MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một huyện miền núi ở miền Trung đón hơn 3.000 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất ván tre, dự kiến tạo ra hơn 3.000 việc làm

Dự kiến, dự án có công suất 225.000 m3 sản phẩm/năm, tiêu thụ 1.000-2.000 tấn tre/ngày và tạo ra hơn 3.000 việc làm.

Một huyện miền núi ở miền Trung đón hơn 3.000 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất ván tre, dự kiến tạo ra hơn 3.000 việc làm- Ảnh 1.

Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định 1625/QĐ-UBND quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa tại xã Thiết Ống, huyện Bá Thước.

Theo Cổng Thông tin điện tử Huyện Bá Thước, Bá Thước là huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, trung tâm huyện lỵ cách thành phố Thanh Hóa khoảng 120 km về phía Bắc Tây bắc, có diện tích tự nhiên 7.522,02 ha, gồm 22 xã và 1 thị trấn. Là huyện miền núi cao, nên địa hình của huyện rất đa dạng và phức tạp với 3/4 diện tích là đồi núi và bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông suối, khiến địa phương ít có những thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

Được biết, đây là một trong những dự án có quy mô lớn nhất của Bá Thước. Nhờ làm tốt công tác xúc tiến đầu tư nên trong một năm qua, huyện Bá Thước đã đón nhiều nhà đầu tư với các dự án lớn, từ đó góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Được biết, Dự án này thuộc về CTCP staBOO Thanh Hóa có địa chỉ trụ tại Km82 Quốc lộ 15A, xã Thiết Ống, huyện Bá Thước. Mục tiêu đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ván tre với diện tích đất thực hiện khoảng 260.784m2 gồm 2 giai đoạn. Trong đó, vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 3.196 tỷ đồng, vốn đầu tư giai đoạn 2 khoảng 2.651 tỷ đồng. Về nguồn vốn góp của nhà đầu tư 506 tỷ đồng (chiếm 15,8% tổng vốn đầu tư), vốn vay 2.693 tỷ đồng (chiếm 84,2% tổng vốn đầu tư). Dự kiến, dự án có công suất 225.000 m3 sản phẩm/năm, tiêu thụ 1.000-2.000 tấn tre/ngày và tạo ra hơn 3.000 việc làm.

Theo đó, dự án sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 của dự án sẽ xây dựng nhà băm tre, nhà nghiền, nhà nghiền khô, khu lò hơi, phụ trợ lò hơi, xưởng sản xuất và phòng phân phối trạm biến áp đầu vào, hố xuất hàng, kho sinh khối, kho mùn cưa, kho lưu trữ tre lớn, kho lưu trữ tre nhỏ, xưởng hoàn thiện bề mặt, nhà phụ trợ sản xuất, trạm bơm nước, bể nước, khu xử lý nước thải, nhà cân, nhà thể chất, nhà bảo vệ... Giai đoạn 2 dự án sẽ xây dựng bốt bảo vệ và các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật, phụ trợ liên quan.

Dự án này được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định hiện hành của pháp luật nếu nhà đầu tư thực hiện đúng với hồ sơ đăng ký, đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho các sở, ngành, địa phương tích cực hỗ trợ doanh nghiệp sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư để sớm triển khai thực hiện dự án.

Trước đó, hồi tháng 1/2024, nhân dịp tham dự Hội nghị WEF Davos năm 2024 tại Thụy Sĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có dịp gặp gỡ và tiếp lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn nhằm kêu gọi, thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam, trong đó có lãnh đạo Công ty staBOO Holdings AG - công ty con của BARD AG, chuyên nghiên cứu phát triển và sản xuất các sản phẩm nội thất cao cấp. 

Theo đó, tại cuộc gặp gỡ, ông Marcus Bards, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty staBOO Holdings AG và các cộng sự đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam. Theo ông, Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển công nghiệp nội thất, nhất là từ nguồn nguyên liệu tre, luồng. Do đó, staBOO Holdings AG mong muốn đầu tư lâu dài tại Việt nam và sẽ sử dụng công nghệ hiện đại, giảm phát thải carbon, đáp ứng yêu cầu phát triển xanh, bền vững của Việt Nam và đưa sản phẩm tre luồng của Việt Nam ra thế giới.




Hoàng Nguyễn

An ninh Tiền tệ

Trở lên trên