văn Lực cho biết dư nợ cho vay ký quỹ của các CTCK tính đến cuối quý 3/2022 ở mức 165.000 tỷ đồng, con số này mặc dù giảm 18% so với cuối năm 2021, song vẫn là mức khá cao so với giai đoạn trước năm 2019.

"Với lãi suất tăng, nghĩa vụ trả nợ tăng, giá cổ phiếu giảm mạnh, một số nhà đầu tư sở hữu nhiều cổ phiếu đã phải bán giải chấp (hiện tượng force sell) để bù đắp phần sụt giảm của giá cổ phiếu dùng thế chấp cho các khoản vay ký quỹ, cũng là để hạ tỷ lệ nợ về mức an toàn theo quy định", TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Cùng chung quan điểm, SGI Captial cho rằng nếu không có hỗ trợ kịp thời, trong tháng tới thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục chịu nhiều áp lực do dòng tiền hạn chế từ áp lực đáo hạn trái phiếu, call margin, và triển vọng tăng trưởng xấu đi.

"Điểm mấu chốt là khi nào NHNN cùng Chính phủ có những thay đổi trong chính sách tiền tệ để hỗ trợ thanh khoản hệ thống, ổn định lãi suất, tỷ giá, lấy lại niềm tin trong thị trường trái phiếu và thị trường tài chính nói chung", SGI Capital nhấn mạnh.

Trong bối cảnh hiện nay, VNDirect khuyến nghị nhà đầu tư nên giữ bình tĩnh, tránh hoảng loạn và bán tháo cổ phiếu bằng mọi giá do P/E (hệ số giá trên lợi nhuận 1 cổ phiếu) của VN-Index đã về dưới 10 lần, thấp nhất kể từ năm 2012. Tỷ lệ giá trên sổ sách (P/B) của nhiều cổ phiếu doanh nghiệp lớn đã rơi xuống mức 0,7 - 0,8 lần, trong khi bức tranh kết quả kinh doanh quý 3/2022 và dự báo quý 4/2022 của các doanh nghiệp niêm yết lại không quá tệ như những diễn biến trên thị trường chứng khoán gần đây.

Do vậy, nhóm phân tích này kỳ vọng thị trường sẽ phân hóa lớn và có những dòng cổ phiếu tạo đáy trước.

Còn theo SHS, thị trường đang chịu áp lực bán tương đương thời điểm khủng hoảng do đại dịch COVID tháng 3/2020 cùng với những biến động vĩ mô liên quan đến lãi suất, tỷ giá, thị trường trái phiếu... dẫn tới việc khó xác định liệu thị trường đã hình thành đáy dài hạn hay chưa. Vì vậy, nhà đầu tư duy trì tỷ trọng thấp, chờ thị trường chung ổn định trở lại. Có thể xem xét, lên lại danh mục theo dõi đầu tư. Ưu tiên các mã cơ bản tốt, tỉ trọng tiền mặt cao, các mã ít chịu ảnh hưởng từ diễn biến của tình hình trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.

Mặc dù cho rằng dự đoán đáy của thị trường là quá khó trong thời điểm này, nhưng ACBS cho rằng mức định giá thấp so với lịch sử có thể đem lại lợi suất hấp dẫn cho nhà đầu tư dài hạn. Bởi nhóm phân tích này tin rằng thị trường niêm yết của Việt Nam có vị thế tốt để tiếp tục phát triển song song với nền kinh tế nói chung. Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cao đến từ nền tảng kinh tế vĩ mô với triển vọng lạc quan trong dài hạn và sức khỏe tài chính của các công ty niêm yết. Mặt khác, làn sóng xử lý vi phạm trên thị trường dù có đem lại một số khó khăn trong ngắn hạn, song sẽ có lợi cho sự phát triển bền vững lâu dài của thị trường.

Theo Khánh An

Nhà đầu tư

Trở lên trên