MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Áp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam: Tránh việc 'làm cho người khác hưởng'

Thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến áp dụng từ 2024 tại Việt Nam đang là chủ đề được khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài quan tâm, đặc biệt đối với các tập đoàn có quy mô lớn.

Thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng, hiện đã được 143 quốc gia đồng thuận. Với loại thuế này, các doanh nghiệp có doanh thu từ 750 triệu euro (tương đương 800 triệu USD) trở lên, trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất đều phải đóng mức thuế là 15%. Khi các doanh nghiệp đi đầu tư ở nước ngoài mà nộp thuế thu nhập tại nước đầu tư dưới mức 15% thì sẽ phải nộp phần chênh lệch tại nước nơi họ có trụ sở chính.

Tại thông báo kết luận cuộc họp thuế tối thiểu toàn cầu mới diễn ra, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đánh giá báo cáo của Bộ Tài chính chưa phân tích kỹ tác động, nhất là tác động bất lợi với nhà đầu tư đã được cam kết ưu đãi, nếu Việt Nam áp thuế này. Phó Thủ tướng đã yêu cầu nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước liên quan, đặc biệt là những nước có hoàn cảnh, điều kiện tương tự như Việt Nam, đánh giá kỹ lưỡng tất cả các tác động, nhất là tác động bất lợi để có các giải pháp ứng xử phù hợp.

Những quan điểm về “được, mất”

Trao đổi với Tiền Phong , chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình biết, ở Việt Nam có khoảng 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc các tập đoàn có doanh thu hợp nhất toàn cầu trên 800 triệu USD, sẽ nằm trong nhóm chịu thuế này, Trong đó có những tên tuổi lớn như Samsung, Intel…

Hiện có các ý kiến khác nhau đối với việc áp loại thuế này. Trong đó, có luồng ý kiến cho rằng, Việt Nam nên sớm áp dụng trong lúc nhiều nước khác đã bắt đầu áp dụng, tránh việc "làm cho người khác hưởng". Khi đó Việt Nam sẽ chậm chân, gánh thiệt thòi.

Ngược lại, có quan điểm lại cho rằng, nếu không cẩn trọng, vì mấy đồng thuế sẽ làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, môi trường đầu tư của Việt Nam. Thực tế suốt nhiều năm qua, Việt Nam đã đưa ra ưu đãi hấp dẫn "đại bàng làm tổ", mang lại nguồn lợi dài hạn cho nền kinh tế như việc làm, đóng góp cho ngân sách nhà nước, chuyển giao công nghệ. Do vậy, “cứng nhắc” trong việc áp loại thuế này để đảm bảo được nguồn thu thì chưa chắc có lợi, ngược lại, có thể làm ảnh hưởng đến việc giữ chân cũng như thu hút FDI.

Cũng theo ông Lê Duy Bình, với loại thuế này, các nước OECD và G7 buộc các doanh nghiệp phải chịu mức thuế tối thiểu 15% khi đầu tư ở nước ngoài. Nếu có chênh lệch giữa mức thuế ưu đãi giữa nước nhận đầu tư với mức thuế tối thiểu thì phải mang về, nộp phần chênh lệch ở nhà. Do vậy, Việt Nam cần nghiên cứu cẩn trọng để có những quy định, áp dụng cụ thể, phù hợp, “được” nhiều hơn “mất”.

“Việt Nam sẽ đứng giữa hai lựa chọn, thu hồi ưu đãi, buộc doanh nghiệp đóng đủ 15% ở Việt Nam. Thứ hai, đóng phần chênh lệch còn lại tại nước nơi họ đặt trụ sở chính”, ông Bình nói.

Việt Nam nên ứng xử thế nào?

Với các doanh nghiệp FDI, ông Lê Duy Bình cho biết, sự khác biệt là họ sẽ phải nộp tại Việt Nam ở mức thuế ưu đãi họ đang được hưởng và phần còn lại tại nước nơi họ đặt trụ sở chính, hay nộp toàn bộ mức tối thiểu 15% tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông Bình lo ngại nếu không cẩn trọng trong ứng xử thì các doanh nghiệp FDI vẫn có thể phàn nàn về cách Việt Nam ứng xử thế nào.

“Dù là thỏa thuận quốc tế, song việc áp đặt quy định mức thuế tối thiểu 15%, bãi bỏ các ưu đãi trước đây có thể sẽ tạo ra một tâm lý không tốt cho các nhà đầu tư”, ông Bình lo ngại. Hơn nữa, vấn đề phát sinh khác, nếu áp dụng mức thuế tối thiểu 15%, Việt Nam cũng khó có thể có quy định riêng cho hơn nghìn doanh nghiệp FDI thuộc đối tượng chịu thuế này.

Mức thuế tối thiểu này khi đó sẽ phải áp dụng cho tất cả khu vực doanh nghiệp FDI, thậm chí cho doanh nghiệp trong nước để đảm bảo các quy định về không phân biệt đối xử theo các quy định pháp luật của Việt Nam hiện nay và theo các điều khoản quốc tế mà Việt Nam cam kết.

Do vậy, vị chuyên gia khuyến nghị cần “tính toán kỹ và thận trọng”. “Tránh chuyện được mấy đồng thuế lại ảnh hưởng việc thu hút FDI, ảnh hưởng hình ảnh Việt Nam trong mắt nhà đầu tư và cũng tránh việc có sự khập khiễng, làm rối môi trường đầu tư”, ông Bình nhấn mạnh.

Về cách ứng xử phù hợp, ông Bình cho rằng, Việt Nam cần tìm giải pháp để tôn trọng các cam kết với các nhà đầu tư, trao cho họ cơ hội để họ chủ động lựa chọn và tìm cách hỗ trợ họ đối với sự lựa chọn đó. Chẳng hạn, các nhà đầu tư có thể lựa chọn đóng thuế tại Việt Nam ở mức ưu đãi và đóng luôn phần chênh lệch còn lại ở Việt Nam để đạt mức 15%, hoặc đóng phần chênh lệch còn lại tại nước nơi họ đặt trụ sở chính.

Theo Hải Bình

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên