Apple chuyển nguồn lực kỹ thuật quan trọng tới Việt Nam
Theo Nikkei, lần đầu tiên Apple phân bổ nguồn lực phát triển sản phẩm iPad sang Việt Nam, đánh dấu bước tiến quan trọng nhằm củng cố vị thế của Việt Nam như một trung tâm sản xuất của “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ.
- 17-12-2023Thủ tướng gặp các đối tác Nhật, tiếp tục gỡ vướng cho 2 dự án tỷ USD
- 17-12-2023Nhất quán mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô
- 17-12-2023Việt Nam và cơ hội đầu tư của doanh nghiệp Quebec
Apple đang hợp tác với nhà lắp ráp iPad BYD của Trung Quốc để chuyển nguồn lực phát triển sản phẩm (NPI) sang Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Apple chuyển nguồn lực NPI sang Việt Nam cho một thiết bị cốt lõi của hãng.
Nguồn tin của Nikkei cho biết, quá trình thẩm định kỹ thuật để sản xuất thử nghiệm mẫu iPad sẽ bắt đầu vào giữa tháng 2 tới. Dự kiến mẫu iPad này sẽ được hoàn thiện vào nửa cuối năm 2024.
BYD là nhà cung cấp đầu tiên của Apple giúp "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ chuyển dây chuyền lắp ráp iPad sang Việt Nam hồi năm 2022.
NPI đòi hỏi phải có các nguồn lực đáng kể từ cả Apple lẫn các nhà cung cấp, không chỉ là về kỹ sư mà còn phải đầu tư phòng thí nghiệm để kiểm nghiệm các tính năng mới của sản phẩm. Hiện hầu hết quy trình này của Apple đang thực hiện tại Trung Quốc với sự hợp tác của các kỹ sư từ trụ sở chính của Apple. Tuy nhiên, Apple đang phải tính toán lại cách tiếp cận này và có kế hoạch chuyển một số quy trình NPI của iPhone tới Ấn Độ.
Apple là nhà sản xuất máy tính bảng lớn nhất thế giới với thị phần chiếm 36,6% trong 3 quý đầu năm nay. Tuy nhiên, theo Counterpoint Research, mới chỉ có khoảng 10% tổng số iPad được sản xuất tại Việt Nam, còn lại phần lớn vẫn được sản xuất ở Trung Quốc.
Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất công nghệ quan trọng của Apple bên ngoài Trung Quốc. “Gã khổng lồ” Mỹ đã yêu cầu các nhà cung cấp phải xây dựng công suất sản xuất mới cho gần như toàn bộ các sản phẩm của hãng (ngoại trừ iPhone) tại quốc gia Đông Nam Á này.
Theo các chuyên gia, việc chuyển giao các nguồn lực NPI đồng nghĩa các trung tâm sản xuất ngoài Trung Quốc sẽ trở thành cơ sở sản xuất thay thế thực sự.
Ông Ivan Lam - nhà phân tích kỹ thuật của Counterpoint Research - đánh giá: “Việt Nam luôn đóng vai trò quan trọng và chiến lược trong sản xuất, có tiềm năng trở thành một trong những trung tâm sản xuất toàn cầu tiếp theo”. Theo ông, bản đồ chuỗi cung ứng gần đây của Apple đã chứng khả năng của cơ sở tại Việt Nam trong việc sản xuất và mở rộng sản xuất iPad.
Bryan Ma - Phó chủ tịch nghiên cứu thiết bị khách hàng của IDC - cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi từ nỗ lực đa dạng hóa của ngành thiết bị, không chỉ là máy tính bảng mà cả máy tính cá nhân.
“Việc toàn bộ hệ sinh thái đi theo các nhà lắp ráp là điều quan trọng, đặc biệt trong việc sản xuất máy tính xách tay”, ông nói.
Tiền Phong