AP: Nội bộ WHO từng "dậy sóng" vì TQ che giấu thông tin về COVID-19 và lí do WHO vẫn niềm nở với Trung Quốc
Theo hãng thông tấn AP, các quan chức WHO được cho là từng bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc che giấu thông tin về dịch COVID-19 trong các cuộc họp nội bộ hồi tháng 1 năm nay.
Tiết lộ mới của AP
Trong suốt tháng 1 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhiều lần công khai khen ngợi Trung Quốc vì thứ họ gọi là "phản ứng nhanh chóng" trước đại dịch COVID-19 , và còn cảm ơn Trung Quốc vì đã chia sẻ bản đồ gene của virus corona chủng mới "ngay lập tức", theo hãng thông tấn AP (Mỹ).
Tuy nhiên, từ những tài liệu, email nội bộ và thông tin mà AP thu thập được từ các cuộc phỏng vấn với những người trong cuộc, hãng tin này đã đưa ra kết luận rằng Trung Quốc thực sự đã trì hoãn việc công bố bản đồ gene của virus corona chủng mới trong khoảng thời gian hơn 1 tuần sau khi nhiều phòng thí nghiệm chính phủ đã giải mã được thông tin này. Ngoài ra, những thông tin quan trọng về xét nghiệm, thuốc điều trị và vaccine cũng không được nước này công bố sớm.
Theo AP, chính sự kiểm soát thông tin chặt chẽ và sự cạnh tranh trong hệ thống y tế cộng đồng của Trung Quốc là những yếu tố chủ chốt gây ra sự chậm trễ này.
Chỉ sau khi một phòng thí nghiệm Trung Quốc "vượt quyền" và công bố bản đồ gene của virus corona chủng mới trên một trang web về virus học vào ngày 11/1, các quan chức y tế Trung Quốc mới chính thức công bố thông tin quan trọng này.
Tuy nhiên, ngay cả khi đó, Trung Quốc được cho là cũng đã chậm trễ ít nhất 2 tuần trong việc thông báo cho WHO những thông tin quan trọng và cần thiết về dịch bệnh, theo những bản ghi âm trong các cuộc họp nội bộ hồi tháng 1 của WHO - thời điểm mà nhiều người nghĩ rằng dịch bệnh lẽ ra đã có thể được ngăn chặn đáng kể.
Mặc dù WHO vẫn tiếp tục công khai khen ngợi Trung Quốc, nhưng theo những bản ghi âm mà AP thu thập được, tổ chức này đã bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc không chia sẻ đủ thông tin để đánh giá về mức độ rủi ro của virus corona chủng mới và khiến thế giới mất đi một khoảng thời gian quý giá để ngăn chặn dịch bệnh.
Tiến sĩ Gauden Galea, một quan chức cấp cao của WHO tại Trung Quốc, từng chia sẻ trong một cuộc họp nội bộ của tổ chức này: "Đúng vậy, họ chỉ cung cấp thông tin cho chúng tôi đúng 15 phút trước khi những thông tin ấy được công bố trên đài [truyền hình trung ương] CCTV".
Những thông tin "hậu trường" nêu trên đã được AP công bố vào thời điểm cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc đang bị "vây hãm". Thứ 6 tuần trước (29/5), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố cắt đứt quan hệ với WHO sau nhiều lần cáo buộc tổ chức này "thông đồng" với Trung Quốc để che giấu dịch bệnh. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại khẳng định rằng nước này luôn cung cấp thông tin "kịp thời nhất" cho WHO và toàn thế giới.
Những thông tin mới của AP không hề có giá trị xác minh cho những lời cáo buộc của ông Trump hay lời khẳng định của ông Tập, mà ngược lại, nó là bằng chứng cho thấy WHO thực tế đã bị lâm vào "thế kẹt" và đã cố gắng yêu cầu [Trung Quốc] cung cấp thêm thông tin về dịch bệnh.
Mặc dù theo luật pháp quốc tế, các quốc gia trên thế giới buộc phải báo cáo cho WHO những thông tin được cho là có ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, nhưng tổ chức này không hề có quyền hành pháp, mà chỉ có thể dựa vào sự hợp tác của các quốc gia thành viên.
Không giống như lời cáo buộc của Tổng thống Trump, AP cho rằng WHO không "thông đồng" với Trung Quốc, mà chính xác là tổ chức này "không biết", do Trung Quốc chỉ cung cấp số thông tin tối thiểu được yêu cầu. Tuy nhiên, có vẻ như WHO đã cố gắng dành những lời tốt đẹp nhất cho Trung Quốc để thuyết phục nước này cung cấp thêm thông tin về dịch bệnh, theo AP.
Theo AP, các quan chức của WHO đã lo lắng rằng việc thúc ép Trung Quốc cung cấp thêm thông tin có thể khiến giới chức nước này nổi giận. Tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, cho rằng cách tốt nhất để "bảo vệ Trung Quốc" là WHO cần tự tiến hành phân tích độc lập, nếu không thì việc virus lây nhiễm từ người sang người sẽ bị nghi ngờ "và các quốc gia khác cũng sẽ hành động".
Ngoài mặt niềm nở, nội bộ "dậy sóng"
Cuối tháng 12 năm ngoái, các bác sĩ Trung Quốc đã ghi nhận một số bệnh nhân mắc chứng viêm phổi lạ và gửi mẫu bệnh phẩm tới một số phòng thí nghiệm dịch vụ.
Tới ngày 27/12, công ty Vision Medicals đã ghép được bản đồ gene gần hoàn chỉnh của một chủng virus mới có rất nhiều điểm tương đồng với virus SARS. Công ty này đã cảnh báo các quan chức Vũ Hán, và vài ngày sau đó, phía Vũ Hán đã phát cảnh báo nội bộ về căn bệnh viêm phổi lạ.
Ngày 30/12/2019, bà Thạch Chánh Lệ, một nhà virus học nổi tiếng tại Viện nghiên cứu Virus Vũ Hán, đã nhận được cảnh báo, và đến ngày 2/1, bà Thạch và các đồng nghiệp đã giải mã được bản đồ gene hoàn chỉnh của loại virus mới này.
Tuy nhiên, sau đó thông tin này đã không được công bố với thế giới ngay lập tức. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) đã ban bố một thông cáo mật, trong đó cảnh báo về những nguy hiểm tiềm tàng và cấm các phòng thí nghiệm của nước này công bố thông tin về virus corona chủng mới khi chưa được chính quyền cho phép, đặc biệt là phòng thí nghiệm của bà Thạch.
Tới ngày 5/1, 3 phòng thí nghiệm khác đã giải mã được trình tự gene của virus corona chủng mới. Bác sĩ Trương Vĩnh Chấn tại Trung Tâm Y tế Lâm sàng Công cộng Thượng Hải đã cảnh báo NHC rằng loại virus này "có khả năng lây nhiễm". Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc đã nâng mức cảnh báo lên mức 2, nhưng họ không có thẩm quyền cảnh báo công chúng.
Vào thời điểm đó, các trường hợp nghi nhiễm chủng virus mới đã bắt đầu xuất hiện ở bên ngoài biên giới Trung Quốc. Tại Thái Lan, các nhân viên an ninh sân bay đã phát hiện một người phụ nữ đến từ Vũ Hán có biểu hiện sổ mũi, đau họng và sốt cao. Các nhà khoa học tại trường Đại học Chulalongkorn đã nhanh chóng xác định đây là trường hợp nhiễm virus corona chủng mới, nhưng họ không có bản đồ gene từ Trung Quốc để so sánh.
Trong khi đó, các quan chức của WHO vẫn tiếp tục phàn nàn trong những cuộc họp nội bộ về sự chậm trễ của Trung Quốc trong việc công bố những thông tin quan trọng, dù trên lý thuyết thì nước này vẫn thực thi nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế.
Ông Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, cho rằng đã đến lúc phải thay đổi cách tiếp cận và gây sức ép để Trung Quốc cung cấp thêm thông tin: "Điều nguy hiểm là bất chấp những hành động thiện chí của chúng ta, sẽ có rất nhiều ý kiến chỉ trích và đổ lỗi cho WHO nếu có biến cố nào đó thực sự xảy ra".
Ngày 11/1, bác sĩ Trương đã công bố chuỗi trình tự gene của virus corona chủng mới trên trang virological.org, trước khi được sự cho phép của giới chức y tế Trung Quốc. Sau đó 1 ngày, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc, Viện nghiên cứu Virus Vũ Hán và Học viện Khoa học Y tế Trung Quốc mới công bố các chuỗi trình tự gene mà họ đã giải mã được.
Đến ngày 20/1, giới chức Trung Quốc mới đưa ra cảnh báo rằng virus corona chủng mới có khả năng lây nhiễm từ người sang người. WHO đã cử một đội chuyên gia tới Vũ Hán, và ông Galea, đại diện của WHO tại Trung Quốc đã tiếp tục khen ngợi nước này là "đối thoại cởi mở và liên tục về khả năng lây nhiễm từ người sang người của virus".
Trong tuần đó, ủy ban khẩn cấp của WHO - gồm các chuyên gia độc lập - đã tổ chức nhóm họp 2 lần và quyết định không đưa ra khuyến nghị về việc ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, những lo ngại của WHO đã khiến Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus và các nhà khoa học hàng đầu của tổ chức này có chuyến thăm bất thường tới Bắc Kinh.
Vào cuối chuyến thăm của ông Tedros, WHO đã tổ chức thêm một cuộc họp khẩn cấp, và cuối cùng đã đưa ra tuyên bố về tình trạng khẩn cấp toàn cầu vào ngày 30/1. Ông Tedros đã gửi lời cảm ơn tới Trung Quốc và không hề nhắc tới khoảng thời gian thất vọng, băn khoăn trước đó của WHO.
"Chúng ta nên thể hiện sự tôn trọng và lòng biết ơn tới Trung Quốc vì những điều họ đã và đang làm. Trung Quốc đã làm được những điều phi thường nhằm ngăn chặn sự lây lan của [virus corona chủng mới] sang các quốc gia khác", ông Tedros từng phát biểu trong giai đoạn này.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: AP
"Câu trả lời" của WHO và Trung Quốc
Tính từ thời điểm bản đồ gene của virus được giải mã (ngày 2/1) đến khi WHO chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu (ngày 30/1), quy mô của dịch bệnh đã tăng thêm từ 100-200 lần, theo dữ liệu cũ của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc.
Phía WHO và các quan chức được nêu tên trong bài viết của AP đã từ chối trả lời những câu hỏi của hãng tin này khi không có các bản ghi âm, tài liệu ghi chép cuộc họp tương ứng. AP đã quyết định không cung cấp để bảo vệ nguồn tin của mình.
Một thông cáo của WHO khẳng định: "Các lãnh đạo và nhân viên của chúng tôi đã làm việc ngày đêm để hỗ trợ và chia sẻ thông tin tới tất cả các quốc gia thành viên một cách công bằng, đồng thời tham gia vào các cuộc đối thoại thẳng thắn với chính quyền các cấp của những quốc gia này".
Phía NHC và Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không đưa ra bình luận khi AP liên hệ. Tuy nhiên, trong những tháng vừa qua, Trung Quốc đã liên tục khẳng định rằng mình đã công bố dịch bệnh và báo cáo cho WHO từ sớm, trong khi nhiều quốc gia khác - bao gồm Mỹ - lại phản ứng chậm trễ đến vài tuần và thậm chí là vài tháng.
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:
Tổ quốc