Apple cực giỏi làm iPhone nhưng làm thứ này lại như "đứa trẻ": Nhìn các anh tài Trung Quốc mà học tập?
Dù là công ty công nghệ hàng đầu thế giới, Apple vẫn chưa thể sánh bằng các công ty công nghệ Trung Quốc trong lĩnh vực mới mẻ này.
Tay chơi công nghệ làm xe điện
Khi chiếc xe rít lên trong lúc đạt tốc độ cao, một trong những nhà thiết kế của Jidu Robocar 07 bình thản giải thích với phóng viên về cách thức hoạt động của xe điện.
Nhiều tính năng của xe điện được điều khiển bằng lệnh thoại và hầu như không có nút bấm hoặc núm xoay. Xe có chức năng lái tự động, thiết kế thể thao và theo nhà sản xuất tuyên bố, có thể đi 900 km chỉ với một lần sạc trong 12 phút.
Khi được bán vào đầu tháng 9, giá dự kiến chỉ 220.000 nhân dân tệ (khoảng 770 triệu đồng). "Đây là tương lai của lái xe", nhà thiết kế nói.
Một đặc điểm đáng chú ý khác của chiếc xe điện này là nó được tài trợ bởi Baidu, công ty công nghệ đứng sau công cụ tìm kiếm hàng đầu Trung Quốc. Baidu là một trong số ngày càng nhiều công ty công nghệ lớn ở đất nước tỷ dân mạo hiểm tham gia vào lĩnh vực kinh doanh ô tô trong những năm gần đây.
Huawei, một công ty thiết bị viễn thông nổi tiếng khác cũng đã tham gia vào ngành này. Xiaomi, nổi tiếng nhất với điện thoại thông minh và đồ gia dụng, là một ví dụ tương tự. Vào tháng 3, công ty đã ra mắt xe điện của riêng mình, chiếc SU 7.
Hôm 21/8, công ty thông báo họ đã bán được hơn 27.000 chiếc ô tô trong quý từ tháng 4 đến tháng 6. Công ty đặt mục tiêu bán được 120.000 chiếc vào cuối năm. Mảng kinh doanh xe điện của Xiaomi hiện có 87 trung tâm bán hàng trên 30 thành phố của Trung Quốc.
Đối với các công ty công nghệ phương Tây, ô tô lại là lĩnh vực gây thất vọng. Amazon đầu tư rất nhiều vào Rivian, nhà sản xuất xe tải điện đã mất khoảng 90% giá trị thị trường kể từ khi chào bán công khai lần đầu vào năm 2021.
Waymo, một dự án xe tự hành do Alphabet kiểm soát, phải đối mặt với sự giám sát của cơ quan quản lý về hồ sơ an toàn. Apple dành gần một thập kỷ và khoảng 10 tỷ USD cho một dự án có tên mã là "Titan", nhưng nhà sản xuất iPhone đã từ bỏ vào đầu năm nay mà không thu được nhiều thành quả. Dyson, một công ty của Anh nổi tiếng với máy hút bụi và máy sấy tóc cũng đã thử và thất bại trong việc phát triển một chiếc xe điện.
Trung Quốc thì khác, một phần vì người mua xe ở nước này trẻ hơn nhiều so với phương Tây. Nhiều người trong số họ đánh giá xe dựa trên phần mềm và hệ thống giải trí — xe điện Trung Quốc thường được mô tả là "điện thoại thông minh trên bánh xe". Điều đó giúp các công ty công nghệ dễ dàng thâm nhập thị trường hơn. Đáng chú ý là một số thương hiệu xe điện thành công của Trung Quốc được thành lập bởi những "cựu chiến binh công nghệ".
Li Auto, một trong những nhà sản xuất xe điện và xe hybrid lớn nhất Trung Quốc, được thành lập vào năm 2015 bởi Li Xiang, một doanh nhân trong lĩnh vực internet. He Xiaopeng, người đồng sáng lập Xpeng, một doanh nghiệp xe điện lớn khác của Trung Quốc bắt đầu sự nghiệp bằng phát triển phần mềm.
Con đường còn gập ghềnh
Các công ty công nghệ Trung Quốc đã tiếp cận ngành công nghiệp theo nhiều cách khác nhau. Baidu thành lập JIDU như một liên doanh với Geely, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc; công ty công nghệ này nắm giữ 48% cổ phần trong doanh nghiệp. Điều này giúp công ty không phải mất công học cách sản xuất ô tô, thay vào đó, họ có thể tập trung vào việc cung cấp công nghệ như nhận dạng giọng nói và phần mềm lái xe tự động.
Đối với Apollo Go, doanh nghiệp robotaxi của Baidu, các phương tiện cũng được cung cấp bởi các thương hiệu ô tô Trung Quốc như Hongqi và Arcfox.
Huawei đã lái theo một hướng khác. Để đổi lấy một phần doanh số, công ty hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô như Seres, nhà sản xuất thương hiệu xe điện AITO , về phần mềm, phần cứng, thiết kế và tiếp thị.
Trong nửa đầu năm, công ty đã giúp phát triển và bán được 200.000 ô tô. Tại cửa hàng hàng đầu của Huawei trên phố mua sắm chính ở Bắc Kinh, các cửa sổ được xếp đầy ô tô, như thể để chế giễu cửa hàng Apple nằm ngay đối diện.
Xiaomi đang đi xa nhất trên con đường trở thành một nhà sản xuất ô tô chính thức. Công ty công bố kế hoạch sản xuất ô tô chỉ ba năm trước, ban đầu chọn BAIC, một nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, làm nhà sản xuất theo hợp đồng.
Tháng trước, chính phủ Trung Quốc đã cấp phép cho công ty tự sản xuất xe, đánh dấu mốc cho sự chuyển mình của công ty. Xiaomi khởi sự vào năm 2011 bằng việc bán điện thoại thông minh giá rẻ và kể từ đó đã phát triển thành một trong những nhà sản xuất đồ công nghệ hàng đầu đất nước.
Thành công trong sản xuất ô tô sẽ là sự minh oan sau cùng cho một doanh nghiệp từ lâu bị cáo buộc sao chép sản phẩm của Apple.
Tuy nhiên, con đường đến với lợi nhuận có thể gập ghềnh. Mặc dù xe tự lái đang ngày càng phổ biến ở Trung Quốc, nhưng các rào cản về mặt pháp lý có thể hạn chế các cơ hội từ công nghệ này.
Quan trọng hơn, những cái tên mới tham gia ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc đều làm gia tăng cuộc chiến giá cả vốn đã khốc liệt.
Xiaomi có thể sẽ phải bán khoảng 300.000-400.000 xe mỗi năm để có lãi. Huawei cho biết đơn vị ô tô của họ hòa vốn khi xe được bán với giá 300.000 nhân dân tệ; một số xe AITO hiện chỉ đang bán với giá 250.000 nhân dân tệ.
Các công ty công nghệ của Trung Quốc đã trở thành đối thủ đáng gờm trong ngành công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, kiếm tiền lại là một vấn đề khác.
doisongphapluat.nguoiduatin.vn