Áp thấp mạnh lên thành bão số 2, hướng về đất liền Việt Nam
Chiều nay (9/8) áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, trở thành cơn bão số 2 năm 2022, có tên quốc tế là MULAN, dự báo mạnh thêm trước khi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đổ bộ miền Bắc nước ta.
- 07-08-2022Vùng áp thấp sắp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, mùa bão năm nay phức tạp khó lường
- 04-08-2022Áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông, gây mưa ở miền Bắc
- 02-08-2022Biển Đông có thể xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới vào tuần sau
Vào 13 giờ chiều nay (9/8), tâm bão trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 300km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110km tính từ tâm bão.
Kịch bản có khả năng cao nhất hiện nay là bão sẽ đi vào di chuyển qua phía nam bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) sau đó đi vào vịnh Bắc Bộ, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi hướng về đất liền các tỉnh miền Bắc nước ta.
Dự báo đường đi và vùng ảnh hưởng của bão số 2.
Cụ thể trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 13 giờ ngày 10/8, tâm bão trên vùng biển phía Đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 350km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Đông Bắc của Bắc Bộ. Đến 13 giờ ngày 11/8, tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, áp sát biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/giờ), giật cấp 9.
Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng suy yếu dần.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 4-6m, biển động mạnh.
Khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ) từ tối và đêm mai (10/8) gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 2-4m, biển động mạnh. Do gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động.
Trên đất liền, từ chiều tối mai (10/8) đến khoảng ngày 12/8, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt.
Bão số 2 hình thành từ vùng áp thấp trên khu vực giữa Biển Đông vào sáng 6/8, mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong chiều qua (8/8), sau đó tiếp tục mạnh lên thành bão. Dù cường độ không quá mạnh nhưng bão số 2 được nhận định phức tạp khi liên tục chuyển hướng.
Tiền Phong