Apax Holdings của ông Nguyễn Ngọc Thuỷ lần 2 lên tiếng về việc cổ phiếu sàn 5 phiên liên tiếp
Kết phiên 7/12, cổ phiếu IBC đánh dấu phiên thứ 11 giảm sàn liên tiếp và vẫn chưa ngừng đà lao dốc, tương ứng “bốc hơi” 54% thị giá chỉ sau hơn 2 tuần giao dịch.
Trong thông báo mới nhất, Công ty Cổ phần Đầu tư Apax Holdings (mã CK: IBC) đã có văn bản giải trình đến Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) về việc cổ phiếu tiếp tục giảm sàn 5 phiên liên tiếp từ 30/11 đến 6/12.
Apax Holdings cho rằng giá cổ phiếu IBC giảm trong thời gian gần đây là do yếu tố tâm lý của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế cũng như những tác động của bối cảnh vĩ mô. Đồng thời, nhà đầu tư cổ phiếu IBC có vay ký quỹ/thế chấp bị ép bán chủ động từ các Công ty Chứng khoán để nhanh chóng thu hồi vốn vay và hiện tượng này vẫn tiếp tục xảy ra.
Trước đó, trong lần đầu giải trình 5 phiên giảm sàn từ 23-29/11, công ty lặp lại nguyên nhân “ giá cổ phiếu IBC giảm trong thời gian gần đây là do yếu tố tâm lý của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế cũng như những tác động của bối cảnh vĩ mô ”.
Apax Holdings cũng khẳng định luôn tuân thủ các quy định của pháp luật đối với công ty đại chúng niêm yết và rất mong được sự chấp thuận của các cơ quan quản lý.
Trên thị trường, cổ phiếu IBC đã đánh dấu 11 phiên liên tiếp giảm hết biên độ và vẫn chưa ngừng đà lao dốc. Tính đến phiên 7/12, cổ phiếu tiếp tục giảm sàn xuống còn 7.070 đồng/cp, với lượng dư bán sàn lên đến gần 4 triệu đơn vị, trong khi khối lượng khớp lệnh chỉ vào khoảng 12 nghìn cổ phiếu. Như vậy, IBC đã “bốc hơi” 54% thị giá chỉ sau hơn 2 tuần giao dịch kể từ 23/11. Nếu tính từ đầu năm, cổ phiếu này đã "lao dốc" 65% giá trị.
Đà giảm của cổ phiếu diễn ra sau loạt lùm xùm, mới nhất là việc IBC bị Cục Thuế TP. Hà Nội cưỡng chế thuế. Cụ thể, ngày 16/11/2022, Cục Thuế TP. Hà Nội đã ra quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của IBC (địa chỉ tại số 88 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) với tổng số tiền hơn 5,6 tỷ đồng.
Nguyên nhân bị cưỡng chế thuế là bởi Apax Holdings mở tài khoản tiền gửi tại nhiều ngân hàng, để tránh việc các ngân hàng trích vượt số tiền cưỡng chế theo quy định, Cục thuế TP Hà Nội đã ban hành 17 các quyết định gửi đến 9 ngân hàng và các chi nhành.
Ở diễn biến khác, Apax English - công ty con của Apax Holdings - cũng vừa thông báo tái cấu trúc hệ thống kể từ ngày 25/11 và dự kiến kết thúc vào hết quý 1/2023. Động thái này diễn ra sau khi Apax English thời gian gần đây bị nhiều phụ huynh học sinh tố hệ thống này tạm dừng giảng dạy trong khi đã nhận tiền học phí. Nhiều phụ huynh đã đề nghị Apax English hoàn trả học phí khi không thực hiện đúng cam kết đào tạo, thậm chí một số cơ sở đóng cửa và không có thông tin cụ thể cho phụ huynh và học sinh.
Apax Holdings sau đó đã lên tiếng thừa nhận những vấn đề được báo chí được ra đang là những tồn tại của Apax English. Lãnh đạo của Apax English đã và đang phối hợp với Apax Holdings đã có những phương án xử lý phù hợp.
Tại buổi gặp gỡ và giải đáp thắc mắc của các cổ đông và nhà đầu tư liên quan đến các hoạt động đầu tư vào Tập đoàn Egroup hôm 5/12, ông Nguyễn Ngọc Thủy cho biết, những tin đồn cho rằng ông đã nhờ một công ty dịch vụ làm hồ sơ cho gia đình định cư ở châu Âu là hoàn toàn bịa đặt. Phía Egroup đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh thông tin của các cá nhân tung tin đồn thất thiệt để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng theo ông Thủy, với hệ thống lớn, tập đoàn gặp gánh nặng về chi phí mặt bằng, vận hành, lương nhân viên và rất nhiều nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật. Điều này đã khiến việc thực hiện nghĩa vụ đối với các cổ đông bị gián đoạn.
Đơn vị sản xuất Shark Tank Việt Nam - TVHub thông báo, ông Nguyễn Ngọc Thủy không còn là shark của chương trình Shark Tank Việt Nam.
Nhịp sống thị trường