MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc thừa nhận cần thiết tái cấu trúc chuỗi cung ứng hậu Covid-19

Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng Kinh tế ASEAN+3 được đưa ra trong chiều 4/6 gồm 11 điều nhằm giảm thiểu tác động kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19.

Thứ nhất các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN, Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc về đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực và trên thế giới. Họ bày tỏ hi vọng dịch bệnh sớm chấm dứt và thể hiện cam kết cùng nhau giảm thiểu tác động của đại dịch.  

Thứ hai, các Bộ trưởng hoan nghênh sự sẵn sàng của ASEAN trong việc hợp tác để giải quyết hậu quả dịch bệnh. Họ thừa nhận rằng cần thiết phải cùng nhau nỗ lực và phối hợp để giải quyết các tác động bất lợi của đại dịch COVID-19 đối với người dân, bao gồm cả sự gián đoạn kinh tế đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng khu vực, thị trường tài chính và nguồn nhân lực.

Thứ ba, các Bộ trưởng triển khai Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó với dịch COVID-19 và nhất trí thực hiện các bước tiếp theo cần thiết để đưa chỉ đạo của các Nhà Lãnh đạo thành các hành động cụ thể.

Thứ tư, các Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì các cam kết mở cửa thị trường về thương mại và đầu tư để đảm bảo an ninh lương thực, tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và tính bền vững của chuỗi cung ứng trong khu vực, duy trì lượng hàng hoá và dịch vụ cần thiết.

Phù hợp với điều này, các Bộ trưởng đồng ý kiềm chế các biện pháp không cần thiết có thể ảnh hưởng tới dòng luân chuyển của hàng hoá thiết yếu như thực phẩm, thuốc men và vật tư y tế trong khu vực và sẽ thông báo cho tất cả các bên các biện pháp hạn chế thương mại theo các quy tắc hiện hành của WTO.

Các Bộ trưởng cũng bày tỏ cam kết nỗ lực tối đa để đảm bảo dòng luân chuyển hàng hoá và dịch vụ được liên tục, đặc biệt là các hàng hoá và dịch vụ thiết yếu.

Thứ năm, các Bộ trưởng sẽ tiếp tục giải quyết các hàng rào phi thuế, đặc biệt là các rào cản cản trở dòng luân chuyển của hàng hoá và dịch vụ trong chuỗi cung ứng. Họ sẽ đảm bảo rằng các biện pháp hạn chế di chuyển hàng hoá và dịch vụ xuyên biên giới được coi là cần thiết cho việc ứng phó khẩn cấp cho y tế công cộng phải được áp dụng minh bạch, đúng đối tượng, hợp lý, mang tính tạm thời và phù hợp với các quy định của WTO để không hạn chế thương mại trong khu vực một cách không cần thiết.

Các Bộ trưởng khuyến khích đưa ra các biện pháp thuận lợi để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế từ cuộc khủng hoảng này.

Thứ sáu, các Bộ trưởng hoan nghênh những nỗ lực sử dụng một cách hiệu quả Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (APTERR) để khắc phục khả năng thiếu lương thực và đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực trong trường hợp khẩn cấp. Họ hoan nghênh sáng kiến khám phá khả năng phát triển dự trữ khu vực đối với các vật tư y tế thiết yếu cho phép đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu khẩn cấp.

Thứ bảy, các Bộ trưởng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các MSMEs và các ngành dễ bị tổn thương. Họ khuyến khích sử dụng nền tảng kinh tế kỹ thuật số và công nghệ cho phép tiếp tục hoạt động và tái sử dụng năng lực của nọ để đáp ứng cho nhu cầu mới. 

Thứ tám, các Bộ trưởng hoan nghênh chia sẻ kiến thức và trao đổi các thực tiễn tốt nhất về các chính sách và chương trình để quản lý các tác động bất lợi của đại dịch COVID-19 đối với các hoạt động kinh tế.

Thứ chín, các Bộ trưởng khuyến khích thúc đẩy hợp tác chặt chẽ, đặc biệt giữa các cơ quan Hải quan, tiếp tục thúc đẩy các biện pháp thuận lợi hóa thương mại, đặc biệt là ở biên giới đất liền, phù hợp với quy định của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) và WTO nhằm tạo thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa ở cửa khẩu nhằm mục đích giảm chi phí giao dịch và thúc đẩy sự phát triển của thương mại qua biên giới.

Thứ mười, các Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho các quan chức xác định và theo đuổi các sáng kiến, như Nghiên cứu chung về Hợp tác 10+3 để cải thiện kết nối chuỗi cung ứng (SCC) trong khuôn khổ ASEAN+3 hiện có để tăng cường nỗ lực chung nhằm phục hồi sau đại dịch trong khu vực, ổn định chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hoá và dịch vụ theo hướng cải thiện sự ổn định và khả năng phục hồi tăng trưởng và sự kết nối của nên kinh tế khu vực cũng như giúp cho nền kinh tế trở nên bền vững và ít bị tổn thương hơn trước các cuộc khủng hoảng bên trong và bên ngoài trong tương lai.

Cuối cùng, các Bộ trưởng sẽ làm việc cùng nhau để khôi phục tăng trưởng kinh tế trong khu vực bằng cách tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại khu vực thông qua việc giảm các rào cản thương mại, thúc đẩy thương mại, đầu tư và mở rộng các lĩnh vực hợp tác.

Họ vẫn cam kết ký Hiệp định RCEP trong năm 2020 cũng như giải quyết các vấn đề còn tồn tại của Ấn Độ, như được chỉ đạo trong Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo về RCEP thông qua năm 2019 như một phần của nỗ lực để đạt được mức độ hội nhập kinh tế khu vực cao hơn.

An Bình

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên