Áp lực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Áp lực tăng tỉ giá USD/VNĐ do tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng là có, song theo các chuyên gia, chưa nhất thiết phải phá giá tiền đồng bởi còn nhiều công cụ ứng phó khác.
- 17-07-2018USD thị trường tự do đã hạ nhiệt
- 17-07-2018Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bán ra ngoại tệ
- 16-07-2018Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng
Phiên giao dịch đầu tuần (ngày 16-7), giá USD trong các ngân hàng (NH) thương mại tiếp tục xoay quanh mức 23.100 đồng/USD, trong khi giá USD trên thị trường tự do vẫn neo ở mức rất cao, vượt 23.300 đồng/USD. Tỉ giá đã bắt đầu có những đợt tăng mạnh từ cuối tháng 6 đến nay, do sức ép từ những biến động bên ngoài.
Áp lực chủ yếu từ bên ngoài
Tính từ đầu năm đến nay, tỉ giá trung tâm đã tăng khoảng 1,1% so với đầu năm, tỉ giá trong các NH thương mại tăng khoảng 1,45% trong khi tỉ giá trên thị trường tự do tăng khoảng 2,5%. Giá USD tăng cao nhưng theo nhiều NH thương mại, cung cầu ngoại tệ vẫn khá ổn định và các nhu cầu hợp pháp của cá nhân, doanh nghiệp (DN) vẫn được đáp ứng đầy đủ. Chính sách tỉ giá trung tâm của NH Nhà nước cũng linh hoạt hơn, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp thị trường…
Chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực phân tích tỉ giá có những biến động gần đây là khách quan, do đồng USD tăng tương đối mạnh. Tính trong 6 tháng đầu năm, chỉ số đồng USD đã tăng giá khoảng 3,3% và dự báo còn tăng nữa với lý do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tiếp tục tăng lãi suất nhanh hơn và kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tích cực. Yếu tố này sẽ tạo ra áp lực với tỉ giá.
Đồng thời, liên quan đến yếu tố thời vụ, tức là thông thường vào cuối tháng 6, một số DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quyết định mua ngoại tệ để chuyển lợi nhuận về nước. Một số nhà đầu tư thoái vốn ra khỏi thị trường chứng khoán nhưng tính tổng thể từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư ngoại vẫn mua ròng khoảng 1,5 tỉ USD.
"Một yếu tố khác là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã, đang xảy ra và khi đó có nhiều tác động liên quan đến kinh tế, thương mại, đầu tư đối với các nước, trong đó có Việt Nam. Riêng vấn đề tỉ giá, khi chiến tranh thương mại xảy ra, một số nước có điều chỉnh nhẹ tỉ giá của mình, trong đó có Trung Quốc. Dù vậy, Trung Quốc điều chỉnh giảm giá nhân dân tệ 3%-4% do nhiều nguyên nhân bao gồm cả yếu tố tỉ giá… Từ đó, tạo áp lực tâm lý với VNĐ. Áp lực đối với tỉ giá từ đầu năm đến nay và những tháng cuối năm sẽ căng hơn, với cả lý do bên trong lẫn bên ngoài" - TS Cấn Văn Lực nhận định.
Trong các yếu tố ảnh hưởng lên tỉ giá, còn có tác động đến từ việc giảm giá của đồng nhân dân tệ gần đây, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Hiện Mỹ và Trung Quốc là 2 đối tác thương mại đặc biệt quan trọng với Việt Nam. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu, còn Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc với khoảng 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu. Do đó, cuộc chiến thương mại và sự mất giá của đồng nhân dân tệ thời gian qua có ảnh hưởng tới kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tại báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2018 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nhóm nghiên cứu nhận định VNĐ vẫn đang được neo giá theo đồng USD. Khi đồng nhân dân tệ mất giá mạnh, cán cân thương mại của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng do hàng Trung Quốc giá rẻ ồ ạt chảy vào thị trường nội địa. Đồng thời, tỉ giá USD/VNĐ vẫn chịu nhiều sức ép tăng mạnh trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế bộc lộ những lo ngại khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng tỉ giá đã biến động một cách "lạ lùng" trong 1 tháng qua, sau 5 tháng đầu năm ổn định. Cụ thể trong 5 tháng tỉ giá biến động khoảng 0,3%-0,4% nhưng riêng tháng 6-2018 tỉ giá biến động mạnh. Biến động mạnh như vậy trong 1 tháng là do tác động từ chiến tranh thương mại và thị trường chứng khoán.
"Trong 3 tháng qua, đồng nhân dân tệ đã mất giá 5,4% khi Mỹ bắt đầu nhăm nhe trừng phạt Trung Quốc, còn Việt Nam giữ ổn định tỉ giá so với USD nên tính ra VNĐ đã lên giá so với đồng nhân dân tệ. Tôi cho rằng Trung Quốc còn nhiều dư địa để phá giá đồng tiền nước này, từ đó có sức ép lên tỉ giá USD/VNĐ" - TS Hiếu dự báo.
Hoạt động xuất nhập khẩu đều bị ảnh hưởng nếu tỉ giá USD/VNĐ biến động. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Có nên phá giá VNĐ thêm 2%-3%?
Sức ép lên tỉ giá sẽ tiếp tục tăng khi cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, gợi ý một chính sách giảm giá VNĐ đối với USD ở mức vừa phải và thấp hơn mức giảm của đồng nhân dân tệ so với USD. Chẳng hạn, nhân dân tệ giảm 10%, Việt Nam có thể giảm 5% khi đó hàng Trung Quốc giảm nhưng không quá rẻ. Mức đề xuất của TS Thành là có thể làm giảm giá VNĐ trong khoảng 2%-3% từ nay đến cuối năm trong bối cảnh đồng nhân dân tệ tiếp tục suy yếu.
"Với đặc thù là một nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc để chế biến và xuất khẩu, việc điều chỉnh tỉ giá như vậy khiến các nhà nhập khẩu nguyên liệu có lợi từ thị trường Trung Quốc, đồng thời các nhà nhập khẩu có lợi thêm từ việc xuất khẩu sang Mỹ. Việc tận dụng 2 thị trường lớn này có thể cải thiện tình trạng sản xuất và cán cân thương mại" - Viện trưởng VEPR đề xuất.
Trong khi đó, một số chuyên gia khác cho rằng NH Nhà nước chưa cần điều chỉnh tỉ giá do tác động từ chiến tranh thương mại. Bởi chiến tranh thương mại có tác động đến tỉ giá nhưng không phải quá lớn. Một số nước họ đã điều chỉnh nhẹ tỉ giá nhưng công cụ tỉ giá không phải là duy nhất hỗ trợ cho thương mại và đầu tư.
"Đề xuất phá giá VNĐ cần hết sức cẩn trọng và cân nhắc" - TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh. Vì sao lại đề xuất phá giá 2%-3%, đã hợp lý chưa? Khi điều chỉnh tỉ giá, cần phải tính toán đến các tác động tổng thể của nền kinh tế, không chỉ xuất khẩu mà cả nhập khẩu, vay nợ nước ngoài và áp lực lạm phát. Đặc biệt trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng nhanh hơn trong năm ngoái.
Theo TS Cấn Văn Lực, giảm giá VNĐ để hỗ trợ xuất khẩu nhưng thực tế giữa xuất khẩu và điều chỉnh tỉ giá ở Việt Nam là mối quan hệ rất lỏng lẻo do cấu trúc của nền kinh tế. Bởi 71%-72% kim ngạch xuất khẩu hiện thuộc về khối FDI, nghĩa là xuất khẩu nhiều thì càng nhập khẩu nhiều nên dù có điều chỉnh tỉ giá cũng không được hưởng lợi nhiều. Dù chiến tranh thương mại leo thang nhưng chỉ một số nước dùng công cụ tỉ giá để điều hành, vượt qua thách thức của cuộc chiến này.
Trong khi đó, hiện tại nền tảng vĩ mô của nền kinh tế vẫn tốt, cung cầu ngoại tệ ổn, NH Nhà nước tiếp tục điều hành tỉ giá trung tâm khá linh hoạt so với trước đây. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở mức 63,5 tỉ USD giúp NH Nhà nước đủ lực can thiệp giữ ổn định thị trường, dù áp lực lạm phát tăng hơn năm ngoái. Trong bối cảnh này, tỉ giá mất giá khoảng 2% trong năm nay là chấp nhận được và trong tầm kiểm soát.
TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, cũng nhìn nhận không nhất thiết điều chỉnh tỉ giá do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại. Bởi thống kê cho thấy khoảng 92% nhập khẩu của Việt Nam là phục vụ cho sản xuất, chỉ 8% nhập khẩu cho tiêu dùng. Điều này nghĩa là càng xuất khẩu nhiều sẽ càng nhập khẩu nhiều và khi đó, điều chỉnh tỉ giá sẽ có tác động lên cả xuất nhập khẩu, chứ không hẳn có lợi.
Đằng sau cuộc chiến
Các chuyên gia đến từ VEPR đánh giá có lẽ các nguyên nhân phi thương mại mới là lý do thật sự của đợt căng thẳng kéo dài và rất nhất quán này. Theo đó, tháng 3-2018, khi tổng thống Trump ký Bản ghi nhớ áp đặt mức thuế mới đối với 1.300 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị 60 tỉ USD, ngay lập tức, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu lên tới 25% với 106 mặt hàng xuất khẩu từ Mỹ với giá trị hàng hóa cũng lên tới 50 tỉ USD.
Ngày 15-6, Tổng thống Trump công bố sẽ áp thuế đối với 50 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc với đợt áp thuế đầu tiên có hiệu lực từ ngày 6-7, 818 mặt hàng có trị giá 34 tỉ USD sẽ bị áp thuế 25%. Ngay sau đó, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế đáp trả với quy mô tương tự nhằm vào các mặt hàng nông nghiệp, ôtô và năng lượng của Mỹ.
Ngày 18-6, ông Trump tuyên bố sẽ đánh thuế 10% thêm nhiều sản phẩm khác của Trung Quốc với tổng trị giá lên tới 200 tỉ USD.
"Căng thẳng thương mại chỉ là cái cớ để Mỹ chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh kế tiếp trong tương lai gần, khi mà bằng việc mua hoặc "chiếm đoạt" công nghệ Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành "đối thủ cạnh tranh chiến lược" như báo cáo An ninh chiến lược quốc gia năm 2018 của Mỹ xác định" - nhóm chuyên gia của VEPR nhận định.
LINH ANH
Tại phiên họp giữa Chính phủ với các địa phương vừa qua, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết trong điều kiện hiện nay, NH Nhà nước hoàn toàn có các công cụ và phương án cần thiết để can thiệp thị trường ngoại tệ, bảo đảm kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô.
Người lao động