Áp lực tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt
Cung cầu ngoại tệ ổn định, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và thặng dư thương mại tích cực, cùng lượng kiều hối dồi dào... đang góp phần giảm áp lực tỷ giá.
- 12-11-2023Tỷ giá đạt điểm cân bằng mới
- 05-11-2023Áp lực tỷ giá thường trực trong 2 tháng cuối năm
- 03-11-2023Tỷ giá trong tầm kiểm soát của nhà điều hành
Áp lực tỷ giá gần đây có dấu hiệu hạ nhiệt. Tỷ giá liên ngân hàng giữa tiền Việt và đồng USD đã giảm hơn 1% so với đỉnh điểm hồi tháng trước, giải toả những lo lắng trước đó rằng tỷ giá có nguy cơ vượt 25.000 đồng/USD.
Đến cuối tháng 9, riêng kiều hối về TP Hồ Chí Minh đã đạt gần 6,7 tỷ USD, vượt cả năm ngoái. Ngoài các nguồn từ Mỹ, châu Âu, thì năm nay còn ghi nhận lượng kiều hối về từ các nước châu Á tăng rất cao. Nguồn kiều hối dồi dào đã góp phần làm giảm áp lực tỷ giá.
TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho hay: "Thường vào cuối năm áp lực tỷ giá rất lớn vì nhu cầu nhập hàng hóa rất cao, tác động đến cán cân thanh toán, gây áp lực làm tăng tỷ giá. Dòng kiều hối nó đã góp phần bình ổn".
Áp lực hạ nhiệt, tuần qua Ngân hàng Nhà nước quyết định tạm dừng phát hành tín phiếu mới. Trước đó, đã có thời điểm VND giảm khoảng 4% so với USD, do chỉ số đồng USD trên thế giới tăng liên tiếp, cùng với việc cắt giảm lãi suất điều hành mạnh mẽ trong nửa đầu năm, khiến lãi suất ngắn hạn trong nước giảm kỷ lục so với lãi suất USD ngắn hạn.
Áp lực này buộc cơ quan điều hành phải phát hành lượng lớn tín phiếu ra thị trường từ đầu tháng 9 để cân đối. Tổng lượng tiền hút về qua kênh tín phiếu đạt hơn 360.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều thông tin tích cực như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định không tăng lãi suất, có thể dừng lộ trình nâng lãi suất cũng góp phần xoa dịu áp lực tỷ giá trong nước, tạo dư địa để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp và nền kinh tế trong giai đoạn tăng tốc cuối năm.
VTV.VN