MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Áp lực lên ông Joe Biden tăng cao khi Trung Quốc gia nhập hiệp định thương mại “khủng”

16-11-2020 - 14:06 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc và 14 nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tạo ra khối thương mại tự do lớn nhất thế giới.

Vào năm ngoái, ông Joe Biden khi đó vẫn còn là ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ đã cảnh báo rằng “hoặc Trung Quốc hoặc chúng ta sẽ viết lại luật thương mại thế giới thế kỷ 21”.

Theo báo Nikkei, Tổng thống được bầu sẽ phải hành động nhanh chóng sau khi nhậm chức khi mà Trung Quốc và 14 nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tạo ra khối thương mại tự do lớn nhất thế giới.

RCEP sẽ bao trùm một khu vực rộng lớn với 30% dân số thế giới sinh sống, tổng GDP của các nước thành viên ước tính khoảng 30% toàn cầu. Tuy nhiên, Mỹ, nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, lại không thuộc khối này. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đây đã rời bỏ TPP, hiệp định thương mại tự do không có sự tham gia của Trung Quốc.

Ông Biden từng nói ông sẽ cố gắng đàm phán lại TPP thế nhưng chưa hề nói sẽ gia nhập. Trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế đứng đầu Nhà Trắng, ứng viên Hillary Clinton cũng đã không ủng hộ TPP. Dưới chính quyền của Tổng thống Trump với quan điểm nước Mỹ là số 1, nước Mỹ đã không hề quan tâm đến các hiệp định đa phương của châu Á.

Tại buổi lễ ký kết trực tuyến bao gồm 15 nước vào ngày Chủ Nhật, đại diện của 15 nước nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng RCEP, hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, có thể coi như một bước quan trọng để tiến tới khung quy định thương mại và đầu tư toàn cầu”.

Cho đến trước RCEP, Trung Quốc cũng đã có một số thỏa thuận thương mại tự do với các nước Đông Nam Á và Australia, tuy nhiên chưa tham gia thỏa thuận thương mại khu vực nào lớn.

Việc tham gia vào RCEP mới nhất đánh dấu một thay đổi lớn. Thông qua một đoạn video vào ngày Chủ Nhật, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố: “Đây không chỉ là một thành công lớn trong hợp tác khu vực Đông Á mà có thể coi như chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do”.

Chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại viện nghiên cứu Mizuho, ông Junichi Sugawara, phân tích rằng dù RCEP có những điểm không ưu việt bằng TPP bởi RCEP mới loại bỏ được 91% các dòng thuế còn tỷ lệ này với TPP lên đến 99%, thế nhưng RCEP không hề có quy mô nhỏ bởi nó đã đưa được Trung Quốc vào quy tắc thương mại nói chung.

Ngoài ra cũng trong RCEP, Trung Quốc và Hàn Quốc cũng giảm thuế đáng kể với hàng hóa của Nhật. Tỷ lệ hàng hóa Nhật không phải chịu thuế sẽ tăng từ tỷ lệ 8% hiện nay lên 86%. Cũng giống như vậy, tỷ lệ hàng hóa Nhật không phải chịu thuế khi vào Hàn Quốc ước tính khoảng 92% từ mức 19% hiện nay.

Nước Mỹ dường như đang ở “ngã tư đường”. Trong khoảng thời gian làm Tổng thống dưới thời chính quyền Obama, ông Biden từng thúc đẩy phát triển TPP. Việc Trung Quốc và 14 nước châu Á – Thái Bình Dương ký kết được thỏa thuận thương mại có thể khiến cho người Mỹ tranh cãi nhiều hơn về các thỏa thuận thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, cũng chính trong năm 2020 này, ông Biden đã thề: “Chúng tôi sẽ không đàm phán về thỏa thuận thương mại mới nào trước khi đầu tư mạnh vào năng lực cạnh tranh của nước Mỹ tại nội địa”.

Ông Biden cũng nhấn mạnh đến chiến lược “mua hàng Mỹ” trong các chính sách của mình, ông thậm chí còn nói đến chính sách bảo hộ mạnh mẽ hơn cả dưới thời Trump.

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ thường diễn ra sau 2 năm, theo nguồn tin của Đảng Dân chủ. Nguồn tin này cũng nhấn mạnh thêm rằng các thỏa thuận thương mại như TPP sẽ tạm gác lại trong thời gian này.

Tại châu Âu, các cuộc đối thoại về thỏa thuận thương mại hậu Brexit hiện đang tạm bế tắc.

Ngoài ra, thỏa thuận RCEP cũng được cho là “thiếu sót” với việc Ấn Độ không tham gia. Tháng 11/2019, Ấn Độ từng thông báo sẽ rời khỏi các cuộc đàm phán liên quan đến RCEP và sẽ không bao giờ tham gia trở lại. Khoảng hơn nửa dân số Ấn Độ làm việc trong ngành nông nghiệp và họ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nếu các sản phẩm nông sản giá rẻ ví như sản phẩm sữa từ New Zealand tràn ngập thị trường nước này.

Việc Ấn Độ không tham gia không chỉ có nguyên nhân từ việc muốn bảo vệ nông dân mà còn phản ánh lo lắng rằng RCEP sẽ khiến cho thâm hụt thương mại với Trung Quốc tăng cao hơn nữa, theo giáo sư tại trung tâm nghiên cứu Đông Á thuộc đại học Jawaharlal Nehru, ông Srikanth Kondapalli.

Trưởng bộ phận phân tích thương mại tại tổ chức Owls Consulting, ông Ayako Fukuyama, nhận xét: “Sẽ tốt hơn nếu Ấn Độ cùng tham gia bởi xét đến bản chất của chuỗi cung ứng và việc duy trì cân bằng với Trung Quốc. Tuy nhiên sự thật rằng 15 nước vẫn đàm phán và ký kết được thỏa thuận có thể coi như bước tiến lớn. Khi mà thế giới đang tiến gần hơn đến xu thế bảo hộ, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang gửi đi thông điệp rằng khu vực vẫn theo đuổi tự do thương mại”.

Theo Nhật Đăng

Nhịp sống doanh nghiệp

Trở lên trên