MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ba bộ thông tin về việc tinh giản biên chế, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập

01-06-2024 - 21:26 PM | Xã hội

Đến hết ngày 31/12/2023, số đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) là 80 đơn vị, giảm 11,1% so với năm 2021, giảm hơn 18 đơn vị chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước.

Ngày 1/6, Đoàn Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023, làm việc với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT.

Tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, báo cáo của các bộ cho thấy, tỷ lệ giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập của từng bộ trong giai đoạn 2015 - 2021 chưa đạt mục tiêu giảm tối thiểu 10% đặt ra.

Ba bộ thông tin về việc tinh giản biên chế, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập- Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: QH

Cụ thể, Bộ TN&MT giảm được 7 đơn vị (90/97 đơn vị), tương ứng gần 7,22%; Bộ Công Thương giảm 3 đơn vị (66/69 đơn vị), tương ứng gần 4,35%; còn Bộ NN&PTNT giảm được 8 đơn vị (106/114 đơn vị), tương ứng gần 7,02%. Đoàn giám sát đề nghị các bộ báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Cũng theo báo cáo của 3 bộ, việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần và loại hình doanh nghiệp khác đạt kết quả rất thấp. Các bộ cần nêu rõ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện và nguyên nhân, giải pháp cũng như kiến nghị cụ thể để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến thời điểm hiện tại, số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp của bộ này giảm tối thiếu 10% so với biên chế sự nghiệp năm 2015. Giai đoạn 2015 – 2021, Bộ Công Thương đã thực hiện cắt giảm số lượng người làm việc là 7.007 người, đạt tỷ lệ 44,52%.

Trong năm 2022 và 2023, số lượng người làm việc được giao là 6.126 người, giảm 2.515 người, đạt 28,81%. Như vậy, giai đoạn 2022 – 2025, bộ thực hiện vượt chỉ tiêu cắt giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Với Bộ TN&MT, tính đến hết ngày 31/12/2023, số đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý là 80 đơn vị, giảm 11,1% so với năm 2021. Đến năm 2023, bộ đã giảm hơn 18 đơn vị chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước sang đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên so với năm 2015.

Số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách trong đơn vị sự nghiệp chưa tự bảo đảm chi thường xuyên đã giảm mạnh, đặc biệt là số người làm việc hưởng lương ngân sách so với năm 2021 giảm 4,6%, so với năm 2017 giảm 55,8%, so với năm 2015 giảm 77,5%.

Ba bộ thông tin về việc tinh giản biên chế, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập- Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: QH

Về phía Bộ NN&PTNT, đến năm 2023, đã thực hiện việc tổ chức, sắp xếp giảm được 8 đơn vị trực thuộc trong tổng số 75 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 10,6%); giảm 146 đầu mối tổ chức (phòng, khoa, bộ môn, trung tâm,…) trực thuộc các cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ.

Số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ này, tính đến năm 2021 đã giảm 27% so với năm 2015, đạt và vượt tiêu chí theo quy định của Nghị quyết 19-NQ/TW. Trong giai đoạn 2022 – 2026, tính đến năm 2023 biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ đã giảm 6,8% so với năm 2021.

Qua báo cáo, các bộ cũng chỉ rõ những nguyên nhân, hạn chế còn tồn tại, như các văn bản hướng dẫn về tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập còn chưa kịp thời và đầy đủ, thủ tục hành chính còn rườm rà. Nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp của một số đơn vị sự nghiệp còn thấp, vì vậy khó khăn trong bố trí kinh phí để thực hiện tinh giản biên chế đối với viên chức…

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giao thường trực đoàn giám sát ghi nhận đầy đủ ý kiến để đề xuất, trao đổi với các bộ có liên quan và Chính phủ tại buổi làm việc tới; đề nghị các thành viên đoàn giám sát nghiên cứu, đề xuất nội dung đưa vào báo cáo kết quả giám sát và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Luân Dũng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên