Siêu dự án 67,3 tỷ USD, dài 1.541km của Việt Nam đón nhận động thái mới gì từ Uỷ ban Kinh tế Quốc hội?
Chiều muộn 4/11, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đã họp thẩm tra chủ trương đầu tư về công trình đường sắt trọng điểm trị giá 67,3 tỷ USD.
- 02-11-2024Tiết lộ "số phận" của đường sắt Bắc - Nam khi siêu dự án 67,3 tỷ USD, dài hơn 1.500km thành hiện thực
- 31-10-2024Tín hiệu mới về siêu dự án 4,6 tỉ USD ở Bình Định
- 27-10-2024[Infographic] Siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Đồng tình với sự cần thiết đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam
Chiều tối 4/11, tại TP Hà Nội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 20, thẩm tra về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao Chính phủ, đặc biệt là Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức nghiên cứu, trình hồ sơ công phu, dày dặn với nhiều tài liệu để đại biểu tham khảo, nghiên cứu.
Tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ đồng tình với sự cần thiết đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Nhiều ý kiến cũng đưa ra quan điểm về dự báo doanh thu, tăng trưởng doanh thu, phương án tài chính của dự án, so sánh với các tuyến tương tự, đối chiếu với kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, đưa ra giải pháp đảm bảo hiệu quả trong triển khai Dự án.
Các đại biểu cũng thảo luận về phương án đầu tư với các nội dung cụ thể như: quy mô đầu tư, phương án khai thác, hướng tuyến, vị trí nhà ga, khung tiêu chuẩn, vấn đề áp dụng công nghệ, làm chủ công nghệ… để hoàn thiện phương án đầu tư bảo đảm khả thi, tiết kiệm, hiệu quả.
Đối với dự án đường sắt tốc độ cao, các đại biểu cho rằng, cần tiếp cận công nghệ hoàn toàn mới, phức tạp, cần có phương pháp triển khai hợp lý để đạt hiệu quả tối ưu...
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến bày tỏ đồng thuận với nhiều nội dung trong Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, hồ sơ của Chính phủ đã được chuẩn bị tương đối công phu, kỹ lưỡng.
Đánh giá cao các ý kiến sâu sắc, trách nhiệm của các đại biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết các ý kiến sẽ được tiếp thu, tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện báo cáo thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trong thời gian tới.
Ủy ban Kinh tế khảo sát thực tế Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam
Trước đó, sáng 3/11, tại TP. Nha Trang, Đoàn khảo sát thực tế Dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam của Ủy ban Kinh tế, đã làm việc với UBND các tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh.
Tại cuộc làm việc, các đại biểu nhất trí cao việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam góp phần tăng cường kết nối vùng, miền, cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, tái cấu trúc các đô thị, phân bố dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, góp phần giảm chi phí logistic…
Đại diện Bộ Giao thông, Vận tải cũng báo cáo cụ thể về lý do, lợi ích và nhược điểm của hướng tuyến, vị trí ga đoạn đi qua các tỉnh: Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai. Do các địa phương cơ bản đã có văn bản thỏa thuận, thống nhất về hướng tuyến, vị trí ga, công trình trên tuyến, đại diện Bộ Giao thông, Vận tải cho biết, trong giai đoạn triển khai tiếp theo, trên cơ sở kết quả khảo sát chi tiết, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, cập nhật cho phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Giao thông, Vận tải Nguyễn Danh Huy đã giải trình, làm rõ các ý kiến của các đại biểu, cũng như của UBND TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là công trình trọng điểm quốc gia. Trên cơ sở các ý kiến của các đại biểu, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông, Vận tải và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, có ý kiến thẩm tra chính thức về nội dung này.
Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam có điểm đầu tuyến tại Thành phố Hà Nội (ga Ngọc Hồi), điểm cuối tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm). Tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km.
Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nằng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh.
Quy mô đầu tư: Xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Trong quá trình vận hành khai thác, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định đầu tư bổ sung một số vị trí nhà ga tại các khu đô thị có nhu cầu vận tải lớn.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất: khoảng 10.827 ha. Hình thức đầu tư là đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.713.548 tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD).
Tiến độ thực hiện: Lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2025-2026; khởi công cuối năm 2027; phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến trong năm 2035.
Đời sống & pháp luật