MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Áp lực nâng cao an toàn lao động từ CPTPP, EVFTA

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề bảo vệ quyền lợi của người lao động được đặc biệt coi trọng. Vì vậy, các chuyên gia nhận định, xu thế tất yếu là Việt Nam cần đưa nội dung cam kết về lao động vào các FTA.

Theo dự báo, khi CPTPP có hiệu lực, Việt Nam có thể tạo thêm 27.000 việc làm mới mỗi năm; thu nhập và tay nghề lao động cũng được cải thiện. 

Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo: doanh nghiệp cần chú ý đến các cam kết về lao động trong các FTA thế hệ mới để tránh những rủi ro không đáng có. Bởi theo các cam kết, nếu một nước nào duy trì tiêu chuẩn lao động thấp, tiền lương và điều kiện lao động không được xác lập trên cơ sở thương lượng thì được cho là có chi phí sản xuất thấp hơn các nước thực hiện tiêu chuẩn lao động cao.

Ngày 12/11/2018, Quốc hội đã chính thức phê chuẩn thông qua CPTPP. Hiệp định chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam vào ngày 14/1/2019. Nội dung cam kết lao động trong đó có cam kết về điều kiện lao động, an toàn, vệ sinh lao động được quy định tại Chương 19 của Hiệp định.

Việt Nam đã gia nhập 21 Công ước của ILO, bao gồm 5 Công ước cơ bản. Trong số này, liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt phải kể đến là Công ước về an toàn, vệ sinh lao động số 155 năm 1981, Nghị định thư năm 2002, Công ước về thúc đẩy khung chính sách an toàn, vệ sinh lao động số 187 năm 2006.

Tuy nhiên, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, vẫn còn những khó khăn mà chúng ta gặp phải trong công tác an toàn, vệ sinh lao động như: nhận thức về công tác an toàn lao động của các cấp, các ngành và người lao động còn chưa tốt, nhiều nơi, nhiều lúc thiếu quan tâm; ý thức, tác phong của một bộ phận người lao động còn chủ quan, xem nhẹ công tác an toàn, vệ sinh lao động; chưa chủ động thực hiện đầy đủ các quyền cũng như trách nhiệm của mình trong công tác an toàn, vệ sinh lao động. 

Bên cạnh đó, người lao động còn thiếu các kỹ năng, hiểu biết để phòng tránh các nguy cơ, rủi ro gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; năng lực quản lý, kiểm soát công tác an toàn, vệ sinh lao động của các cơ quan quản lý an toàn, vệ sinh lao động còn nhiều bất cập, chưa bắt kịp với yêu cầu phát triển.

Thứ trưởng cho rằng, để nâng cao hiệu quả thực hiện công tác an toàn lao động khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP nói riêng và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nói chung chúng ta cần coi trọng và tăng cường công công tác thông tin, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động đến tận cơ sở sản xuất - kinh doanh. Thay đổi tư duy, suy nghĩ tích cực để huy động và thúc đẩy các nguồn lực của xã hội đầu tư cho công tác an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với cơ chế thị trường có sự cạnh tranh minh bạch. 

Ông Trương Anh Hải - Phó tổng giám đốc Sức khỏe, An toàn, Môi trường và Cộng đồng, NS BlueScope Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm quản lý an toàn lao động cho doanh nghiệp tại hội thảo "Tạo lợi thế cạnh tranh thông qua văn hóa an toàn": "Để phù hợp với xu thế số hóa hiện nay, cần chú trọng công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để cải thiện môi trường và điều kiện làm việc cho người lao động. Chúng tôi đã nghiên cứu ứng dụng giải pháp mới trong an toàn xây dựng với phần mềm G.R.E.A.T để kiểm tra an toàn lao động tại công trường, hệ thống quản lý an toàn dự án PMS tích hợp chức năng quản lý tiến độ thị công và quản lý an toàn".

Đảm bảo môi trường lao động tốt theo tiêu chuẩn của tổ chức lao động quốc tế là những cam kết bắt buộc khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP và EVFTA. Thực thi những cam kết này không chỉ mang lại lợi ích cho người lao động, mà còn là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Hoàng An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên