MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Áp lực mua nhà ở quốc gia đáng sống nhất thế giới: Tích cóp bao giờ cho đủ tiền để 'an cư'?

10-11-2023 - 09:12 AM | Tài chính quốc tế

Năm ngoái, một ngôi nhà với thiết kế rất đơn giản ở khu vực lân cận vùng ngoại ô Zurich đã được rao bán với giá 7,5 triệu franc Thụy Sĩ (tương đương khoảng hơn 202 tỷ VNĐ).

"An cư" thì mới "lạc nghiệp", đó là quan niệm được nhiều người tâm đắc và quyết thực hiện bằng được. Thế nhưng ở Thụy Sĩ - đất nước nổi tiếng với những chiếc đồng hồ xa xỉ, những ngân hàng đầy bảo mật và cả những viên socola hảo hạng - người dân nơi đây, nếu muốn sống ở thành thị, thì thuê nhà trọn đời là lựa chọn duy nhất. 

202 tỷ đồng một ngôi nhà dạng "xoàng"

Nếu sinh sống ở một quốc gia khác, với Philip Skiba, người đàn ông 41 tuổi đang làm việc trong ngành tài chính với mức thu nhập thuộc hàng khá giả, thì việc sở hữu một ngôi nhà là chuyện không hề khó. 

Thế nhưng, ở thị trấn nơi anh đang sống, vùng ngoại ô Zurich – thành phố du lịch nổi tiếng nhất của Thụy Sĩ, ngay cả những ngôi nhà xấu xí – theo cách mà anh mô tả, cũng có giá tới hàng triệu USD. 

Năm ngoái, một ngôi nhà với thiết kế rất đơn giản ở khu vực lân cận đã được rao bán với giá 7,5 triệu franc Thụy Sĩ (tương đương khoảng hơn 202 tỷ VNĐ). 

"Khi biết giá của ngôi nhà, tôi nghĩ điều này thực sự rất nực cười", anh Skiba cho biết. "Thế nhưng, khi ngôi nhà được bán vài tuần sau đó, tôi nghĩ mình nên chấp nhận một thực tế về khả năng sở hữu nhà ở Thụy Sĩ ngày nay. Mua một ngôi nhà ở gần Zurich, đối với một gia đình bây giờ là điều rất xa xỉ. Hai đứa trẻ, một ngôi nhà, một khu vườn, hai chiếc ô tô, tôi chưa nhìn thấy ai có thể sỡ hữu đồng thời những thứ đó ở đây".

Những người giàu có nhất hành tinh "phải đi thuê nhà"

9 triệu cư dân Thụy Sĩ nằm trong số những người giàu có nhất hành tinh, thế nhưng phần lớn trong số họ phải đi thuê nhà. 

Theo công ty nghiên cứu Wüest Partner, giá trung bình cho một căn hộ dạng studio ở Zurich là 1,1 triệu USD. Tính theo mét vuông, giá nhà ở Zurich đắt hơn Paris khoảng 80%. 

Áp lực mua nhà ở quốc gia đáng sống nhất thế giới: Tích cóp bao giờ cho được 202 tỷ VNĐ để "an cư"?!  - Ảnh 2.

Cảnh đẹp ở Zurich.

Thêm vào đó, theo Martin Hoesli, giáo sư tại Đại học Geneva, người đã nghiên cứu quyền sở hữu nhà của người dân Thụy Sĩ trong nhiều thập kỷ, cho biết một nguyên nhân nữa không ủng hộ việc sở hữu nhà về lâu dài tại Thụy Sĩ đó là người dân không đủ khả năng thanh toán trước khoản tiền đặt cọc, mà theo luật tối thiểu là 20% giá mua của căn nhà – khoảng 336.000 USD (hơn 8 tỷ đồng), thêm vào đó là 4% chi phí chuyển nhượng.

Khi Andreas Fuhrer, 43 tuổi, làm việc tại một ngân hàng trong lĩnh vực quản lý rủi ro, quyết định tìm một ngôi nhà ở Bern, thủ đô của Thụy Sĩ, mặc dù đã có sự tính toán trước nhưng anh nhận ra rằng mọi thứ không hề đơn giản như vậy. 

Khó khăn thứ nhất là tìm kiếm địa điểm phù hợp. Anh và vợ, Siwat Chuencharoen (37 tuổi), một giáo viên dạy piano, lên đường tìm một nơi Siwat có thể luyện đàn mà không làm phiền hàng xóm. 

Cặp vợ chồng đến khảo sát 15 địa điểm và đưa ra lời đề nghị về giá mua ở 5 địa điểm, thế nhưng họ liên tục bị từ chối vì mức giá không được đáp ứng. Thế nhưng khi tìm được địa điểm ưng ý thì hai vợ chồng Andreas phải dốc hết nguồn lực tài chính của mình. 

Ngôi nhà rộng 200m2, nằm ngay ở rìa thành phố Bern và đối diện với đường ray xe lửa, được rao bán với giá 1,25 triệu franc (hơn 33 tỷ VNĐ), nhưng sau nhiều vòng đấu thầu, họ đã phải mua nó với giá 1,52 triệu franc (hơn 41 tỷ VNĐ). 

Ngoài khoản trả trước 300.000 franc (hơn 8 tỷ VNĐ) mà Andreas phải đi vay từ người thân, anh và vợ còn phải cam kết một khoản vay riêng biệt có thời hạn 8 năm và 12 năm. 

Các khoản vay này được cơ cấu sao cho phần lớn số tiền khách hàng trả là tiền lãi chứ không phải tiền gốc, vì thế mua căn nhà này hai vợ chồng Andreas phải mang khoản nợ "gần như là cả đời".

Vào thời điểm mà những người trẻ ở những thành phố lớn như California và New York không nhìn thấy hi vọng về việc sở hữu nhà thì thực trạng tương tự tại Thụy Sĩ lại càng làm đậm nét thêm bức tranh về sự kết thúc của một xã hội sở hữu, tức là khả năng về sở hữu tài sản của con người trong xã hội đó sẽ giảm đi hoặc không thể. 

Ở Thụy Sĩ, tỉ lệ sở hữu nhà ở chỉ khoảng 36%, thấp nhất trong các nước phương Tây và thấp hơn nhiều so với mức trung bình 70% ở Liên minh châu Âu hay 67% ở Mỹ. 

Đối tượng chịu tác động nhiều nhất của vấn đề này là giới trẻ. Một mặt họ nhìn thấy được những điều tích cực trong việc đi thuê nhà - chủ yếu là tránh được những rắc rối và cam kết về việc sở hữu nhà ở. Thế nhưng, khi được hỏi về mong muốn sở hữu nhà ở, họ nói rằng "nếu không đi thuê, không có lựa chọn nào khác". 

Anh Andreas Weber, 36 tuổi, làm việc tại Zurich mọi người ở Thụy Sĩ, cho biết: "Tôi nghĩ hầu hết mọi người vẫn có ước mơ về một ngôi nhà với khu vườn nhỏ. Chỉ là không thể được nữa thôi". 

Áp lực mua nhà ở quốc gia đáng sống nhất thế giới: Tích cóp bao giờ cho được 202 tỷ VNĐ để "an cư"?!  - Ảnh 3.

Andreas Weber, giám đốc điều hành của Corefinanz, một công ty môi giới thế chấp.

Bản thân Andreas cũng là giám đốc điều hành của một công ty môi giới vay thế chấp, nhưng anh cũng đang phải đi thuê nhà. Căn hộ mà anh thuê nằm cách trung tâm Zurich tới nửa giờ đi tàu. "Tôi vẫn chưa thể đạt được mục tiêu đó", Andreas nói về kế hoạch mua chỗ ở của riêng mình. 

Ở Thụy Sĩ, độ tuổi trung bình của người mua nhà lần đầu là 48, cao hơn nước láng giềng Pháp 15 tuổi. Tại Mỹ và nhiều quốc gia khác, việc sở hữu nhà ở được chính phủ khuyến khích và người dân coi việc mua nhà là một việc cần phải làm trong đời. 

Thế nhưng ở Thụy Sĩ, đất nước có tới 70% địa hình là núi thế nên việc hạn chế trong xây dựng đã là thực tế qua nhiều thế hệ, việc thuê nhà cả đời không còn được coi là một thất bại đối với cá nhân hay là một thiếu sót đối với hệ thống quản lý.

Alice Hollenstein, nhà tâm lý học trong lĩnh vực đô thị, cho biết: "Khi thực trạng này tồn tại quá lâu, tôi biết nhiều người sẽ không còn muốn lên kế hoạch mua nhà nữa. Họ không còn coi trọng việc sở hữu nhà nữa, thậm chí họ còn cho rằng nó đã lỗi thời".

Ngoài ra, theo Alice Hollenstein, bên cạnh rào cản về tài chính, động lực để người dân Thụy Sĩ lựa chọn phương án thuê nhà đó là không thể phủ nhận những hợp đồng cho thuê có những lợi thế nhất định. 

Áp lực mua nhà ở quốc gia đáng sống nhất thế giới: Tích cóp bao giờ cho được 202 tỷ VNĐ để "an cư"?!  - Ảnh 4.

Alice Hollenstein trong khu vườn của ngôi nhà ở ngoại ô Zurich.

Với những chủ nhà, họ sẽ bị hạn chế tăng tiền thuê mà không có lý do. Việc đi thuê cho phép mọi người có nhiều lựa chọn sống ở những khu vực mong muốn. Bản thân Alice đang thuê một căn hộ xinh đẹp ở trung tâm thành phố Zurich. Cô chia sẻ: "Bạn không cần phải bỏ công sức hay chi phí để chăm sóc ngôi nhà của mình, nếu hệ thống sưởi không hoạt động, bạn chỉ cần gọi điện, chủ nhà sẽ thay bạn sửa chữa nó".

Nguồn: New York Times

Theo Thu Thủy

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên