MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ Sacombank: Ông Dương Công Minh khẳng định không liên quan vụ án bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát

26-04-2024 - 10:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Sáng ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2024.

Theo báo cáo kiểm tra tư cách cổ đông, đến 8h36 có 1.032 cổ đông và người uỷ quyền tham dự ĐHĐCĐ, đại diện cho hơn 1,16 tỷ cổ phiếu có quyền biểu quyết, tương đương tỷ lệ hơn 61,79%. Đại hội đủ điều kiện tiến hành. 

Theo tài liệu, Sacombank trình đại hội đồng cổ đông kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tổng tài sản tăng 10% lên 724.000 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động tăng khoảng 10% lên 636.600 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng tăng 11% lên 535.800 tỷ đồng. HĐQT sẽ điều chỉnh lại các mục tiêu tăng trưởng huy động và cho vay phù hợp với hạn mức tăng trưởng tín dụng phân bổ của NHNN.

Ngân hàng cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 10.600 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Lãnh đạo Sacombank cho biết tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh và công bố hoàn thành Đề án tái cơ cấu sớm hơn thời hạn.

Trước đó, năm 2023, ngân hàng đã hoàn thành mục tiêu kinh doanh với lợi nhuận trước thuế đạt 9.595 tỷ đồng, tăng 51,4% so với năm 2022 và đạt 101% kế hoạch. Năng suất và các tỷ suất sinh lời được cải thiện, trong đó ROA bình quân tăng 0,31%, đạt 1,22%. ROE bình quân tăng 4,47%, đạt 18,3%. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) tăng 72%, đạt 4.094 đồng/cp.

Năm 2023, Sacombank đã thu hồi xử lý hơn 7.900 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng. Trong đó gần 4.500 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án, kéo giảm tỷ trọng trong tổng tài sản xuống còn 3%. Ngân hàng trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định, tổng só dư dự phòng đạt hơn 25.000 tỷ đồng, tăng 10,4%, trong đó dự phòng cho vay tăng 34,3%. 

Về phương án phân phối lợi nhuận, tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận cho năm tài chính 2023 và kế hoạch phân phối lợi nhuận năm tài chính 2024, không đề cập đến kế hoạch chia cổ tức.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Sacombank năm 2023 là hơn 9.500 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế và trích các quỹ còn hơn 5.700 tỷ đồng. Nếu tính lợi nhuận hợp nhất giữ lại từ các năm trước, lũy kế tới năm nay sẽ là hơn 18.300 tỷ đồng.

Năm ngoái, tại ĐHĐCĐ thường niên, trả lời chất vấn của cổ đông về vấn đề cổ tức, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, Sacombank là ngân hàng đặc thù, thuộc diện tái cơ cấu nên chưa thể chia cổ tức. Hiện còn vấn đề liên quan đến chỗ cổ phiếu của ông Trầm Bê, ngân hàng đã trình phương án mua lại số cổ phiếu đó từ Ngân hàng Nhà nước để bán đấu giá và xử lý dứt điểm vấn đề. Sau khi xử lý xong, hoàn tất tái cơ cấu, ngân hàng mới được chia cổ tức.

Cũng tại ĐHĐCĐ năm 2024, Sacombank sẽ xem xét thông qua tờ trình về việc nâng số lượng thành viên Ban Kiểm soát (nhiệm kỳ 2022 - 2026) từ 4 thành 5 người. Đồng thời, HĐQT cũng có các tờ trình liên quan đến việc sửa đổi quy chế điều lệ để phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng 2024 và vấn đề về thù lao, tổ chức kiểm toán.

Ông Dương Công Minh phủ nhận các tin đồn

Chia sẻ tại Đại hội, ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT cho biết bản thân ông là cổ đông lớn nhất và là Chủ tịch ngân hàng. Vì vậy những tin đồn về ông sẽ có ảnh hưởng nhất định đến ngân hàng, và từ đó ảnh hưởng đến các cổ đông. 

Nói về tin đồn ông bị cấm xuất cảnh do liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát, ông Minh khẳng định: "Tôi không liên quan một dấu chấm, dấu phẩy gì đến bà Trương Mỹ Lan hay Vạn Thịnh Phát. Đây là tin đồn ông Thắng Đặng viết trên facebook. Nguyên nhân của vấn đề này là do khi Sacombank cho Bamboo vay tiền, tôi phải làm cố vấn cho khoản tín dụng của Bamboo không mất vốn. Khi đó, ông Thắng có đòi 200 tỷ đồng cho cá nhân, nhưng sau đó gia đình ông Quyết đã cho ông Thắng nghỉ trước khi nhà đầu tư mới vào đầu tư. Tôi có đề nghị ông Thắng làm việc với đối tác mới. Việc ông Thắng viết lên facebook là không đúng sự thật. Nếu có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan tôi không bao giờ ngồi đây được."

Sacombank gần đích hoàn thành đề án tái cơ cấu

Chủ tịch HĐQT Sacombank bộc bạch, thời điểm HĐQT mới vào Sacombank năm 2017, Sacombank có lãi dự thu nhiều hơn cả vốn điều lệ. Đến hiện tại, sau 7 năm, Sacombank có vốn chủ sở hữu hơn 45.000 tỷ đồng, là điển hình ngân hàng tự tái cơ cấu thành công. Tổng tài sản và dư nợ tín dụng cũng tăng trưởng qua các năm. Nợ xấu và tài sản ngưng đọng khoảng 94.000 tỷ trên dư nợ 222.000 (tỷ trọng 42%) vào thời điểm bắt đầu tái cơ cấu, hầu như như một nửa tín dụng là nợ xấu. Nhưng đến hiện tại tỷ lệ này chỉ còn 6,9%.

Hiện Sacombank chỉ còn 1 vấn đề duy nhất để hoàn thành đề án tái cơ cấu là liên quan đến số cổ phần của ông Trầm Bê. Sacombank đang chờ NHNN duyệt cho phép bán 32% vốn điều lệ liên quan số cổ phần này, sau khi hoàn tất thì sẽ tái cấu trúc thành công. Nợ xấu của chúng ta cũng sẽ về dưới 3%. 

Đã xử lý xong KCN Phong Phú

Theo ông Minh, ngân hàng đã xử lý xong khoản nợ Khu công nghiệp Phong phú và bên mua đã thanh toán một nửa. Về việc thanh lý các tài sản tồn đọng, ông khẳng định luôn công khai, minh bạch, bản thân ông và những người liên quan không tham gia vào việc mua các tài sản này, hoàn toàn không có mục đích tư lợi. 

Phần thảo luận

Cổ đông: Vì sao kế hoạch lợi nhuận 2024 quá thấp? Có phải cố tình đặt mục tiêu lợi nhuận thấp để giá cổ phiếu thấp xuống hay không?

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Tổng Giám đốc: Chiến lược của Sacombank là phát triển an toàn, bền vững. Kế hoạch xây dựng trên vấn đề thận trọng, chặt chẽ trên dự báo vốn vay thấp, tín dụng toàn ngành quý 1 chỉ tăng 0,26%, rủi ro nợ xấu toàn ngành cũng tăng. Lãi suất huy động có xu hướng tăng trước áp lực lạm phát. Định hướng của chúng tôi là đồng hành cùng khách hàng để cung ứng vốn ra thị trường. Chúng tôi cũng tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro, dự kiến trích 4.300 tỷ đồng. 

Mức lợi nhuận này có thể không cao như nhiều ngân hàng bạn nhưng phù hợp với Sacombank đang trong quá trình phục hồi, tái cơ cấu. 

Giá cố phiếu biến động phụ thuộc cung cầu của thị trường. Chúng tôi không dùng các thông tin tiêu cực để can thiệp vào giá trị cổ phiếu. 

Cổ đông: Phương án xử lý cổ phiếu của ông Trầm Bê và người liên quan? 

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Đề án tái cơ cấu đã trình NHNN trên 6 tháng, do yếu tố khách quan nên cần thời gian nghiên cứu kỹ hơn. NHNN cơ bản đã đồng ý chủ trương của Sacombank và sẽ trình Chính phủ. Số cổ phiếu này sẽ đưa đấu giá công khai, đảm bảo minh bạch, đảm bảo khả năng thu hồi nợ cho ngân hàng.  

Cổ đông: Đấu giá KCN Phong Phú đến giờ này như thế nào?

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Sau 18 lần thì đến nay đã đấu giá thành công, đã thu được 20% số tiền đấu giá. Việc đấu giá hiện trạng khoản nợ cần thời gian để cho bên mua nợ hoàn thiện pháp lý, phần nợ còn lại được hoàn trả trong 2 năm với điều kiện ngân hàng hỗ trợ thời gian để họ hoàn thiện thủ tục đền bù giải toả. 

Cổ đông: Dư nợ của Bamboo Airways là bao nhiêu và tài sản đảm bảo như thế nào? 

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Dư nợ xác định còn 3.583 tỷ đồng, khoản nợ nằm trong nhóm 1. Trước đây, nếu như khoản nợ được đảm bảo bằng cổ phiếu Bamboo và FLC thì hiện nay khi nhóm cổ đông mới vào, chúng tôi cũng thuyết phục nhóm cổ đông mới đưa thêm tài sản là bất động sản làm đảm bảo, để đảm bảo toàn bộ dư nợ của Bamboo Airways. Hiện nay khoản nợ đã được đảm bảo 100% bằng các bất động sản mới và còn cả tài sản đảm bảo cũ nên chắc chắn khoản vay không có khả năng mất vốn vì tài sản đảm bảo có giá trị cao. Cổ đông có thể yên tâm. 

Cổ đông: Định hướng tăng trưởng tín dụng của Sacombank như thế nào, tỷ trọng cho vay bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bao nhiêu?

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Hiện dư nợ của Sacombank hơn 500.000 tỷ đồng và cho vay BĐS là 100.000 tỷ, chiếm khoảng 20% nhưng chủ yếu là cho vay tiêu dùng cá nhân. Cho vay BĐS dự án chỉ 9.000 tỷ, rất nhỏ so với tổng dư nợ. Chúng tôi phát triển theo đúng định hướng của NHNN, đi vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực xuất nhập khẩu, lĩnh vực xanh,...Hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, chúng tôi không có đầu tư. 

Cổ đông: Chúng tôi đã già, chờ cổ tức không biết đến bao giờ, còn có đủ sức mà nhận cổ tức hay không?

Ông Dương Công Minh: Theo quy định pháp luật thì phải hoàn lại vốn điều lệ thì mới tái cơ cấu thành công. Điều kiện để chia cổ tức là phải hoàn vốn điều lệ và sau đó đưa nợ xấu về dưới 3%. Tôi là cổ đông lớn nhất nhưng quy định là phải tái cơ cấu xong mới được chia cổ tức, chúng tôi quyết tâm thực hiện trong năm nay.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Cấn đề cuối cùng của việc chia cổ tức là ngân hàng phải xử lý xong 32% cổ phần của ông Trầm Bê và những người liên quan. Sau khi được phê duyệt đấu giá xong thì chúng tôi không có lý do gì để không chia cổ tức. Hiện tại lợi nhuận chưa phân phối là 18.400 tỷ đồng, cũng tương đương với 100% vốn điều lệ. Ngân hàng đã sẵn sàng rồi. 

Cổ đông: Ngân hàng có kế hoạch phát hành cho cổ đông chiến lược không? 

Ông Dương Công Minh: Hiện "room" ngoại của Sacombank đã hết 30%.  Dự tính khi được chia cổ tức sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ và kế hoạch dài hạn lâu dài có thể kêu gọi cổ đông chiến lược.

Đại hội kết thúc, thông qua tất cả các tờ trình!

Minh Vy

An ninh Tiền tệ

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên