Apple, Microsoft thừa nhận dịch vụ của mình chưa đủ tầm để được coi là ‘người gác cổng’
Mọi nền tảng hơn 45 triệu người dùng, doanh thu hàng năm 7,5 tỷ euro và vốn hóa trên 75 tỷ euro đều phải tuân thủ quy định của EU và Apple, Microsoft khẳng định dịch vụ của mình không nằm trong số đó.
- 04-09-2023Tung biện pháp mạnh để gia tăng thị phần Bing Search, Microsoft làm người dùng Windows 11 "hoảng hồn" vì tưởng malware
- 31-08-2023Chủ tịch tập đoàn Microsoft khẳng định cần kiểm soát AI
- 23-08-2023Microsoft sẽ cho phép người dùng xóa các ứng dụng mặc định để tiết kiệm dung lượng
Apple và Microsoft, hai trong số những gã khổng lồ giá trị nhất nước Mỹ, vừa lập luận rằng một số dịch vụ hàng đầu của mình không đủ điều kiện để được coi là “người gác cổng” theo luật mới mà EU áp đặt nhằm hạn chế sức mạnh các Big Tech.
Theo FT, cuộc chiến của Brussels với Apple về ứng dụng trò chuyện iMessage và công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft diễn ra trước khi danh sách các dịch vụ bị quản lý bởi Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) được công bố. Đạo luật này áp đặt trách nhiệm mới đối với các công ty công nghệ, bao gồm chia sẻ dữ liệu, liên kết với các đối thủ cạnh tranh và gia tăng tính tương tác giữa các ứng dụng.
Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (DSA) đã được thông qua và triển khai từ năm ngoái, song ngày 26/8 vừa qua mới thực sự đánh dấu cột mốc quan trọng. Theo đó, bất kỳ nền tảng công nghệ nào với hơn 45 triệu người dùng, có doanh thu hàng năm 7,5 tỷ euro và vốn hóa trên 75 tỷ euro đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định.
Hiện Microsoft đã bác bỏ quan điểm cho rằng Bing phải tuân thủ các nghĩa vụ tương tự đối thủ lớn hơn của mình là Google Search. Thị phần Bing quá nhỏ và việc bị giám sát chặt chẽ hơn nữa về mặt pháp lý sẽ khiến ứng dụng này gặp bất lợi lớn. Ngoài ra, nếu tuân theo quy tắc mới, Bing sẽ phải cung cấp thêm cho người dùng các sự lựa chọn tìm kiếm khác, chẳng hạn như Google. Điều này vô hình chung thúc đẩy thị phần Google và Microsoft chắc chắn không hề muốn chúng xảy ra.
Trong khi đó, phía Apple lập luận rằng iMessage không đáp ứng được ngưỡng số lượng người dùng tối thiểu mà các quy tắc mới áp đặt, vậy nên không có nghĩa vụ tuân thủ DSA như WhatsApp của Meta. Tuy nhiên, đại diện phía tập đoàn vẫn khẳng định “mục tiêu của DSA phù hợp với mục tiêu của Apple là bảo vệ người tiêu dùng khỏi nội dung bất hợp pháp và có hại và chúng tôi sẽ cố gắng tuân theo các yêu cầu của DSA”.
Được biết, Apple thời gian qua không hề tiết lộ bất kỳ số liệu nào về lượng người dùng. Quyết định cuối cùng phụ thuộc vào cách Apple và EU xác định thị trường mà iMessage hoạt động.
Theo FT, một số dịch vụ của các công ty công nghệ lớn tại Mỹ, bao gồm Google, Amazon và Meta, sẽ bị quản lý theo Luật DMA. TikTok thuộc sở hữu của Trung Quốc cũng sẽ nằm trong danh sách.
Instagram, Facebook và công cụ tìm kiếm của Google được cho là sẽ phải tuân theo các quy định mới nhằm mục đích mở cửa thị trường và tạo điều kiện cho sự cạnh tranh công bằng hơn từ các công ty khởi nghiệp châu Âu.
Chính phủ Brussels hiện vẫn đang cân nhắc việc đưa iMessage và Bing vào danh sách cuối. Ủy ban Châu Âu có thể mở một cuộc điều tra để xác định xem các dịch vụ này liệu có phải đối mặt với các nghĩa vụ mới được đặt ra trong DMA hay không.
Đây là bước đầu trong nỗ lực thực hiện các quy tắc mang tính bước ngoặt được áp dụng đầy đủ vào mùa xuân tới. Ủy ban châu Âu hiện đã chuẩn bị sẵn sàng trước những thách thức pháp lý để đưa ra quyết định của mình.
Andreas Schwab, người đứng đầu cuộc đàm phán về các quy tắc, cho biết: “DMA sẽ mang đến sự cạnh tranh mới cho các thị trường kỹ thuật số ở châu Âu và bây giờ ủy ban phải làm cho nó hoạt động”.
Đây không phải là lần đầu tiên các công ty công nghệ công khai thách thức Ủy ban châu Âu về các quy tắc kỹ thuật số. Nhà bán lẻ trực tuyến Zalando của Đức và gã khổng lồ công nghệ Amazon của Mỹ trước đó cũng từng cáo buộc rằng Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số nhắm mục tiêu không công bằng.
Cuộc chiến pháp lý giữa những gã khổng lồ công nghệ và các cơ quan quản lý EU diễn ra vào đúng thời điểm nhạy cảm. Đầu năm nay, Brussels cũng đã dọa ‘chia tay’ Google vì cho rằng một số hoạt động của nền tảng là bất hợp pháp trong lĩnh vực công nghệ quảng cáo.
Phía EU nhấn mạnh mục tiêu nhằm “thiết lập sân chơi bình đẳng thúc đẩy đổi mới, tăng trưởng và khả năng cạnh tranh tại thị trường chung châu Âu cũng như trên toàn cầu”. Động thái cũng giúp củng cố vị thế châu Âu với tư cách quốc gia tiên phong kiểm soát Big Tech.
Ngay sau khi đạo luật mới được siết chặt, TikTok tháng này đã triển khai công cụ báo cáo nội dung bất hợp pháp, đồng thời cam kết giải thích cụ thể với người dùng khi họ bị xóa bỏ nội dung đăng tải. TikTok cũng sẽ ngừng hiển thị quảng cáo hướng tới thanh thiếu niên ở châu Âu dựa trên dữ liệu công ty thu thập.
“Chúng tôi đã giới thiệu tính năng mới tập trung vào sự minh bạch xung quanh cách tiếp cận hệ thống quảng cáo, kiểm duyệt nội dung và đề xuất cho người dùng. Khách hàng sẽ có nhiều quyền kiểm soát hơn khi dùng nền tảng”, đại diện TikTok Morgan Evans nói.
Trong khi đó, Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta Nick Clegg khẳng định tập đoàn “ủng hộ mục tiêu của DSA và đang phát triển đội ngũ quản lý ở châu Âu nhằm giảm thiểu rủi ro”. Meta đã tập hợp hơn 1.000 nhân viên nhằm sẵn sàng xử lý các yêu cầu từ DSA.
Tương tự, công ty mẹ Snapchat, Snap, tuyên bố ‘bắt tay’ chặt chẽ với Ủy ban châu Âu để thực thi luật mới. Google và Pinterest cũng đang trong quá trình hợp tác chặt chẽ với cơ quan này. Tuân thủ luật pháp là điều phải làm, theo ông Robert Grosvenor, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Alvarez & Marsal.
Theo: FT, CNN
Nhịp sống thị trường