Áp lực lạm phát lớn nhưng chu kỳ 10 năm không lặp lại?
Giới chuyên gia nhận định, giữ lạm phát dưới 4% năm nay là khả thi nhưng vẫn còn quan ngại cho năm kế tiếp.
- 05-08-2018Giữ được lạm phát nhưng xuất hiện nỗi lo cho năm kế tiếp?
- 30-07-2018Lạm phát giảm tốc, áp lực vẫn lớn
- 29-07-2018Nếu lạm phát vẫn xu hướng tăng, cần siết tín dụng lại?
Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2018 quay đầu giảm nhẹ (0,09%) so với tháng trước sau khi tăng cao vào những tháng đầu năm, nhưng sức ép lạm phát còn lớn trong bối cảnh lãi suất thế giới đang tăng, tỷ giá tăng, giá hàng hóa cơ bản tăng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang…
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng năm 2018 tăng 3,45% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. CPI tháng 7/2018 tăng 2,13% so với tháng 12/2017 và tăng 4,46% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm nay tăng 1,36% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Số liệu về CPI của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
TS. Nguyễn Đức Độ phân tích: Lạm phát sẽ vẫn trong tầm kiểm soát là dưới 4% trong năm 2018. Trong trường hợp tỷ giá tăng thì việc tăng giá này cũng sẽ chuyền vào CPI của các tháng trong quý 3. Hiện tại thì có thể thấy lạm phát cơ bản tăng một chút, khoảng 0,15%. Nhưng tổng thể vẫn trong tầm kiểm soát.Theo nhận định của TS. Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% là khả thi. Tuy nhiên, việc điều chỉnh để giữ được mức này gây ra sự quan ngại nhất định.
TS. Độ cho hay, giá dầu hiện tại đang "lình xình", giá thịt lợn đang tăng nhưng cũng chưa rõ xu hướng. Tăng lương cho công chức, nếu có tác động, thì cũng không ảnh hưởng nhiều.
Cần giữ ổn định tiền đồng Việt Nam. (Ảnh minh họa) |
Trong khi lạm phát đang ở mức cao, việc tỷ giá bị tăng lên, đồng nghĩa với đổ thêm dầu vào lửa. Về tỷ giá của Việt Nam, TS. Độ cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ can thiệp để giữ ổn định tiền đồng, vì Chính phủ và NHNN sẽ phải quan tâm mục tiêu chống lạm phát.
GS.TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng, tăng trưởng là quan trọng nhưng ổn định kinh tế vĩ mô, chất lượng tăng trưởng cần được đặt lên hàng đầu.
Trong điều kiện hiện nay, GS.TS. Đặng Đình Đào lưu ý, Chính phủ cần theo sát các diễn biến của tình hình kinh tế thế giới để có những chỉ đạo, điều hành kịp thời nhằm kiểm soát lạm phát, điều hành tỷ giá, tránh bất ổn, đặc biệt trong điều kiện cuối năm khó kiểm soát việc tăng giá.
Áp lực từ những yếu tố nào?
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê đánh giá, áp lực lạm phát 6 tháng cuối năm là rất lớn. Ở cả hai góc độ thị trường và điều hành đều có những yếu tố tiểm ẩn khiến CPI 6 tháng cuối năm tăng.
Giá thịt lợn đang tăng “chóng mặt”. |
Giá thực phẩm, đặc biệt là giá thịt lợn, sẽ tác động đáng kể lên chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng cuối năm nay. Nguy cơ giá thịt lợn tiếp tục tăng cùng nhu cầu thực phẩm vào cuối năm cũng là nguy cơ tiềm ẩn đẩy CPI cuối năm lên cao, bà Ngọc cho hay.
Bên cạnh đó, các yếu tố khác như giá xăng dầu và thiên tai cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với lạm phát từ nay đến cuối năm 2018. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ làm tăng 0,27 – 0,29% CPI cuối năm.
Mặc dù vậy, theo bà Đỗ Thị Ngọc, mục tiêu mà Chính phủ đề ra là kiểm soát lạm phát năm 2018 dưới 4% là có thể thực hiện được. Áp lực lạm phát lớn nhưng chu kỳ 10 năm không lặp lại vì Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong điều hành, kiềm chế lạm phát, bà Ngọc khẳng định.
Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, một số thách thức từ các chính sách mới sắp thực thi có thể sẽ làm gia tăng mức lạm phát.
Cụ thể như, quyết định lương tối thiểu vùng năm 2018 sẽ tăng thêm 6,5%, bằng một nửa so với mức đề xuất ban đầu là 13,3%; việc điều chỉnh giá điện bình quân áp dụng từ 1/12/2017 với mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh, tăng gần 100 đồng/kWh so với mức giá hiện hành áp dụng sẽ tác động tới mặt bằng giá cả trong năm tới. Việc điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc quỹ Bảo hiểm y tế tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, việc điều chỉnh mức lương cơ sở trong tính toán giá dịch vụ y tế và việc tăng giá nhóm dịch vụ giáo dục cũng sẽ tác động vào CPI.
Bên cạnh đó, giá điện tăng 6,08% từ 1/12/2017 dự kiến sẽ tác động trực tiếp làm tăng CPI năm 2018 và sẽ tác động gián tiếp tới giá thành các mặt hàng khác sử dụng điện là chi phí đầu vào.
Với những dự báo về khả năng tác động của nhiều yếu tố giá cả hàng hóa tới lạm phát, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đã đưa ra hai kịch bản lạm phát của năm 2018, theo đó, nếu GDP tăng 6,83% thì lạm phát duy trì ở mức 4,5%, và nếu GDP đạt khoảng 7,02% thì lạm phát trung bình có thể ở mức 4,8%./.
VOV