MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ba bài học khởi nghiệp từ ACB

03-06-2017 - 08:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Khi bắt tay xây dựng một công ty từ con số 0, chắc hẳn ai cũng mong mình sẽ thành công. Không có con đường nào trải đầy hoa hồng, thành công cũng chỉ là đích đến của một chặng đường mà những gian nan ban đầu luôn được xem là thuốc thử liều cao để thử thách niềm tin, lòng kiên định và quyết tâm của các sáng lập viên.

Câu chuyện thành công của ACB bắt nguồn từ 24 năm trước. Nếu chỉ nhìn vào bức tranh thành công hiện tại, hẳn ai cũng nghĩ ngân hàng là ngành “dễ ăn”. Nhưng nếu soi vào giai đoạn đầu tiên, hẳn ai cũng phải thừa nhận thành quả nào cũng phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt” bên cạnh việc trả giá bằng sự lao động chính trực, nghiêm túc, bền bĩ. Và thành quả nào cũng để lại những bài học đáng quý.

Bài học khởi nghiệp 1: Có chuyên môn thì tốt, nhưng quan trọng nhất là sự đồng lòng đoàn kết giữa các sáng lập viên

Như các tổ chức khác được phát triển lên từ những hợp tác xã gọi vốn hay chí ít những thành viên sáng lập cũng là dân ngân hàng được đào tạo chính quy, ACB là sợi dây ràng buộc tình cảm của 28 con người phần lớn là những giảng viên đại học. Chưa từng có “background” ngân hàng, họ đến với nhau bằng tình cảm, và quan trọng hơn là sự đồng lòng về mục tiêu, chí hướng, cùng tin tưởng về một sự nghiệp lâu dài để cùng giữ chân động viên nhau vượt qua những khó khăn ban đầu.

Như một tất yếu, phương pháp đầu tiên điều hành ACB đơn giản bằng cụm từ “mò mẫm là chính”. Họ cùng nhau xây dựng những biểu mẫu, chứng từ, cùng phát triển quy trình làm việc, hoàn thiện hệ thống pháp trị nội bộ. Cái thời mà máy tính vẫn còn quá xa vời, họ tự săn lùng trên thị trường trôi nổi một máy chủ với dung lượng 1GB, và sau đó là 6 chiếc máy con đời 386 “huyền thoại”.

Bài học khởi nghiệp 2: Đơn hàng đầu tiên rất đáng trân quý, nó là động lực củng cố niềm tin và tiền đề cho những thành công sau này

Trong ngày khai trương, ACB ký được hợp đồng tín dụng đầu tiên với khách vay là ông Đ.V.K, và hợp đồng chi tiết được lập thành ba, bốn bản viết tay cẩn thận.

Sau đó, ACB tiếp nhận thêm một nhu cầu vay đặc biệt khi người vay muốn thế chấp khoản vay bằng hàng hóa. Khách hàng muốn vay 1 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của ACB chỉ tầm 20 tỷ. Và để thế chấp cho khoản vay khổng lồ thời điểm đó, khách hàng đã cho một chiếc xe tải chứa hai tấn mỹ phẩm trị giá vài tỷ đến ngân hàng. Chiếc xe đậu ngay cổng mặt tiền trụ sở chính trên đường Nguyễn Thị Minh Khai gây cản trở giao thông một thời là hình ảnh thú vị khó phai mờ trong tâm trí các lãnh đạo ACB.

Để ngân hàng “chạy” được ngày khai trương, ACB cần phải có một phần mềm quản lý để thực hiện những giao dịch cơ bản như gửi tiền, rút tiền, chuyển khoản... Đội ngũ kỹ thuật thời ấy của ACB chỉ vỏn vẹn 2 người, một người có ít kinh nghiệm IT và một người từng làm kế toán trưởng thời gian ngắn. Kinh nghiệm sâu sắc nhất của họ lúc đó có lẽ là dạy học.

Tới 5 giờ chiều kết sổ ngày khai trương, thời khắc lịch sử ấy ghi nhận anh phụ trách IT vui mừng hoan hỉ thông báo với mọi người về sự kiện ACB đã chạy được cân đối thành công. Hôm ấy tổng cộng ACB thực hiện 16 giao dịch, và quan trọng hơn cả là chương trình mà đội ngũ sáng lập ACB nghiên cứu đã “đồng điệu” theo chuẩn của NHNN lúc bấy giờ.

Bài học khởi nghiệp 3: Mạnh dạn cách tân để tạo nên khác biệt

Sau vài tháng hoạt động, ACB xin được giấy phép thanh toán quốc tế, cho phép họ mở tài khoản giao dịch tại Hong Kong và Singapore. Sau đó, ACB cũng là đơn vị tiên phong trong dịch vụ chuyển tiền USD từ nước ngoài vào tài khoản trong nước. Thời điểm đầu thập niên 90 chuyển tiền từ Mỹ về Việt Nam không phải là chuyện dễ dàng nhưng giao dịch đầu tiên thành công của ACB là khoản tiền lên đến 100 nghìn USD.

Nhắc đến chuyện tiên phong, phải kể lại rằng thời điểm sơ khai, ACB tuy nhỏ nhưng có “võ”. Ngày ấy các ngân hàng đối thủ luôn ưu ái các khách hàng là doanh nghiệp nhà nước, để nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần, thì ACB chọn cho mình ngách thị trường “khó ăn” hơn nhưng đầy tiềm năng, đó chính là phân khúc khách hàng cá nhân, hướng đến bán lẻ.

Tiên phong trong mô hình kinh doanh, ACB là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam phát hành thẻ thanh toán quốc tế khi vấn đề IT còn chưa kịp phổ cập đến đại đa số người dân.

Có thể nói, sự cách tân đã là giá trị cốt lõi nổi bật thời điểm đó của ACB, luôn tiên phong tạo nên những điều mới mẻ góp phần thay đổi mạnh mẽ diện mạo ngân hàng. Và khi cách tân đi cùng những giá trị chính trực, hài hòa và cẩn trọng, ACB đã tạo nên những hiệu quả thực tế. Trong suốt chiều dài hoạt động, ngân hàng này luôn đạt mức tăng trưởng cao, có nhiều năm cao hơn mức tăng trưởng trung bình của toàn ngành.

24 năm tự khám phá nhu cầu thị trường, tự tạo ra sản phẩm đáp ứng những nhu cầu đó, tự chỉnh sửa và hoàn thiện, ACB luôn tìm thấy mình trong sự phát triển trên nền tảng đam mê, nhiệt huyết để tạo ra chất xúc tác thúc đẩy hệ thống ngân hàng thay đổi, luôn vận động không ngừng để từng cá nhân trong nội bộ cảm thấy thoải mái, hài lòng và mang đến những trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cho từng khách hàng.

A.D

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên