Asia Frontier Capital: Sự tham gia ngày càng lớn của nhà đầu tư nội tạo ra sự bền vững cho TTCK Việt Nam
AFC cho rằng mặc dù dòng vốn ngoại là yếu tố quan trọng với TTCK, nhưng điều quan trọng hơn là phải có sự tham gia ngày càng lớn của các nhà đầu tư nội để tạo ra một thị trường bền vững.
Trong báo cáo mới được công bố, Asia Frontier Capital (AFC) đánh giá thị trường cận biên Châu Á (bao gồm Việt Nam) đang giao dịch với mức định giá thấp nhất lịch sử. Theo AFC, các thị trường cận biên Châu Á được hưởng lợi lớn từ sự thay đổi chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Nhân khẩu học thuận lợi với dân số trẻ sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong tương lai cũng như giúp hồi phục mau chóng sau đại dịch.
Bên cạnh đó, việc các thị trường phát triển đã tăng mạnh, trong khi lợi nhuận trong năm 2020, 2021 có thể giảm sâu sẽ khiến định giá các thị trường cận biên trở nên hấp dẫn hơn trong vài năm tới.
Chỉ số MSCI Frontier Markets Index hiện đang giao dịch với P/E thấp nhất trong nhiều năm và quỹ cho rằng đây là cơ hội đầu tư hấp dẫn với thị trường cận biên trong 3-5 năm tới.
P/E MSCI Frontier Markets Index thấp nhất trong nhiều năm
Với TTCK Việt Nam, sau khi bứt phá mạnh trong tháng 4 và tháng 5, các chỉ số đã trải qua nhịp điều chỉnh trong tháng 6. Mặc dù tăng trưởng GDP Việt Nam vẫn duy trì mức dương trong quý 2 nhưng các nhà đầu tư đang tỏ ra thận trọng trước mùa công bố KQKD quý 2.
Thanh khoản TTCK Việt Nam tăng mạnh thời gian gần đây nhờ sự tham gia của nhà đầu tư nội. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trong hầu hết các tháng, nhưng đã được hấp thụ bởi các nhà đầu tư nội luôn sẵn sàng mua vào. Tính từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 200 triệu USD, nhưng con số này vẫn thấp hơn giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên 2 sàn niêm yết và chỉ chiếm khoảng 0,1% vốn hóa toàn thị trường.
AFC cho rằng mặc dù dòng vốn ngoại là yếu tố quan trọng với TTCK, nhưng điều quan trọng hơn là phải có sự tham gia ngày càng lớn của các nhà đầu tư nội để tạo ra một thị trường bền vững.
Nhà đầu tư nội tham gia TTCK tăng mạnh những tháng gần đây
Với mức tăng trưởng 0,36% trong quý 2, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có tăng trưởng dương. Việt Nam hiện đang nỗ lực hồi sinh ngành du lịch với những ưu đãi về giá. Tỷ lệ lấp đầy khách sạn đã tăng lên đáng kể, nhưng điều này đạt được nhờ sự giảm giá mạnh cho du khách. Do đó, AFC cho rằng các doanh nghiệp khách sạn, du lịch khó có thể kiếm được lợi nhuận vào lúc này, nhưng ít nhất các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, taxi đã hoạt động trở lại mà không cần trợ cấp của Chính phủ hoặc có thể đảm bảo thu nhập cho người lao động. AFC đánh giá tình hình ngành du lịch sẽ còn ảm đạm cho tới khi nới lỏng các quy định về nhập cảnh quốc tế bởi ảnh hưởng dịch Covid-19.
Tại thời điểm cuối tháng 6, quy mô đầu tư vào Việt Nam của AFC đạt gần 34 triệu USD thông qua quỹ AFC Vietnam Fund. Danh mục quỹ có 48 cổ phiếu, trong đó top 5 gồm ABI (6,7%(, VSC (4,5%), TCL (3,8%), LPB (3,2%), PTB (3,1%). Danh mục quỹ tại Việt Nam hiện giao dịch với P/E trailing 6,54x, P/B vào khoảng 1,02 lần và tỷ lệ cổ tức bình quân ở mức 7,63%.