MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Argentina xoay trục sang Mỹ: Quan hệ với Trung Quốc sẽ căng thẳng, nhưng giúp BRICS 'né một viên đạn'

08-01-2024 - 19:43 PM | Tài chính quốc tế

Theo các nhà phân tích, việc Argentina từ chối gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) có thể làm căng thẳng quan hệ với Trung Quốc nhưng khối này đã "né được một viên đạn".

Thời điểm này không phải là "cơ hội" để Argentina gia nhập BRICS

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), đã có sự không chắc chắn về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Argentina kể từ khi nhà kinh tế cực hữu Javier Milei được bầu làm tổng thống của quốc gia Mỹ Latinh này vào tháng 11/2023. Mặc dù gần đây ông Milei đã dịu giọng hơn, nhưng ông từng vận động cắt đứt quan hệ với Trung Quốc.

Ông Javier Milei được bầu làm Tổng thống Argentina vào tháng 11/2023. Ảnh: AP

Theo SCMP, chính sách đối với Trung Quốc của Tổng thống Milei hoàn toàn trái ngược với chính sách của người tiền nhiệm trung tả Alberto Fernandez - người vào năm 2022 đã ký kết tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá hàng nghìn tỷ USD của Bắc Kinh. Việc ông Fernandez tham dự Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh cùng năm đó, rồi Diễn đàn Vành đai và Con đường vào tháng 10/2023, được coi là dấu hiệu của mối quan hệ ngày càng phát triển giữa hai nước.

Tuy nhiên, tổng thống đương nhiệm Milei đã nói rõ rằng, "sự liên kết địa chính trị" của đất nước ông là với Mỹ và Israel.

Tổng thống Milei đã gửi thư cho các nhà lãnh đạo BRICS vào tháng 12/2023 nói thời điểm này không phải là "cơ hội" để Argentina tham gia với tư cách thành viên chính thức. Ông dường như đang thực hiện cam kết từ bỏ những nỗ lực của người tiền nhiệm Fernandez trong việc tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nền kinh tế đang phát triển.

Argentina rút lui là "nguồn cơn gây ra một số bối rối"

Theo SCMP, Argentina - quốc gia đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu sắc - là một trong 6 quốc gia vào tháng 8/2023 được mời gia nhập BRICS để nâng số thành viên nhóm lên 11 quốc gia. Cựu tổng thống Argentina Fernandez đã xác nhận việc gia nhập khối như một cơ hội để tiếp cận các thị trường mới.

Giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Sư phạm Đông Trung Quốc ở Thượng Hải Josef Gregory Mahoney cho biết, Bắc Kinh đã đoán trước rằng Argentina sẽ gia nhập BRICS, vì vậy việc rút lui của nước này là "nguồn cơn gây ra một số bối rối".

Mahoney nói: "Tôi thực sự sẽ không mô tả quyết định của Argentina là một bước thụt lùi đối với BRICS hay Trung Quốc, mà đó là một bước lùi đối với Argentina."

Mahoney cũng nhận định, với tình trạng nghèo nàn của nền kinh tế Argentina, "việc rút lui của ông ấy [Tổng thống Milei] là một điều may mắn cho các thành viên BRICS khác – họ đã né được một viên đạn".

Mahoney nói thêm rằng, Tổng thống Milei - người theo chủ nghĩa tự do cấp tiến - đang theo đuổi "các chính sách trị liệu sốc", chẳng hạn như động thái cắt giảm hơn 50% giá trị đồng peso của Argentina so với đồng USD.

Tổng thống Argentina Javier Milei (giữa) cho biết trong thư gửi các nhà lãnh đạo BRICS rằng, thời điểm này không phải là "cơ hội" để Argentina tham gia với tư cách thành viên chính thức. Ảnh: Reuters

Zhang Chi - phó giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học St Andrews (Scotland) – cho biết, quyết định của Tổng thống Milei về BRICS phản ánh mối quan ngại lớn hơn giữa các nước đang phát triển đang chịu áp lực phải lựa chọn giữa trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu và các hệ thống thay thế.

Zhang nói: "Trong ngắn hạn, quyết định xoay trục sang phương Tây và liên kết với Mỹ của Argentina, bất chấp thiện chí từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, có thể dẫn đến sự suy giảm trong quan hệ ngoại giao và kinh tế với Trung Quốc."

Theo SCMP, vào tháng 11/2023, ông Tập đã gửi tin nhắn chúc mừng ông Milei đắc cử Tổng thống Argentina, nói rằng ông sẵn sàng làm việc với nhà lãnh đạo mới để tiếp tục duy trì tình hữu nghị Trung Quốc - Argentina, "thông qua hợp tác cùng có lợi và thúc đẩy sự phát triển ổn định và sâu rộng của quan hệ Trung Quốc - Argentina".

Zhang nói: "Về lâu dài, nếu các nước Mỹ Latinh khác làm theo sự dẫn dắt của Argentina trong việc đánh giá lại sự tham gia BRICS của họ, nơi Trung Quốc đóng vai trò quan trọng, điều đó có thể làm suy yếu ảnh hưởng đối với kinh tế khu vực của khối và làm suy yếu ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Mỹ Latinh."

Zhang nói: "Trung Quốc đã nổi lên như một đối tác thương mại hàng đầu của Nam Mỹ, có ảnh hưởng đáng kể thông qua đầu tư và cho vay trực tiếp nước ngoài rộng rãi, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường."

Theo bà Zhang, những mối liên hệ đó khiến Washington lo lắng, trong khi đối với Tổng thống Milei, điều bắt buộc là phải "truyền đạt sự liên kết rõ ràng hơn với Mỹ, đặc biệt là sau các cuộc gặp gần đây của ông với các quan chức Mỹ".

Zhang nói thêm: "Sự thay đổi này biểu thị động thái rời bỏ các chính sách trước đây một cách có chủ ý và nhấn mạnh lại việc liên kết với Mỹ, trong khi có lập trường quyết đoán hơn đối với Trung Quốc."

Tổng thống Argentina Milei giống với phong cách của ông Trump

Nhà phân tích Mahoney ví phong cách của Tổng thống Argentina Milei giống với phong cách của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, đặc biệt là mục tiêu đã nêu ra của ông là tăng cường quan hệ song phương với các quốc gia mà không thông qua các tổ chức quốc tế như BRICS.

Mahoney cho biết: "Milei là một người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu, người đã đi ngược lại các chính sách của chính phủ trước đó, vốn theo đuổi tư cách thành viên BRICS."

Mahoney cho biết, ông Milei, giống như ông Trump, đã sử dụng "thông điệp dân túy, cấp tiến để thu hút các cử tri phân cực, thất vọng sâu sắc, những người đã chán ngấy và sẵn sàng thử điều gì đó mới".

Nhà phân tích Xu Qinduo chính trị tại tổ chức tư vấn Pangoal Institution (Trung Quốc) lập luận rằng, nếu Argentina gia nhập BRICS, điều đó có thể khiến khối này trở nên hấp dẫn hơn đối với các nước Mỹ Latinh khác.

Xu nói: "Argentina là nền kinh tế lớn thứ hai ở [Nam Mỹ] và vẫn là một cường quốc nông nghiệp, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế kinh niên. Việc nước này gia nhập BRICS sẽ khiến khối có ảnh hưởng lớn hơn với tư cách là một khối các nền kinh tế mới nổi và có lẽ sẽ đại diện nhiều hơn cho Nam bán cầu."

Xu cho biết, một số quốc gia Mỹ Latinh lo ngại bị coi là "chống phương Tây" khi tham gia BRICS, trong khi những quốc gia khác tập trung vào các cơ hội kinh tế vì các thành viên BRICS được hưởng lợi từ các khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) do BRICS thành lập vào năm 2014 và được tiếp cận nhiều hơn với các nền kinh tế khu vực.

Mặc dù từ chối BRICS và cố gắng hướng về Washington, Xu cho biết Tổng thống Argentina Milei vẫn sẵn sàng phát triển quan hệ thương mại và đầu tư theo những cách khác.

Xu nói: "Có nhiều lý do để Argentina duy trì quan hệ thương mại với các nước BRICS. Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ nằm trong số 5 đối tác thương mại hàng đầu của nước này."


Theo Hữu Hiển

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên